Báo Đầu tư vừa tổ chức Lễ vinh danh 15 dự án bất động sản hấp dẫn nhất Việt Nam 2016 do độc giả của Báo bình chọn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, đây là một cách làm thực chất để các bên tham gia thị trường bất động sản gồm nhà đầu tư, khách mua nhà và cơ quan quản lý xích lại gần nhau hơn, tìm ra tiếng nói chung cho các vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Cuộc bình chọn với 58 dự án được đề xuất, thực hiện trên hệ thống Báo điện tử của Báo Đầu tư trong khoảng thời gian 1 tháng với 268.362 lượt bình chọn đã phản ánh sự khách quan, sự quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư với các dự án, chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, nếu thời gian bình chọn kéo dài hơn, từ 2 - 3 tháng, tôi nghĩ, thông tin ghi nhận được sẽ toàn diện hơn.
Ông đánh giá như thế nào về các tiêu chí bình chọn mà Ban tổ chức đề ra?
Ông Trần Ngọc Quang
Các dự án được bình chọn với 5 tiêu chí gồm: Vị trí; Thiết kế; Tiện ích; Tính kết nối; Tính tuân thủ cam kết của chủ đầu tư, theo tôi, như thế là khá toàn diện. Một dự án nhà ở thực sự tốt phải đảm bảo được tất cả các tiêu chí này. Trong bối cảnh khách hàng có nhiều lựa chọn khác nhau, họ sẽ chấm điểm từ cao xuống thấp với từng tiêu chí. Như vậy, khi tổng hợp lại, kết quả sẽ phản ánh tương đối khách quan và toàn diện đối với bất động sản đó.
Có ý kiến cho rằng, trong số các dự án được bình chọn, có một số dự án còn tồn tại những bất cập. Việc bình chọn của độc giả có giúp các chủ đầu tư nhìn lại mình hay chỉ là cách làm đẹp lòng các chủ đầu tư?
Tôi cho rằng, 15 dự án được chọn ra thực sự là đại diện tiêu biểu của một thị trường bất động sản đang sôi động, nhưng vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết. Sự tôn vinh của bạn đọc là phần thưởng, nhưng cũng là áp lực để chủ đầu tư nỗ lực hơn trong việc đầu tư, xây dựng, vận hành dự án; phục vụ cuộc sống của chính những khách hàng của dự án đó, góp phần vào sự phát triển chung của thị trường bất động sản.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều khách hàng bày tỏ sự lo lắng khi chủ đầu tư dự án mà họ mua nhà bị thanh tra, kiến nghị xử lý các vi phạm trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Liệu quyền lợi của khách hàng, đặc biệt là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà có bị ảnh hưởng?
Việc khách hàng lo lắng khi mua phải sản phẩm bất động sản bị thanh tra kiến nghị xử lý là điều cần được các bên, nhất là cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ. Tôi cho rằng, quyền được cấp sổ đỏ và thời hạn chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục để đảm bảo quyền lợi cho người dân đã được Nhà nước quy định.
Khách hàng khi mua bất động sản hoàn toàn có thể căn cứ vào các quy định của Nhà nước để yêu cầu chủ đầu tư có nghĩa vụ thực hiện. Nếu chủ đầu tư không thực hiện, thì khách hàng có thể kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ, đảm bảo quyền lợi của mình.
Hiện tại, có khá nhiều dự án vì những lý do khác nhau khiến việc cấp sổ đỏ bị chậm trễ. Trong trường hợp này, vai trò của người dân là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ và đảm bảo quyền lợi của mình. Theo tôi, khách hàng hoàn toàn có quyền kiến nghị chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý nhà nước, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình.
Thời gian gần đây, tranh chấp bùng phát tại nhiều dự án chung cư. Theo ông, vì sao tranh chấp chung cư lại diễn ra nhiều như vậy và có giải pháp gì để giảm thiểu vấn đề này?
Tranh chấp chung cư diễn ra hiện nay phải nhìn ở khía cạnh tích cực của nó. Trước đây, những người ở chung cư không có người đại diện để đảm bảo quyền về tài sản tại chung cư. Hiện nay, các ban quản trị đã có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc yêu cầu chủ đầu tư thực hiện quyền lợi của cư dân.
Theo tôi, chúng ta không nên đặt vấn đề giảm thiểu việc này, mà là các yêu cầu của người dân được giải quyết đến đâu. Để có kết quả tốt, các khu chung cư cần nhanh chóng bầu ra ban quản trị là những người có năng lực, kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh tại các dự án chung cư. Khi đó, các tranh chấp sẽ được giảm thiểu.
Có ý kiến cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng từ giữa năm 2016 dẫn đến tắc nghẽn thanh khoản của các dự án bất động sản. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Theo tôi, cần phân biệt rõ các vấn đề.
Đối với từng phân khúc nhất định, Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều tiết cụ thể để thị trường phát triển một cách bền vững. Việc điều chỉnh chính sách tín dụng ngân hàng với thị trường bất động sản sẽ tùy theo từng phân khúc. Chẳng hạn như với các dự án nhà ở xã hội, sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, các dự án triển khai đã bị chậm lại nếu không muốn nói là tắc nghẽn.
Còn đối với các dự án nhà ở cao cấp hiện nay đang có tình trạng cung quá nhiều, thì Nhà nước phải hạn chế. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng phải chặt chẽ hơn trong việc xét duyệt cho vay. Chỉ dự án nào thực sự khả thi mới cho vay. Từ đó góp phần điều tiết nguồn cung.
Với các dự án nhà ở thương mại giá rẻ thì hiện nay, Nhà nước vẫn khuyến khích và các ngân hàng vẫn giải ngân bình thường, không có sự tắc nghẽn nào ở đây.
Tuy nhiên, có một vấn đề phải nhìn nhận ở đây là hiện tại, các dự án bất động sản lệ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng. Chỉ khi nào thị trường có thêm các kênh bổ sung vốn, thì thị trường bất động sản mới có thể phát triển bền vững, ít phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
UBND TP.Hà Nội vừa ra công văn yêu cầu các sở ban, ngành phối hợp đẩy mạnh việc thanh tra, rà soát, xem xét lại những dự án bất động sản chậm tiến độ, dự án vi phạm thế chấp ngân hàng hoặc không thực hiện bảo lãnh để xử lý hoặc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?
Việc này đáng lẽ ra phải thực hiện từ nhiều năm trước, bởi pháp luật đã quy định. Động thái này của Hà Nội theo tôi là tích cực, để làm giảm đi số lượng các dự án "đắp chiếu" của các chủ đầu tư thiếu năng lực. Khi thực hiện việc này đòi hòi sự quyết liệt của chính quyền và bình đẳng với tất cả các doanh nghiệp. Tôi cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng, góp phần minh bạch thị trường bất động sản.
Nhiều người đang chờ đợi gói tín dụng hỗ trợ mua nhà lãi suất ưu đãi thứ 2 từ Chính phủ sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc. Hiệp hội có kiến nghị gì với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai gói tín dụng mới này?
Về việc này, Hiệp hội đã kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cần có nguồn vốn để thực hiện chính sách của Nhà nước để phát triển nhà ở xã hội. Trong thời gian tới, Hiệp hội sau khi tổng hợp các vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay của doanh nghiệp và người dân, sẽ tiếp tục có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy các kênh tín dụng ưu đãi cho người dân mua nhà và các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.
Việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo quyết liệt để thực hiện. Hy vọng, thời gian tới, những vấn đề này sẽ có sự cải thiện rõ rệt.