Ngừa tham nhũng bằng cách tăng lương công chức

Việc đảm bảo mức sống ổn định của công chức được xem như một phương án phòng vệ hữu hiệu đối với nạn tham nhũng.
Ảnh Internet

Năm 2014 khép lại bằng sự kiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ. Ông Truyền cũng thực hiện việc trả lại đất và nhà thuộc Nhà nước quản lý tại TP.HCM và Bến Tre.

Năm 2014, tổng số tiền ước tính thu hồi được từ các vụ việc tham nhũng trong năm 2014 là 1.500 tỷ đồng trên tổng số 6.740 tỷ đồng bị thiệt hại. Năm 2014, các cơ quan tố tụng đã phát hiện, khởi tố mới 256 vụ/593 bị can tham nhũng, hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 287 vụ tham nhũng và kết tội gần 700 tội phạm tham nhũng. Việc  xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các đại án kinh tế tham ô tham nhũng lớn như Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hào, Nguyễn Hữu Mãnh, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên… đã cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng đang ngày càng quyết liệt, hiệu quả hơn. 

Lương thấp, công chức sẽ “làm liều”

Dù vậy, nạn tham nhũng vẫn chưa bị chặn đứng, mà vẫn len lỏi, âm ỉ hoạt động dưới những hình thức tinh vi. Những kiểu “tham nhũng đúng luật” như ưu ái cung cấp hồ sơ, tiết lộ bí mật…, qua đó nhận tiền “bồi dưỡng”, tiền “cộng tác viên”, chi phí “cố vấn”. Hoặc là việc sách nhiễu, gây khó dễ trong thủ tục hành chính để nhận tiền “bôi trơn”, tiền lót tay…

Có nhiều nguyên nhân khiến việc tham nhũng chưa thể chặn đứng, nhưng có một nguyên nhân cốt lõi là lương hệ thống cán bộ công chức, viên chức, đối tượng có chức quyền thực hiện hành vi tham nhũng, lại chưa cao.

Cán bộ, công chức, viên chức là bộ phận tinh hoa, ưu tú nhất của xã hội đang được trả một mức lương cực kỳ khiêm tốn. Lương công chức trẻ mới vào làm việc, có cả những cán bộ trẻ du học nước ngoài có bằng cấp thạc sỹ, tiến sỹ và cả cán bộ công tác 15 năm được nhận mức lương tương đương hệ số 2,34 - 3,99. Tiền lương hết tập sự của người tốt nghiệp đại học mới đạt 3,36 triệu đồng/tháng, còn lương Bộ trưởng thì khoảng 14,4 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, công chức trẻ chỉ đủ thuê căn hộ nhỏ tại Hà Nội, TP.HCM làm sao để họ yên tâm cống hiến, làm việc?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, giai đoạn 2003 - 2013, đã có 9 lần điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu chung của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhưng đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Thực tế những năm gần đây, mức tăng lương chỉ để bù đắp mức tăng giá tiêu dùng, nói gì đến việc nâng cao mức sống cho cán bộ, công chức.

TS. Lê Hồng Huyên (Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, tác hại từ lương thấp thì ai cũng rõ. “Đói ăn vụng, túng làm liều” là xuất phát của nạn tham nhũng.

Mới đây, trong cuộc thảo luận của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, tại buổi thảo luận về ngân sách năm 2015, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nói rằng, lương cho cán bộ công chức thấp đã sinh ra hệ quả là cán bộ công chức nhũng nhiễu, hạch sách để nhận phong bì bôi trơn, nhận tiền tham nhũng. Nếu cứ mãi như vậy, tham nhũng sẽ gây thiệt hại lớn hơn nhiều so với tăng lương.

Ông Jairo Acuna Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, lương tối thiểu chính thức ở Việt Nam vẫn được xem là rất thấp và không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt căn bản của công chức. Vì vậy, công chức phải sống dựa vào nhiều nguồn thu nhập không chính thức. Thu nhập này không nhất thiết là bất hợp pháp, song lại làm phân tán công việc và nghĩa vụ chính, giảm hiệu quả công tác của công chức.

Một báo cáo khác của đại diện UNDP Việt Nam cách đây không lâu đã đưa ra con số thống kê, trong đó có tới 30% cho biết sẽ sử dụng chức vụ để nhận quà, tiền từ người dân, doanh nghiệp, 25% sử dụng mối quan hệ từ chức vụ để làm thêm và 34% sử dụng thời gian của cơ quan để làm thêm… 

Bài học từ Singapore

Nhiều ý kiến cho rằng, để phòng chống tham nhũng, ngăn tham nhũng từ gốc, phải tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, đủ để họ đảm bảo cuộc sống. Đây là bước “ngăn chặn từ xa” đối với nạn tham nhũng.

Thực tế chỉ ra rằng, nạn tham ô, nham nhũng phần lớn diễn ra ở những nước nghèo, đang phát triển. Còn những nước phát triển, văn minh, hiện đại, tỷ lệ tham nhũng rất thấp. Điển hình là Singapore, đất nước có hơn 114.500 người làm việc trong lĩnh vực công, chiếm khoảng 5,23% tổng số lao động.

Theo ông Mai Đức Hán, Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), Chính phủ Singapore luôn đứng đầu danh sách về độ minh bạch và chống tham nhũng. Đây là hệ quả của một chính sách đãi ngộ công chức khôn ngoan và sáng suốt khi chọn vấn đề lương công chức là chìa khóa cho mọi cải cách. 

Tăng lương kết hợp “thuốc đặc trị”

Tất nhiên, lương thấp chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến tham nhũng không dập được. Cùng với việc tăng lương cho cán bộ công chức, muốn chống tham nhũng triệt để còn cần tới rất nhiều biện pháp mạnh khác.

Đầu tiên, là tinh giản biên chế thừa. Thứ hai, phải tiến hành công khai, minh bạch kê khai và xác định rõ nguồn gốc tài sản của công chức. Thứ ba, chặt đứt cơ hội tham nhũng bằng việc công khai, minh bạch, chặt chẽ trong cơ chế thuế khóa, chấm dứt các cơ chế đặc quyền... Thứ tư, tăng giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và cá nhân đối với hệ thống công quyền. Thứ năm, liên tục thuyên chuyển cán bộ công chức ở những vị trí dễ nhận hối lộ, dễ cấu kết với đồng nghiệp để vòi vĩnh. Thứ sáu, tham nhũng của công chức xuất phát từ hám lợi, nên cần tăng cường chế tài xử lý tham nhũng thật nặng.

Hữu Tuấn
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục