"Báo chí phải là người “truyền thần” của Quốc hội"
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre
Báo chí Cách mạng Việt Nam có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, nên mối quan hệ giữa báo chí với Quốc hội vô cùng quan trọng. Báo chí có vai trò, ảnh hưởng rất lớn tới xã hội và được mệnh danh là “quyền lực thứ tư”.
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.
Với chức năng, nhiệm vụ và mức độ ảnh hưởng của mình, Báo chí Cách mạng Việt Nam phải là người “truyền thần” của Quốc hội, phải truyền thần làm sao để xã hội tôn trọng, tiếp nhận, hưởng ứng, hướng tới những giá trị tốt đẹp, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc…
Báo chí và đại biểu Quốc hội có mối quan hệ rất đặc biệt, thậm chí 2 bên phải có trách nhiệm hợp tác với nhau để cùng có tiếng nói chung trong việc truyền tải thông tin với cử tri. Tôi cho rằng, đại biểu Quốc hội cần tích cực hợp tác với báo chí và báo chí cũng mạnh dạn hợp tác với đại biểu Quốc hội.
Muốn mối quan hệ này tốt đẹp, thì người làm báo nghị trường phải thực sự có tâm trong sáng, đừng cố tình cắt chỗ nọ, bỏ chỗ kia khiến dư luận, cử tri hiểu sai thông điệp của đại biểu Quốc hội.
"Báo chí cần tham gia sâu hơn quá trình xây dựng chính sách"
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Báo chí cần tham dự quá trình xây dựng pháp luật, từ khi ban soạn thảo định hình khung chính sách, tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho đến khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra, thảo luận, cho ý kiến và cuối cùng là trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, biểu quyết thông qua.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Tôi cho rằng, báo chí càng tham gia sâu quá trình xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách càng có lợi cho các cơ quan hoạch định chính sách, cũng như cơ quan thẩm định chính sách, vì báo chí là kênh thông tin dẫn dắt dư luận.
Thực tế cho thấy, một số luật bị dư luận phản ứng một vài điều nào đó là do kênh thông tin dẫn dắt dư luận chưa thực sự tốt, do báo chí không được tham gia đầy đủ trong quá trình xây dựng luật.
Với chức năng của mình, báo chí là kênh thông tin để xã hội, người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, quan điểm, chính kiến.
Chính vì vậy, báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin vô cùng quan trọng, hiệu quả, giúp cơ quan hoạch định chính sách, thẩm định chính sách thu thập ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội khi lựa chọn những vấn đề cần thiết phải được luật hóa hoặc cần thiết phải hướng dẫn dưới luật.
Báo chí cũng là kênh thông tin rất hiệu quả, hữu ích giúp các đại biểu Quốc hội có cái nhìn toàn cảnh hơn, đa dạng hơn, nhiều chiều hơn khi thảo luận, quyết định, lựa chọn chính sách. Tôi cho rằng, nếu cho phép báo chí tiếp cận quá trình xây dựng luật sâu hơn, rộng hơn thì đã không để xảy ra tình trạng một số luật mới đi vào cuộc sống đã phải sửa đổi, bổ sung.
"Báo chí là xúc tác giúp Quốc hội hoạt động chất lượng hơn"
Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Trong thời gian Quốc hội đang họp, các đại biểu Quốc hội vẫn tiếp cận được mọi hoạt động của xã hội, tiếp cận mọi lĩnh vực đang diễn ra trên khắp thế giới qua nhiều kênh, nhưng kênh thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất, sống động nhất, đa chiều, đa dạng nhất chính là báo chí.
Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Có những thông tin diễn ra ngay trong khi Quốc hội đang họp, tiếp cận thông tin qua báo chí, ngay lập tức, cũng qua báo chí, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm, thái độ của mình.
Thậm chí, có những vụ việc vừa mới diễn ra, nhờ thông tin báo chí, các đại biểu đã bày tỏ quan điểm, thái độ không chỉ bên hành lang Quốc hội trước một số nhà báo, mà ngay trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (như vụ phiên tòa xử vụ chạy thận làm chết người ở Hòa Bình đối với bác sỹ Hoàng Công Lương).
Từ những vụ việc rất cụ thể này, có thể thấy, vai trò của báo chí ngày càng quan trọng với mỗi đại biểu Quốc hội, với cả Quốc hội và cử tri cả nước. Và báo chí chính là một trong những chất xúc tác vô cùng quan trọng để hoạt động của Quốc hội sôi nổi hơn, “nóng” hơn, qua đó chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao hơn, gần dân hơn.
Vai trò của báo chí là không thể thay thế được, cho dù mạng xã hội có phát triển đến mấy. Thậm chí, mạng xã hội càng phát triển thì vai trò của báo chí ngày càng trở lên quan trọng hơn. Vì thế, để hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả và chất lượng hơn, thì mối quan hệ giữa báo chí và Quốc hội phải chặt chẽ hơn.
Quốc hội, đại biểu Quốc hội coi báo chí là người bạn đồng hành, thì báo chí cũng phải coi Quốc hội, đại biểu Quốc hội là người bạn đồng hành. Hai bên phải hiểu nhau, cùng nhau phát triển vì sự tiến bộ xã hội.
"Giám sát qua báo chí luôn đạt hiệu quả cao nhất"
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu tỉnh Đồng Nai
Báo chí từ khi ra đời đến nay tự thân đã là một lợi khí tuyên truyền vô cùng quan trọng của con người. Với báo chí ngày nay, lợi khí này nhân lên gấp bội nhờ sự phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng Internet. Hiệu ứng của báo chí hiện đại tăng theo cấp số nhân, nhưng con người - nhà báo - vẫn làm trung tâm, làm chủ báo chí.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu tỉnh Đồng Nai.
Mọi hoạt động của tất cả các cơ quan công quyền đều phải được sự giám sát của xã hội, trong đó, giám sát qua báo chí luôn đạt hiệu quả cao nhất.
Qua 4 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy, muốn hoạt động hiệu quả, muốn trở thành người đại diện cho cử tri bầu ra mình và nhân dân, đại biểu Quốc hội không chỉ là nguồn thông tin để báo chí khai thác, mà cần phải biết khai thác, sử dụng hệ thống báo chí để thu thập thông tin qua việc chủ động kết nối với báo chí.
Cũng là nhà báo (Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - PV), tôi hiểu rất rõ rằng, nguyên lý sống còn của báo chí là phải gần dân. Nhà văn, nhà thơ lên núi “ở ẩn” cũng viết được văn, sáng tác được thơ, thậm chí còn có những áng văn thơ bất hủ được lưu truyền muôn đời.
Nhưng nhà báo không gần dân, thậm chí “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, thì không thể truyền đạt thông tin, cơ chế, chính sách của Nhà nước tới người dân; không thể lấy thông tin, tư liệu từ cuộc sống thực tế phản ánh ngược lại với cơ quan quản lý nhà nước.