Người buồn, kẻ vui sau soát xét

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Sau mỗi mùa báo cáo tài chính soát xét hay kiểm toán, các vấn đề tiềm ẩn của nhiều doanh nghiệp được đơn vị kiểm toán phơi bày và mùa báo cáo soát xét năm nay cũng vậy.
Nhà đầu tư cần đánh giá sâu sát hơn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà đầu tư cần đánh giá sâu sát hơn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp

Lợi nhuận biến động mạnh sau soát xét

Sau soát xét, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG) giảm hơn một nửa so với báo cáo tự lập, còn 21,5 tỷ đồng, vì đơn vị kiểm toán điều chỉnh giảm 23% doanh thu bán hàng.

Tương tự, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (mã SGT) có lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay giảm 25%, xuống 15,5 tỷ đồng, bởi đơn vị kiểm toán yêu cầu doanh nghiệp phải bổ sung trích lập dự phòng đầu tư theo quy định, khiến chi phí tài chính tăng 13%, lên 44,8 tỷ đồng.

Với Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (mã SGR), do doanh nghiệp vội vã ghi nhận doanh thu từ việc chuyển nhượng bất động sản nên kiểm toán đã điều chỉnh lại cho đúng quy định, dẫn đến lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2024 chuyển từ lãi 2,3 tỷ đồng trong báo cáo tự lập sang lỗ 23,4 tỷ đồng trong báo cáo soát xét.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Quang (mã DQC), báo cáo tài chính bán niên 2024 mà doanh nghiệp tự lập được đơn vị kiểm toán điều chỉnh tăng 8,6% chỉ tiêu doanh thu 8,6%, nhưng giảm 4,6% chỉ tiêu lợi nhuận gộp và điều chỉnh một số chi phí, khiến lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi 0,88 tỷ đồng sang lỗ 1,26 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG) lỗ thêm 100 tỷ đồng sau khi báo cáo tài chính được kiểm toán soát xét, nâng lỗ luỹ kế lên hơn 396 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2024. Khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm 2024 của Đầu tư LDG tăng mạnh sau soát xét chủ yếu đến từ chi phí quản lý gấp 6,7 lần so với báo cáo tự lập, lên hơn 136 tỷ đồng, trong đó hơn 116 tỷ đồng là chi phí dự phòng (báo cáo doanh nghiệp tự lập không ghi nhận khoản này).

Bên cạnh các doanh nghiệp bị “rơi rụng” lợi nhuận sau soát xét, có một số trường hợp ngược lại, tức lợi nhuận được điều chỉnh tăng sau khi kiểm toán thực hiện soát xét.

Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) từng không ít lần khiến cổ đông buồn vì lỗ chồng lỗ sau khi đơn vị kiểm toán vào cuộc, nhưng trong lần lập báo cáo tài chính bán niên 2024, lợi nhuận sau thuế của Công ty được điều chỉnh tăng gần 90 tỷ đồng, lên 830 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ doanh thu hoạt động tài chính tăng 22%, nhờ ghi nhận thêm lãi trả chậm từ khách hàng, đồng thời lợi nhuận khác tăng 7%, lên 555 tỷ đồng, do điều chỉnh tăng tại công ty mẹ và công ty con liên quan đến khoản phải thu chủ đầu tư dự án cầu An Hải.

Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vitaco (mã VTO) cho biết, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2024 được điều chỉnh tăng 4,4 tỷ đồng sau khi kiểm toán soát xét, lên 57 tỷ đồng, nhờ ghi nhận thêm một khoản dự thu tiền lãi của tiền gửi ngân hàng và hoàn nhập một khoản trích trước chi phí quản lý doanh nghiệp.

Lãi ròng trong 6 tháng đầu năm nay của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN) tăng thêm 8 tỷ đồng sau soát xét, lên 176,5 tỷ đồng, vì chi phí tài chính và chi phí bán hàng được điều chỉnh giảm, đồng thời khoản mục lợi nhuận khác lãi 350 triệu đồng, thay vì lỗ gần 300 triệu đồng như báo cáo tự lập.

Dù không bị điều chỉnh lợi nhuận, nhưng không ít doanh nghiệp khác khiến kiểm toán viên nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, nguyên nhân đến từ sức khoẻ tài chính đáng lo ngại. Trong đó, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG), Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã HVN) có khoản lỗ luỹ kế lớn, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.

Nhà đầu tư dễ tính!

Nhiều doanh nghiệp bị kiểm toán điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận, thậm chí đang từ lãi chuyển thành lỗ.

Chuyên gia phân tích đầu tư tại một công ty chứng khoán lớn cho biết, việc doanh nghiệp bị kiểm toán điều chỉnh giảm lợi nhuận phần nào gây ra sự thất vọng đối với cổ đông, đặc biệt là những doanh nghiệp bị điều chỉnh từ lãi sang lỗ. Tuy nhiên, có những cổ phiếu vẫn tăng giá, cho thấy một bộ phận nhà đầu tư có phần dễ tính, không có sự “trừng phạt” thích đáng dành cho doanh nghiệp. Tình trạng này thường xảy ra khi thông tin về báo cáo tài chính soát xét hay báo cáo kiểm toán được công bố vào thời điểm thị trường chứng khoán tăng điểm, nhà đầu tư không còn chú ý nhiều đến tin xấu, mà có tâm lý mua vào theo kiểu “mọi lỗi lầm đều được tha thứ”.

“Nhiều kiểm toán viên từng thắc mắc với tôi, tại sao số liệu doanh nghiệp này quá xấu mà cổ phiếu trên sàn vẫn được mua vào với giá cao? Rõ ràng, có những nhà đầu tư coi việc kiếm lời từ đầu tư chứng khoán và thực tế doanh nghiệp là hai việc khác nhau”, vị chuyên gia phân tích nói và cho rằng, phần lớn nhà đầu tư trên thị trường là nhà đầu tư nhỏ lẻ, thích lướt sóng, quan tâm đến lợi nhuận trong ngắn hạn, nên không nhiều người chú ý đến nội tại doanh nghiệp. Thứ họ bị thu hút là các thông tin bề nổi như diễn biến dòng tiền, giá cổ phiếu, xu hướng thị trường, tin đồn, nên dù doanh nghiệp bị kiểm toán điều chỉnh lợi nhuận hay đưa ra ý kiến loại trừ cũng không ảnh hưởng nhiều tới giá cổ phiếu.

“Với lượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng áp đảo trên thị trường chứng khoán Việt Nam, họ dễ dàng bỏ qua những thông tin tiêu cực về câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, ở nhiều thị trường nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn chiếm tỷ lệ cao, nên những thông tin về nội tại doanh nghiệp tác động đến thị trường nhiều hơn”, vị chuyên gia nói và khuyến nghị, nhà đầu tư cá nhân cần đánh giá sâu sát hơn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có lịch sử nhiều lần bị kiểm toán điều chỉnh báo cáo tài chính. Đối với những doanh nghiệp có ý kiến ngoại trừ hay nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, nhà đầu tư cần xem xét thái độ, ý chí của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc đưa ra định hướng giải quyết, trước khi có ý định đầu tư vào cổ phiếu đó.

Doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động

Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến vốn chủ sở hữu đang âm 11.633 tỷ đồng, Hội đồng quản trị và Ban tổng giám đốc Vietnam Airlines thường xuyên đánh giá các ảnh hưởng và triển khai giải pháp đối phó với khó khăn về tài chính nhằm duy trì khả năng hoạt động liên tục.

Trong đó, Vietnam Airlines điều chỉnh kế hoạch sử dụng đội tàu bay, lịch bay, các chặng bay phù hợp với nhu cầu thị trường; đẩy mạnh vận tải hàng hoá. Về nguồn vốn, hãng bay này đàm phán với các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh; đàm phán thành công với một số chủ nợ để cơ cấu lại lịch thanh toán các khoản vay đến hạn trả…

Với Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp đã lập kế hoạch kinh doanh cho 12 tháng tiếp theo, bao gồm dòng tiền dự kiến tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài sản, thu hồi các khoản cho vay từ đối tác, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền hoạt động tạo ra từ các dự án đang triển khai. Công ty đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay để điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm hợp đồng vay và trái phiếu liên quan; đồng thời đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn. Doanh nghiệp kỳ vọng, hoạt động kinh doanh lợn và chuối sẽ tạo ra dòng tiền lớn.

Tại HAGL Agrico, doanh nghiệp nỗ lực triển khai các dự án để đảm bảo dòng tiền hoạt động kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu một số khoản nợ, làm việc với các bên liên quan giải quyết công nợ và nhận lại các chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án tại Lào và Campuchia để triển khai pháp lý đầu tư dự án và huy động nguồn vốn.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục