Người lao động nghỉ, ngừng việc vì Covid-19 chưa được hỗ trợ phù hợp

Chưa có phương án, cách thức cụ thể, phù hợp nhằm hỗ trợ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 khi phải nghỉ việc, ngừng việc không hưởng lương
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thuý Anh . Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thuý Anh .

Theo Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, một trong các vấn đề cần quan tâm những tháng đầu năm 2020 là chưa có phương án, cách thức cụ thể, phù hợp nhằm hỗ trợ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 khi phải nghỉ việc, ngừng việc không hưởng lương.

Báo cáo tham gia ý kiến đánh giá bổ sung về tình kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực phụ trách vừa được Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh ký gửi các vị đại biểu Quốc hội.

Nhận định được nêu tại báo cáo là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và tác động mạnh mẽ đến việc  triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020.

Một trong những kết quả đáng chú ý thuộc lĩnh vực lao động được nêu tại đây là đến hết ngày 29/4/2020 đã giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất 538 đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng số lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 54.873 người với tổng số tiền là gần 221 tỷ đồng.

Nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm, Uỷ ban nêu rõ, do diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, trong tháng 4/2020, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng vì các doanh nghiệp cũng phải chịu những ảnh hưởng nặng nề, tỷ lệ giải quyết việc làm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cơ cấu, tổ chức lại sản xuất và nguồn nhân lực, tình trạng mất việc làm của người lao động là điều khó tránh khỏi.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I năm 2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, giảm từ 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, Chủ nhiệm Thuý Anh cho biết.

Đại dịch Covid-19 dự báo sẽ tác động nặng nề đến lao động phi chính thức, lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương là hai đối tượng dễ bị tổn thương nhất về mặt phân công công việc và có nguy cơ cao nhất rơi vào tình trạng nghèo đói. Hơn 50% lực lượng lao động của các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ, cơ quan của Quốc hội nhận định.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Uỷ ban lưu ý, trong 4 tháng đầu năm, có 272.173 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 4/2020, có 101.800 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, ước chi bảo hiểm thất nghiệp 4 tháng đầu năm khoảng 3.477 tỷ đồng.

Từ khảo sát thực tiễn và báo cáo của các ngành chức năng, Uỷ ban cho biết, có hiện tượng vận động người dân không nhận kinh phí hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. còn tình trạng  lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo chưa chính xác hoặc thực hiện chính sách chưa đầy đủ  khi triển khai  Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chưa có phương án, cách thức cụ thể, phù hợp nhằm hỗ trợ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 khi phải nghỉ việc, ngừng việc không hưởng lương cũng là vấn đề được nêu tại báo cáo.

Kiến nghị của Uỷ ban với Chính phủ là cần xác định cụ thể thứ tự ưu tiên trong kế hoạch bố trí NSNN cho lĩnh vực xã hội trong điều kiện thu ngân sách Quý II/2020 dự báo sẽ gặp khó khăn, không đạt được chỉ tiêu kế hoạch, trong khi chi ngân sách và các quỹ tài chính ngoài ngân sách sẽ rất lớn.

Uỷ ban cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, có giải pháp, biện pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện được chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu thất nghiệp năm 2020 đã được Quốc hội giao trong bối cảnh cuộc sống nhiều người dân bị tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Nhiều khoản chi dự báo ở mức thấp

Theo Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, công tác triển khai công việc và các nội dung chi trong cơ cấu phân bổ các nguồn vốn và các Chương trình mục tiêu quốc gia trong Quý I và 6 tháng đầu năm 2020 đều được dự báo ở mức thấp

Cụ thể, ước thực hiện chi các nội dung công việc Quý I và 6 tháng năm 2020 so với dự toán: chi sự nghiệp khoa học công nghệ là 7% và 15%; chi sự nghiệp kinh tế là 5% và 15%; chi sự nghiệp đào tạo, dạy nghề là 5% và 15%; chi hoạt động xã hội là 5% và 15%; chi quản lý hành chính là 14% và 30%; Chi chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 5% và 20% dự toán được giao; Chi chương trình mục tiêu chỉ đạt 5% và 25% dự toán được giao; chi thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là 10% và 35%.

Nguyên Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục