“Ngọn lửa” tranh chấp tại Nam Đô Copmlex khó dập tắt

(ĐTCK) Cư dân Nam Đô Complex và chủ đầu tư - CTCP Đầu tư dầu khí toàn cầu (GP-Invest), không thể tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến dịch vụ, tiện ích của Dự án. Cả hai bên liên tiếp có những lời qua tiếng lại, phản bác lẫn nhau.
“Ngọn lửa” tranh chấp tại Nam Đô Copmlex khó dập tắt

Sau khi Đầu tư Bất động sản đăng bài “Chủ đầu tư Nam Đô Complex ‘phản pháo’ khiếu nại của cư dân”, trong đó có nêu một số ý kiến phản hồi của ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc GP-Invest với những cáo buộc của cư dân tòa nhà, ông Võ Thanh Sơn, Trưởng ban Liên lạc bảo vệ quyền lợi của cư dân Nam Đô Copmlex đã có văn bản phản bác lại những ý kiến của đại diện chủ đầu tư. Ông Sơn cho rằng, những ý kiến của ông Dũng là không xác đáng, chưa phản ánh đúng bản chất sự việc.

Theo ông Sơn, việc ông Dũng cho rằng, nếu triển khai hệ thống gas trung tâm, GP-Invest không phải mất đồng nào, mà do nhà cung cấp thực hiện là điều hết sức vô lý, bởi khi mua căn hộ, hệ thống gas trung tâm là một phần của căn hộ, đã nằm trong giá mua nhà. Chí phí thế nào và tổ chức thi công ra sao đương nhiên là việc của chủ đầu tư, cũng tương tự như các hạng mục khác như điện, nước, thang máy…

Ngoài ra, cũng theo ông Sơn, việc ông Dũng nói, chủ đầu tư đã bồi hoàn cho mỗi hộ gia đình 8 triệu đồng, tương đương gần 10 tỷ đồng cũng không chính xác.

“Hiện nay, Tổ hợp Nam Đô Complex có 967 căn hộ, nếu bồi hoàn 8 triệu đồng mỗi hộ cũng chỉ tương ứng hơn 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, đa số các hộ dân đều chưa nhận được thông báo, cũng như chưa nhận được khoản tiền trên. Vậy số tiền gần 10 tỷ đồng mà ông Dũng nói đã trả cho ai?”, ông Sơn thắc mắc.

Trong khi đó,  trao đổi về thiện chí của chủ đầu tư bằng cách giảm giá bán căn hộ, hỗ trợ lãi suất vay trong năm đầu mà ông Dũng đề cập, theo ông Sơn, đây là chiến lược kinh doanh, cách thức tiếp thị của GP-Invest.

“Trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng, để bán được hàng, thì không chỉ GP-Invest, mà nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng đã làm như vậy. Về phía chủ căn hộ, đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính. Đây là thiện chí của chúng tôi và đã biến thành hành động thiết thực nhất cho GP-Invest”, ông Sơn nói và cho biết thêm, về hạng mục bể bơi, khi rao bán căn hộ, GP-Invest đã quảng cáo, giới thiệu tại các tài liệu tiếp thị cho khách hàng. Do vậy, đây không phải là hạng mục phát sinh thêm của chủ đầu tư. Hơn nữa, cư dân không hề được hưởng miễn phí tiện ích này, mà vẫn phải trả tiền như các khách hàng khác ngoài khu căn hộ.

Trong khi đó, một số hạng mục khác như thang máy, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, máy phát điện chất lượng cao mà ông Dũng đề cập, theo ông Sơn, cư dân hoàn toàn không nhận được các thông tin về giá cả, chủng loại… trong khâu dự toán và quyết toán thực tế, nên việc GP-Invest nói tăng chi phí hàng tỷ đồng là thiếu căn cứ.

Vấn đề bức xúc nhất là nước sinh hoạt, ông Sơn cho biết, theo nội dung buổi đối thoại ngày 19/12/2013 giữa ông Dũng và đại diện cư dân (có băng ghi âm), ông Dũng đã khẳng định: “Nếu nước đầu nguồn của Xí nghiệp nước Hoàng Mai cho kết quả tốt thì GP-Invest sẽ chịu trách nhiệm về việc nước cấp đến các hộ dân bị bẩn”. Tuy nhiên, các xét nghiệm gần đây nhất cho kết quả nước đầu vào là đảm bảo QCVN 02:2009/BYT theo giới hạn tối đa cho phép mức I, nhưng các xét nghiệm nước sinh hoạt tại vòi các căn hộ lại cho kết quả nhiễm asen gấp hơn 2 lần giới hạn tối đa cho phép kể trên.

“Từ các kết quả trên, rõ ràng hệ thống bể chứa và đường ống dẫn đến các hộ dân có vấn đề. Như vậy, GP-Invest không thể thoái thác trách nhiệm”, ông Sơn bức xúc.

Để tạo điều kiện cho hai bên có cơ hội đối thoại trực tiếp nhằm giải quyết những khúc mắc kể trên, Đầu tư Bất động sản đã đề xuất một cuộc gặp giữa chủ đầu tư và cư dân dưới sự chứng kiến của cơ quan báo chí. Tuy nhiên, đề xuất trên đã không thực hiện được với lý do, hai bên đã từng có nhiều cuộc tiếp xúc tương tự, nhưng không thống nhất được phương án giải quyết do có những quan điểm trái ngược nhau.

Ông Sơn cho biết, dù cư dân đã nhiều lần tỏ thiện chí mong muốn GP-Invest hợp tác với cư dân trong việc giải quyết những khúc mắc giữa hai bên, nhưng GP-Invest cố tình né tránh, có những việc làm hoặc ra các văn bản trả lời tỏ thái độ trịnh thượng, vòng vo, thiếu tôn trọng, thậm chí thách thức cư dân, đẩy khách hàng buộc phải lên tiếng với cơ quan ngôn luận. Trong khi đó, ông Dũng cho biết, GP-Invest đang nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết vụ việc này theo đúng pháp luật.

Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi vụ việc có thêm những tình tiết mới.

Minh Nhật

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục