Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa cơ bản hoàn thành đàm phán, đang thắp lên hy vọng cho người tiêu dùng Việt được mua xe xịn với giá “mềm".
Các nước thuộc khu vực châu Âu đang sở hữu các nhãn hiệu xe sang như Rolls Royce, Lamborghini, Ferrari, Bentley, hay Poscher, BMW, Mercedes-Benz, Audi, Peugeot, Renault. Trong số này chỉ có hai nhãn hiệu là Mercedes-Benz và Peugeot đang có nhà máy lắp ráp ở Việt Nam, nhưng số lượng lắp ráp chỉ vài trăm chiếc/năm, còn lại đều là nhập khẩu nguyên chiếc.
Hiện mức thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ châu Âu hay các thị trường ngoài ASEAN đang áp dụng là 70%. Theo cam kết WTO, ô tô chở người sẽ giảm về 52% vào năm 2019 cho loại có dung tích xy lanh 2.5L trở lên; xe 2 cầu giảm về 47% vào năm 2017, còn các loại khác không có cam kết.
Tuy nhiên, với EVFTA, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc chở người sẽ về 0% sau 10 năm, kể từ khi Hiệp định được ký chính thức. Riêng với xe có dung tích động cơ xăng trên 3.0L và động cơ dầu trên 2.5L sẽ mở cửa sớm hơn 1 năm.
Các nhà đàm phán hy vọng cuối năm 2015 sẽ ký chính thức EVFTA, nếu thế, sớm nhất cũng phải tới năm 2026, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc mới về 0%.
Với thời gian giảm thuế về 0% kéo dài trong 10 năm, người tiêu dùng khó mơ ước Bộ Tài chính, cơ quan quản lý chi tiêu của cả nước, trong thời buổi khó khăn, sẽ đệ trình lộ trình mở cửa, giảm thuế nhập khẩu nhanh cho ô tô từ châu Âu.
Cách tính thuế hiện nay với ô tô đang theo phương thức thuế chồng thuế. Nghĩa là các sắc thuế nội địa gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ được tính trên cơ sở thuế suất và giá xe nhập khẩu đã có thuế của các khâu trước. Bởi vậy, việc giữ thuế nhập khẩu cao sẽ mang lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách, chưa kể còn được tiếng là giúp hạn chế nhập siêu, nhất là khi ô tô hạng sang và siêu xe là những mặt hàng thuộc nhóm không khuyến khích nhập khẩu.
Đơn cử, để mua một chiếc xe Rolls Royce có giá nhập khẩu 250.000 USD, người tiêu dùng sẽ phải nộp thêm vào ngân sách 175.000 USD (thuế nhập khẩu), 255.000 USD (thuế tiêu thụ đặc biệt), 68.000 USD (thuế giá trị gia tăng). Ngoài ra, còn phải đóng khoảng 2 tỷ đồng (khoảng 93.000 USD) lệ phí trước bạ nếu chủ nhân muốn có biển Hà Nội hoặc TP.HCM, cùng một số lệ phí khác. Tổng cộng, ngân sách sẽ thu được khoảng 600.000 USD khi nhập khẩu 1 chiếc Rolls Royce có giá 250.000 USD.
Với các dòng xe ít sang hơn, số thuế đóng góp cũng không nhỏ. Chỉ 3 doanh nghiệp đang kinh doanh xe nhập khẩu từ Đức về là BMW, Audi và Poscher, mỗi năm cũng đóng thêm cho ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng thuế các loại với số lượng xe bán ra xấp xỉ 200 chiếc.
Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính tính toán, áp mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3.0L, tiêu hao nhiều nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.
Với thực tế xe nhập khẩu từ châu Âu về đa phần là xe cho giới nhà giàu, có giá trị cao hoặc dung tích động cơ lớn nên kỳ vọng của số đông về xe xịn nhưng giá rẻ nhờ thuế thấp sẽ khó diễn ra. Tuy nhiên, số đông người tiêu dùng có thể hy vọng thị trường ô tô tại Việt Nam sẽ bùng nổ vào giai đoạn 2021 - 2022.
Theo nhận xét của Bộ Tài chính, khi các FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), EVFTA, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, ngành ô tô sẽ phải đối mặt với thực trạng thuế quan ô tô nguyên chiếc giảm nhanh và khá sâu từ năm 2021.
Đồng quan điểm năm 2021 - 2022, thị trường ô tô tại Việt Nam có sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ, nhưng ông Murakami, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lý giải rằng, đây là giai đoạn GDP đầu người của Việt Nam đạt 3.000 USD/năm.
Theo Chủ tịch VAMA, khó nói bao giờ giá xe có thể ngang bằng với các nước khác, dù các thành viên VAMA đang nỗ lực không ngừng để sản xuất ra chiếc xe với chi phí hợp lý nhất.