Landsburgh không đồng ý với đề xuất này nên đã mang chiếc iPhone của mình đến một cửa hàng sửa chữa điện thoại địa phương. Việc thay pin diễn ra nhanh chóng và không gây tác động đến iPhone, ngoại trừ thiết bị không còn được bảo hành chính hãng.
David Bowler, một người dùng khác tại Anh, cũng bị từ chối thay pin do iPhone được xác định là có lỗi khác. Thiết bị của Bowler trông như mới, chưa bị va đập hay trầy xước.
Nhưng sau khi kiểm tra, các kỹ thuật viên của hãng cho biết máy có vấn đề về micro và loa thoại. Mức chi phí cho hai lỗi này là hơn 340 USD.
Bowler sau đó nhờ một chuyên gia sửa chữa thiết bị di động thay mới pin. Sau khi thay, các tính năng vẫn hoạt động và điều này được cơ quan giám sát xác nhận. "Rõ ràng những bộ phận còn hoạt động và Apple không nên cho rằng nó bị lỗi", Bowler nói.
Trong khi đó, phía Apple cho rằng hãng cần phải kiểm tra các chi tiết khác trước khi thay pin. "Khi thay pin iPhone, nếu có bất kỳ hỏng nóc nào khác, chẳng hạn màn hình bị nứt, vấn đề đó phải được ưu tiên giải quyết. Trong một số trường hợp, người dùng phải trả thêm phí sửa chữa", đại diện Apple cho hay.
Trước đó, Apple đã triển khai chương trình thay mới pin các mẫu kể từ iPhone 6 trở về sau với giá 29 USD thay vì 79 USD.
Đây là động thái sửa sai của công ty Mỹ sau khi bị phát hiện làm giảm hiệu năng trên iOS đối với iPhone đời cũ. Ngay sau đó, nhiều người đã đi thay pin mới với mục đích cải thiện tốc độ trên iPhone của mình.