Người dân ngày càng ít gửi tiền vào ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy mạnh vào chứng khoán, bất động sản… thời gian qua khi kênh gửi tiết kiệm ngân hàng trở nên kém hấp dẫn vì lãi suất thấp kéo dài…
Việc các ngân hàng dư thừa thanh khoản, lãi suất huy động duy trì ở mức thấp trong thời gian dài khiến kênh gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Ảnh: Dũng Minh Việc các ngân hàng dư thừa thanh khoản, lãi suất huy động duy trì ở mức thấp trong thời gian dài khiến kênh gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Ảnh: Dũng Minh

Tiền gửi khu vực dân cư tăng thấp

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Nguyễn Quang Sang (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, anh đang có khoản tiền nhàn rỗi khoảng 2 tỷ đồng nhưng không muốn tái tục khi sổ tiết kiệm đến kỳ đáo hạn bởi lãi suất tiền gửi hiện đã xuống mức quá thấp.

“Nếu gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất chỉ nhỉnh hơn 3%/năm, còn gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng lãi suất ở các ngân hàng lớn chỉ khoảng 5%/năm và ở nhà băng nhỏ cao hơn một chút, nhưng nếu có nhu cầu vốn đột xuất thì gửi kỳ hạn dài sẽ khó xoay sở, nên tôi quyết định rút một nửa số vốn chuyển sang đầu tư cổ phiếu, phần còn lại tạm gửi ngân hàng ở kỳ hạn 1 tháng để khi cần tiền có thể rút ra được ngay”, anh Quang nói.

Thực tế, việc mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh trong hơn 1 năm qua không chỉ khiến anh Sang, mà nhiều người có tiền nhàn rỗi khác đắn đo việc gửi tiền ngân hàng hay chuyển hướng sang đầu tư bất động sản, chứng khoán… để có lợi nhuận cao hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến nguồn tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng có xu hướng chậm lại.

Số liệu đến cuối tháng 6/2021 cho thấy, huy động ngành ngân hàng có mức tăng chậm hơn đáng kể so với cho vay. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố tính đến 30/6/2021 ước đạt 3,01 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2020. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư ước đạt 1,15 triệu tỷ đồng, chiếm 38,2% trong tổng nguồn vốn huy động và tăng 3,19% so với cuối năm 2020. Mặc dù vốn huy động trên địa bàn TP.HCM năm nay tăng chậm và thấp hơn tốc độ tăng trưởng cho vay, song theo ông Minh, mức tăng này vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Lãi suất sẽ tăng vào cuối năm?

Giới chuyên gia đánh giá, việc các ngân hàng dư thừa thanh khoản, lãi suất huy động duy trì ở mức thấp trong thời gian dài khiến kênh gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 tiếp tục giảm khoảng 0,3%/năm so cuối năm 2020. Theo đó, dòng tiền có xu hưởng chảy mạnh vào các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng khoán, bất động sản,...

Số liệu mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2021, lượng tiền gửi dân cư đạt hơn 5,26 triệu tỷ đồng, tăng 2,34% so đầu năm, thấp hơn đáng kể so với con số 3,37% và 5,98% của cùng kỳ các năm 2020 và 2019.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 5/2021, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước đạt 116.400 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 6 tháng qua, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.428 tỷ đồng/phiên, tăng 302,3%; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.622 tỷ đồng/phiên, tăng 17,2%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 24.041 tỷ đồng/phiên, tăng 90,9%.

Dòng tiền chảy vào chứng khoán còn được thể hiện qua việc hàng chục nghìn tài khoản giao dịch được mở mới mỗi tháng. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 482.760 tài khoản giao dịch chứng khoán mới, nâng số tài khoản trên thị trường lên hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,36% dân số Việt Nam.

Chính việc mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp kéo dài, trong khi các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản…) có khả năng sinh lời cao trở nên hấp dẫn hơn khiến nguồn tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng tăng chậm. Vì thế, nhiều nhà băng bắt đầu điều chỉnh lãi suất tiền gửi nhằm “lôi kéo” trở lại dòng tiền nhàn rỗi.

Đơn cử, từ ngày 2/7/2021, Techcombank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng dành cho khách hàng trung niên. Ví dụ, với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 24 tháng, khách hàng trong độ tuổi này được áp dụng mức lãi suất tăng 0,1 điềm phần trăm so với kỳ điều chỉnh trước, lên mức 5,1%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng tăng 0,2 điềm phần trăm lên mức 5,3%/năm.

Tại kỳ điều chỉnh ngày 16/6/2021, BAC A BANK tăng 0,1-0,2 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, theo đó lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên mức 6,1%/năm và 12 tháng là 6,5%/năm, từ 24 tháng trở lên là 6,7%/năm.

NVB cũng tăng từ 0,1-0,25 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ ngày 21/6/2021. Lãi suất ở kỳ hạn dưới 3 tháng là 3,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 6,25%/năm, 12 tháng là 6,5%/năm và từ 24 tháng trở lên là 6,7%/năm.

Nam A Bank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 6,1%/năm lên 6,2%/năm kể từ ngày 22/6/2021. Tại VIB, ngoại trừ kỳ hạn 12 và 13 tháng, lãi suất các kỳ hạn khác đều được điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với đầu tháng 6/2021. Vietcombank cũng tăng lãi suất huy động tiết kiệm thêm 0,2%/năm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Không chỉ ngân hàng chủ động điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, nhiều yếu tố vĩ mô khác cũng đang ủng hộ khả năng lãi suất tăng. Báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 21-25/6 của SSI Research đề cập việc thị trường mở không có giao dịch mới, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhích nhẹ, chốt tuần ở mức 1,227%/năm (tăng 9 điểm cơ bản) với kỳ hạn qua đêm và 1,366%/năm (tăng 3 điểm cơ bản) với kỳ hạn 1 tuần.

SSI Research cho rằng, môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch huy động và cho vay chịu áp lực thu hẹp. Theo đó, lãi suất tiền gửi có thể sẽ nhích tăng từ đầu quý III/2021 với mức tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, dư địa cho cắt giảm lãi suất là tương đối hạn chế, bởi áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do giá dầu thô thế giới tăng; cơn sốt giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng đầu năm khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi; áp lực lạm phát cao hơn trong nửa cuối năm 2021 và các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm tăng huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác đang hút dòng tiền như bất động sản, chứng khoán…

Tương tự, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cùng chung nhận định, việc các ngân hàng thương mại hạn chế cung nguồn tiền đồng vào thời điểm cuối quý II/2021 có thể khiến lãi suất liên ngân hàng nhích tăng trong thời gian tới.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục