Người nội bộ bán cổ phiếu và dấu hiệu xấu cho thị trường tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa báo cáo lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp Mỹ liên tục gây bất ngờ cho giới đầu tư với sự tăng trưởng mạnh vượt kỳ vọng của phần lớn doanh nghiệp. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là nhiều mối lo ngại trong đà tăng mạnh mẽ của thị trường.
Người nội bộ bán cổ phiếu và dấu hiệu xấu cho thị trường tăng giá

Chỉ số S&P 500 đã tăng đáng kinh ngạc 42% so với năm ngoái và hơn 11% chỉ riêng trong năm 2021.

Chiến lược gia Vincent Deluard tại công ty môi giới chứng khoán StoneX cho rằng nên xem xét kỹ câu hỏi lớn nằm lơ lửng trên những mức tăng của thị trường gần đây:

"Liệu chúng ta đang thấy một chu kỳ kinh tế bùng nổ bắt đầu vào tháng 3/2020 hay sự mất mát ngoạn mục của một thập kỷ mở rộng kéo dài và thị trường đang được định giá quá cao?”.

Chiến lược gia Deluard đã sử dụng hình thức suy luận hồi tố “Nhận dạng vịt” (Duck test) với ngụ ý: "nếu nó trông giống như một con vịt, bơi như một con vịt và quàng quạc như một con vịt, thì nó có thể là một con vịt". Điều này ngụ ý rằng một số sự việc không mang tính chất như vẻ bề ngoài mà chúng ta nhìn nhận. Và kết luận của ông không phải là tin tốt cho thị trường chứng khoán.

Chiến lược gia Deluard chỉ ra rằng, mức độ tăng cổ phiếu mà chúng ta đang thấy hiện nay là chưa từng có nhưng có một ngoại lệ là cuộc Đại suy thoái.

Sau khi vượt qua 4.000 điểm lần đầu tiên trong tháng 4/2021, S&P 500 đang trên đà sớm tăng gấp đôi mức thấp nhất của đại dịch Covid-19 là 2.237 điểm của 14 tháng trước.

Theo Deluard, đã có 12 thị trường con gấu trong thế kỷ trước, và giá cổ phiếu chưa bao giờ tăng gấp đôi trong đợt phục hồi tiếp theo sau trong số 5 thị trường, còn 7 trường hợp còn lại, giá cổ phiếu phải mất tối thiểu 4 năm mới có thể tăng gấp đôi sau giai đoạn điều chỉnh mạnh.

“Chỉ có một tiền lệ trong lịch sử về việc tăng gấp đôi nhanh chóng như vậy là khi chứng khoán Mỹ tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 6/1932 đến tháng 9/1932”, ông cho biết.

Một dấu hiệu đáng lo ngại khác là sự phục hồi ngoạn mục gần đây của lợi nhuận doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi rộng hơn sau đại dịch đã không dẫn đến sự gia tăng hoạt động mua lại cổ phiếu mà mức hiện tại vẫn thấp hơn 30% so với mức trước đại dịch.

Hơn nữa, các nhà đầu tư cá nhân đã đổ tiền vào thị trường chứng khoán trong khi những người trong cuộc đang dần thoát ra.

Chiến lược gia Deluard cho biết, có 105 tỷ USD đã chảy vào các quỹ giao dịch cổ phiếu của Mỹ trong 8 tuần qua. Trong khi đó, các đợt chào bán cổ phiếu đã tăng kỷ lục 262 tỷ USD trong quý I/2021 và những người nội bộ thuộc các công ty niêm yết sàn Nasdaq đã bán được 41,5 tỷ USD trong ba quý vừa qua.

Biểu đồ giao dịch nội bộ của các công ty niêm yết trên Nasdaq (Nguồn: Chart via StoneX)
Biểu đồ giao dịch nội bộ của các công ty niêm yết trên Nasdaq (Nguồn: Chart via StoneX)

Vị chiến lược gia này cũng chỉ ra lạm phát là một dấu hiệu đáng lo ngại. Ông cho rằng, lập luận Covid-19 đang bóp méo lạm phát là một sai lầm và mức lạm phát hiện tại, chẳng hạn như giá hàng hóa đang thể hiện nhiều hơn mức bình thường từ cú sốc đại dịch.

Về mặt kinh tế Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2021 đạt 6,4%. Ngoài mức tăng đột biến của quý III/2020 sau khi mở cửa trở lại vào năm ngoái, đây là thời kỳ tăng trưởng tốt nhất đối với GDP kể từ quý III/2003.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết, Fed sẽ bám sát chiến lược thúc đẩy nền kinh tế bằng lãi suất siêu thấp cho đến khi nền kinh tế mạnh lên hơn nữa và các trường hợp nhiễm Covid-19 giảm mạnh.

Về khía cạnh tài chính, Quốc hội Mỹ đã phân bổ khoảng 5,3 nghìn tỷ USD để tăng cường bồi thường thất nghiệp cùng với một loạt các chương trình chi tiêu khác đã giúp đẩy thâm hụt ngân sách liên bang lên 1,7 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm tài chính 2021 và khiến nợ quốc gia tăng vọt lên 28,1 nghìn tỷ USD. Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1,8 nghìn tỷ USD từ Nhà Trắng.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục