Người lính cũ của tướng Đồng Sĩ Nguyên và mặt trận thứ hai

Ẩn sau sự nhỏ nhẹ, mềm mỏng thường thấy ở doanh nhân Phan Văn Quý là một quyết tâm đến cháy bỏng. Ở ông toát lên sự tự tin, vững vàng của một người lính hai lần ra trận: từ chiến trường trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đến thương trường trong công cuộc xây dựng đất nước.

Doanh nhân Phan Văn Quý Doanh nhân Phan Văn Quý

Từ chiến trường đến thương trường

Luôn lắng nghe người đối diện và chuyện trò với phong thái nhỏ nhẹ, ít người hình dung được rằng, doanh nhân - Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý - Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương từng là người lính lăn lộn dưới làn bom đạn của kẻ thù, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới ở lứa tuổi đôi mươi.

Có dịp thong thả chuyện trò với ông, chúng tôi mới hiểu vì sao ông vô cùng tâm huyết với câu nói của Nguyên soái Zhukov (một trong những nhà cầm quân lỗi lạc của quân đội Xô Viết trong Thế chiến thứ II): “Một người tá giỏi phải biết chỉ huy quân xông pha trong trận mạc giỏi, nhưng một người tướng giỏi phải là người nhận định được trận đánh giỏi”.

Dường như bản lĩnh không bao giờ lùi bước trước khó khăn của một người trưởng thành trong quân ngũ và tư duy “nhận định được trận đánh” của Nguyên soái Zhukov mà ông tâm huyết luôn in dấu trong từng nước đi, từng quyết định của ông trên thương trường.

Là người đứng đầu Tập đoàn Thái Bình Dương, doanh nhân Phan Văn Quý luôn trăn trở làm sao để đưa Tập đoàn phát triển bền vững, góp phần đem lại cuộc sống ổn định của cán bộ, nhân viên Công ty và đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Được thành lập từ năm 2001, Tập đoàn Thái Bình Dương đã trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đó cũng là khoảng thời gian để những ý tưởng của doanh nhân Phan Văn Quý dần trở thành hiện thực.

Với sự năng động nắm bắt thời cơ, đột phá vào các lĩnh vực đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã từng bước xây dựng nên một mô hình Tập đoàn linh hoạt, mở rộng từ kinh doanh bất động sản, công nghiệp đến tổng thầu. Quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh của Tập đoàn cũng được phát triển trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, với 18 đơn vị, trong đó có 6 đơn vị thành viên và 12 đơn vị có vốn góp.

Cùng với tư duy phải đọc được “trận đánh” thì mới có được cả chiến dịch thành công, doanh nhân Phan Văn Quý cũng tâm đắc với nguyên lý kinh doanh “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Theo ông, để thích ứng được với sự thay đổi bất thường trong nền kinh tế thì người kinh doanh phải có nhiều phương án linh hoạt.

Đến giờ, nhiều người vẫn nhắc lại quyết định có phần “khó hiểu” của ông khi rút khỏi cả ngân hàng và chứng khoán vào năm 2008. Khi đó, lĩnh vực này vẫn đang là “mảnh đất vàng” đẻ ra tiền; hồ sơ xin thành lập ngân hàng vẫn tiếp tục đổ về Ngân hàng Nhà nước. Nhưng những gì diễn ra sau đó đã cho thấy khả năng “nhận định được trận đánh” của ông. Tuy vậy, ông vẫn khiêm tốn nói rằng, đó là nhờ biết rút kinh nghiệm của những người đi trước.

Trong hơn một thập kỷ qua, với sự chèo lái của doanh nhân Phan Văn Quý, Tập đoàn Thái Bình Dương đã lựa chọn phương án đi tắt đón đầu, hợp tác với các tập đoàn trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, cách quản lý của họ, nhằm từng bước khẳng định vị trí của mình trên thương trường. Bởi vậy, dấu ấn của Tập đoàn ngày càng được khẳng định qua các dự án đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Dự án Khu đô thị Hà Phong, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1...

Doanh nhân Phan Văn Quý tâm niệm, việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp phải gắn với yêu cầu Nhà nước đang cần, phải nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, thì việc đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp mới bền vững.

Tâm niệm ấy của ông được cụ thể hóa bằng việc, Tập đoàn Thái Bình Dương hợp tác với các đối tác mạnh của nước ngoài để đầu tư xây dựng các dự án điện, nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp doanh nghiệp trong nước học hỏi công nghệ, chuyển giao công nghệ để tiến tới làm chủ công nghệ.

Tháng 12/2013, Tổ hợp nhà thầu gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2), Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc) và Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đã ký kết Hợp đồng EPC “Thiết kế, mua sắm, xây lắp Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4” với chủ đầu tư là Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trị giá hợp đồng lên tới 1,36 tỷ USD.

Trong hợp đồng này, Tập đoàn Thái Bình Dương đảm nhận phần hỗ trợ thu xếp vốn từ nước ngoài và thực hiện công việc mua sắm các thiết bị phụ trợ cung cấp cho Nhà máy. Từ cách làm này, một số nhà máy sản xuất trong nước sẽ có điều kiện cung cấp hàng hoá cho Dự án, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như khả năng phát triển trong lĩnh vực tổng thầu, giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Cũng chính với tâm niệm kinh doanh phải gắn với lợi ích quốc gia, doanh nhân Phan Văn Quý còn ấp ủ những dự án công nghiệp quốc phòng thiết thực với đất nước. Ông cho hay, đầu năm 2013, Thái Bình Dương đã được Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng. Hiện nay, Thái Bình Dương đang tiếp tục nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác đầu tư với các đối tác mạnh trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp quốc phòng.

Góp tiếng nói thiết thực cho doanh nghiệp, doanh nhân

Như hiểu tâm niệm của ông, luôn đau đáu làm gì để đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước, dù là việc nhỏ nhất, nên bạn bè, đồng đội và vị Thủ trưởng cũ là Tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn năm xưa - đã ủng hộ, động viên ông ứng cử vào Quốc hội. Năm 2011, doanh nhân Phan Văn Quý mạnh dạn ứng cử và trở thành một trong số 4 người tự ứng cử trúng cử vào Quốc hội khóa XIII, ông cũng là thành viên của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trên cương vị của một người đại biểu dân cử, doanh nhân - Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý chú trọng nghiên cứu, phân tích để có những đóng góp thiết thực vào các dự án luật, đặc biệt là các luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, để các quy định của luật gắn liền và sát thực hơn với thực tế.

Có dịp chứng kiến một buổi làm việc của ông với các trợ lý, luật sư để phân tích, mổ xẻ cụ thể một quy định trong Luật Doanh nghiệp, chúng tôi càng cảm nhận được sự chỉn chu, cẩn trọng trong công việc của ông. Có lẽ vì thế, trong các kỳ họp của Quốc hội Khóa XIII, Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý cùng với các đại biểu khác đã có những đề xuất, góp ý được ghi nhận liên quan đến Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Bảo hiểm tiền gửi, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, kinh tế biển…

Từ thực tiễn điều hành doanh nghiệp, ông đã có những đóng góp rất sát thực cho Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đại biểu Phan Văn Quý cho rằng Luật Đầu tư (sửa đổi) phải nêu bật được 3 khâu đột phá chiến lược: đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng, đột phá về nguồn nhân lực, nhằm bảo đảm tính đồng bộ và cho chính sách đầu tư bao quát được hết các lĩnh vực. Việc sửa đổi Luật lần này phải hướng tới đạt được hiệu quả về kinh tế, chuyển giao về công nghệ, đảm bảo về an ninh quốc phòng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Đối với Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông cho rằng, để môi trường kinh doanh được minh bạch, cần tạo khung pháp lý cho hoạt động của các tập đoàn kinh tế tư nhân, giúp chuẩn hóa công tác quản lý nhà nước đối với các tập đoàn, tạo động lực cho tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển. Các tập đoàn này sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần tạo nên bức tranh đa dạng cho nền kinh tế, tạo nên giá trị và thương hiệu quốc gia.

Là sáng lập viên của 3 tổ chức từ thiện xã hội như: Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Quỹ Tâm Tài Nghệ An; trên diễn đàn Quốc hội, ông đã có những đề xuất: thành lập Quỹ Xã hội từ thiện về biển đảo để hỗ trợ ngư dân bám biển, đây cũng sẽ là nơi thể hiện chính kiến và tấm lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thành lập Hội Nội địa hóa để tạo ra sự liên kết các nhà sản xuất, chế tạo trong nước dần dần cạnh tranh ra thị trường nước ngoài, tạo nhiều việc làm cho lao động trong nước; đề xuất bổ sung Dự án Luật Biểu tình và Luật Công nghiệp quốc phòng vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII của Quốc hội…

Tâm sự với chúng tôi, ông cho biết, việc tham gia ứng cử vào Quốc hội là để ông có điều kiện nói lên tiếng nói của cử tri, của cộng đồng doanh nghiệp ở một diễn đàn rộng lớn hơn. Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra. Trong kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua một số dự án luật, trong đó có Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). “Tôi cố gắng có những đóng góp đối với các dự án luật này”, doanh nhân Phan Văn Quý chia sẻ.

Bá Thư
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục