Theo đánh giá của một số chuyên gia, dịch vụ ủy thác đầu tư phổ biến ở các thị trường phát triển, nhưng vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam, với chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân ủy thác và thường được thỏa thuận “miệng” về mức lợi suất, cũng như phần trăm hoa hồng mà môi giới được hưởng nếu đạt và vượt cam kết về gia tăng tổng tài sản.
Thông thường, ở hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán (CTCK), nhất là ở các CTCK có nhiều khách hàng tổ chức nước ngoài, sẽ có thêm dịch vụ “mua hộ”.
Cụ thể, khi khách hàng muốn mua lô lớn cổ phiếu mà không muốn thực hiện việc mua nhỏ lẻ qua sàn, thì các CTCK sẽ có các hợp đồng dịch vụ với các điều khoản về số lượng cổ phiếu và giá thỏa thuận trước. Sau đó, CTCK thực hiện việc gom mua đủ số cổ phiếu yêu cầu và bán lại một mức giá chênh lệch cho khách hàng đó.
Tuy nhiên, hoạt động này không phải là ủy thác đầu tư. Bản thân các CTCK không thực hiện ủy thác đầu tư, mà tập trung vào cung cấp dịch vụ. Nếu muốn đầu tư thì CTCK có mảng tự doanh, còn ủy thác sẽ được “đẩy” sang quỹ đầu tư.
Hiện tại, hầu hết các công ty quản lý quỹ như VFM, VinaWealth, VCBF, MBS, SSIAM… đều có dịch vụ quản lý tài sản dành cho cả khách hàng tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, đi kèm theo có là yêu cầu về số vốn tối thiểu phải từ 20-30 tỷ đồng trở lên, thời gian đầu tư từ 1-2 năm.
Dựa trên nhu cầu và khẩu vị đầu tư của khách hàng, các công ty quản lý quỹ sẽ xây dựng danh mục đầu tư riêng cho từng mức độ chịu đựng rủi ro, thời gian đầu tư và các nhu cầu riêng của mỗi nhà đầu tư. Mức tài khoản tối thiểu phụ thuộc vào việc danh mục đầu tư vào cổ phiếu, chứng khoán có thu nhập cố định, hoặc cả hai.
Danh mục này được giám sát, bảo hộ bởi tổ chức lưu ký độc lập. Tùy từng quỹ đầu tư mà có quy định, chưa hết thời hạn đầu tư có thể tăng rút vốn đầu tư khi cần thiết. Với dịch vụ này, phí quản lý vào khoảng 2%, nếu vượt lợi nhuận tham chiếu sẽ có phí thưởng.
Ghi nhận tại một số công ty quản lý quỹ, hoạt động ủy thác đầu tư chưa mạnh mẽ và chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, doanh nghiệp, các startup, công ty bảo hiểm ủy thác đầu tư.
Một chuyên gia phân tích cho biết, ở những công ty quản lý quỹ có định chế tài chính “đỡ lưng” thường tập trung quản lý nguồn lực từ công ty mẹ, ngay từ khi thành lập đã có một lượng vốn nhất định, hiếm khi huy động được tỷ trọng lớn từ nhà đầu tư cá nhân.
Ngoài ra, việc huy động vốn thông qua chứng chỉ quỹ đã khó, nên việc ủy thác đầu tư còn khó hơn, do tâm lý nhà đầu tư Việt Nam vẫn chưa quen với hình thức này và thói quen “tự tin vào bản thân” vẫn trội hơn là ủy thác cho một tổ chức khác.
Về hình thức, có thể thấy, đầu tư vào chứng chỉ quỹ hay ủy thác đầu tư cho quỹ đầu tư có vẻ giống nhau, đều là đưa tiền nhàn rỗi cho các quỹ thực hiện đầu tư. Nhưng thực tế, hai dịch vụ này có sự khác nhau cơ bản.
Cụ thể, khi nhà đầu tư mua vào chứng chỉ quỹ mở sẽ không bị ràng buộc nhiều điều kiện, muốn giao dịch thì thực hiện được ngay, chủ động trong việc quyết định tài sản đầu tư của mình. Hiệu quả của việc đầu tư chứng chỉ quỹ phụ thuộc vào danh mục đầu tư của quỹ (hay chính là NAV).
Trong khi đó, ủy thác đầu tư là mang gửi tiền để quỹ đầu tư hộ theo một cam kết thỏa thuận trước, trong đó có kỳ hạn, cách thức giải ngân, điều kiện tăng/rút vốn, yêu cầu vốn lớn… Tuy nhiên, nhà đầu tư thụ động hoàn toàn với quyết định tài sản (các quỹ đầu tư xây dựng danh mục, trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư không được “can thiệp”, mà chỉ nhận được báo cáo định kỳ xem tiền mình đang được đầu tư vào đâu và được cam kết về mức sinh lời tối thiểu nào đó).
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, một công ty quản lý quỹ dự kiến sẽ cho ra mắt một sản phẩm ủy thác đầu tư phù hợp với nhà đầu tư cá nhân hơn. Đại diện quỹ này cho biết, nhu cầu dịch vụ này đang gia tăng và sẽ phát triển theo xu hướng của thế giới, nhất là khi thu nhập bình quân của người dân đang tăng lên, số lượng các “đại gia” cũng nhiều hơn và họ cần đa dạng hóa kênh đầu tư.
“Với khối tài sản lớn thì người giàu cần có một công ty chuyên nghiệp để quản lý tài sản cho họ”, vị này nói.