Thất thoát lớn, thu hồi ít
Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền trình bày được ưu tiên đẩy lên ngay từ những ngày đầu nghị trình của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Bình luận về việc đối phó với “căn bệnh” được đánh giá là quốc nạn này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trên thực tế công tác phòng chống chưa có chuyển biến rõ rệt.
Theo nhận xét của đại biểu Đỗ Văn Đương: “Tham nhũng mấy năm nay vẫn rất ‘ổn định’, tài sản thất thoát thì lớn, thu hồi thì ít”. Còn Đại biểu Võ Thị Quyết Tâm cho rằng, ta cứ nói tham nhũng vặt nhưng tác hại thì không hề “vặt” đến lòng tin của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, trong báo cáo trước Quốc hội đã nhấn mạnh, công tác phát hiện xử lý tham nhũng vẫn là khâu yếu, đã kéo dài nhiều năm, dù đã có nhiều giải pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt.
“Số vụ tham nhũng phát hiện còn ít”, ông Hiện đánh giá và cho rằng, việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp có dấu hiệu tiêu cực. Việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải tội danh tham nhũng vẫn còn xảy ra.
Một số biện pháp triển khai phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, thiếu hiệu quả; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã đưa ra xử lý; thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.
Trong khi đó, cử tri và nhân dân nhiều nơi nhìn nhận tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp. Tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong các ngành như thuế, hải quan, đất đai...
Những bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục như kê khai tài sản mang tính hình thức; giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp.
“Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án đã đưa ra xử lý; thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Tình trạng vòi vĩnh nhận hối lộ vẫn diễn ra”, ông Hiện cho biết.
Tham nhũng làm thiệt hại 2.550 tỷ đồng
Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2014 đến nay, đã phát hiện 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; trong đó, 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách.
“Tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật vẫn chưa kịp thời và đủ mạnh để ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Công tác hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật chưa ngăn chặn, triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa nhận và cho biết, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, DN rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi còn thấp”.
Theo báo cáo này, tổng thiệt hại do tham nhũng khoảng 2.550,1 tỷ đồng. Tài sản thu giữ, thu hồi khoảng 909 tỷ đồng; trong đó tiền mặt là 177,1 tỷ đồng; tài sản thế chấp tại ngân hàng là 731,9 tỷ đồng.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) đã thụ lý, điều tra 24 vụ án, 184 bị can. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã kiểm sát khởi tố mới 5 vụ, 77 bị can, ra quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam 33 bị can, quyết định truy tố 12 vụ/80 bị can và phối hợp với cơ quan Viện kiểm sát và Tòa án địa phương đưa ra xét xử dứt điểm 10 vụ/46 bị cáo.
Đối với công tác phòng ngừa tham nhũng, các bộ, ngành tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, công khai minh bạch tài sản, hoạt động trong các cơ quan, tổ chức nhà nước; xây dựng các tiêu chuẩn, định mức, trả lương qua tài khoản, nộp lại quà tặng...
Về công khai, minh bạch tài sản, năm 2013, có 944.425 người đã kê khai tài sản, thu nhập, đạt 99,2%, tăng 0,7% so với năm 2012.
Có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh lại tài sản, thu nhập, trong đó đã có 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. Có 6 người bị xử lý kỷ luật do chậm tổ chức việc kê khai và chậm kê khai.
Đánh giá về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng trong dịp Tết Nguyên đán 2014, báo cáo nhận định, công tác thực hiện vẫn còn hình thức do tiếp nhận, xử lý thông tin, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm rất khó và chủ yếu phụ thuộc tính tự giác, trung thực của người được tặng quà.