Ngoài ngành ô tô, các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế xuất khẩu

(ĐTCK) Ngoài việc ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, các hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc cũng là vấn đề thách thức đối với các công ty trong ngành tại quốc gia này.

Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm và nam châm vào tháng 4 để đáp trả lại thuế quan của Mỹ, điều này khiến doanh thu bán hàng ở nước ngoài của các nhà sản xuất nam châm suy giảm, trong khi họ phải đối mặt với áp lực từ nền kinh tế suy yếu và thời kỳ khó khăn tại một trong những thị trường chính của nam châm là xe điện.

Theo các nhà phân tích, ảnh hưởng của lệnh hạn chế đối với các nhà sản xuất nam châm khó có thể sớm suy giảm, ngay cả sau khi Mỹ đã công bố một thỏa thuận với Trung Quốc vào ngày 27/6 để đưa xuất khẩu đất hiếm trở lại.

Sàn giao dịch sản phẩm đất hiếm Baotou của Trung Quốc cho biết bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ mất thời gian để thực hiện, lưu ý rằng hàng tồn kho đang chất đầy trong các kho lưu trữ.

Các hạn chế xuất khẩu đã khiến xuất khẩu nam châm giảm 75% trong hai tháng sau khi các hạn chế được áp dụng và buộc một số nhà sản xuất ô tô toàn cầu phải tạm dừng một số hoạt động sản xuất.

Trong khi Trung Quốc sản xuất 90% nam châm đất hiếm được sử dụng trên toàn thế giới và tiêu thụ hầu hết chúng, thì xuất khẩu trong năm 2024 dao động từ 18% đến 50% tổng doanh thu trong số 11 nhà sản xuất nam châm niêm yết lớn nhất tính theo theo công suất.

"Doanh số của họ hiện đang bị thắt chặt từ cả hai phía - xuất khẩu gián đoạn và nhu cầu trong nước giảm sút…Họ đã tạm thời mất đi một phần quan trọng trong cơ sở khách hàng của mình và không chắc chắn khi nào sẽ lấy lại được", Ellie Saklatvala, giám đốc định giá kim loại tại công ty cung cấp thông tin hàng hóa Argus cho biết.

Đất hiếm là hàng hóa nhạy cảm về mặt chính trị ở Trung Quốc và một số công ty đất hiếm lớn được niêm yết đã phản ánh về cách các biện pháp kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

"Nó sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu, mặc dù khó có thể nói chính xác chúng tôi sẽ phải chịu tổn thất bao nhiêu vào lúc này", một trong những nhà sản xuất nam châm đất hiếm cho biết.

Tác động của việc hạn chế xuất khẩu bị đánh giá thấp

Giống như nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ, các nhà sản xuất nam châm đất hiếm của Trung Quốc cũng là nạn nhân của chính tầm quan trọng của mình.

Bị mắc kẹt trong cuộc căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất nam châm niêm yết đã giảm mạnh vào tháng 4 sau khi lệnh hạn chế xuất khẩu được công bố. Tuy nhiên, giá đã tăng trở lại từ mức thấp nhất trong ba tháng qua.

Cory Combs, Giám đốc Nghiên cứu khoáng sản quan trọng tại Công ty Tư vấn Trivium China cho biết, sự phục hồi dường như không dựa trên bất kỳ dự báo hợp lý nào về tương lai của ngành.

"Tôi có thể thấy nhiều triển vọng thị trường khác nhau, tùy thuộc vào các giả định, nhưng không có triển vọng nào trong số đó mang lại mức tăng giá cổ phiếu bền vững như chúng ta đang thấy", ông cho biết.

Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất nam châm cũng là công ty tư nhân, vì vậy giá cổ phiếu chỉ phản ánh một câu chuyện hạn chế.

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất đã phải đối mặt với điều kiện trong nước suy yếu, bao gồm cuộc chiến giá giữa các nhà sản xuất xe điện - phân khúc khách hàng chính - khiến các nhà sản xuất yêu cầu các nhà cung cấp phải giảm giá. Ngoài ra, bản chất tùy chỉnh cao của nhiều sản phẩm nam châm khiến việc bán lại hàng trong nước trở nên khó khăn, buộc các nhà sản xuất nam châm phải lưu trữ chúng trong thời gian chờ giấy phép.

Thách thức có thể thúc đẩy sự hợp nhất

Nhà sản xuất nam châm niêm yết Baotou Tianhe Magnetics Technology đã lưu ý đến lệnh hạn chế xuất khẩu trong báo cáo thường niên được công bố vào cuối tháng 4 và cho biết doanh thu xuất khẩu của công ty có thể giảm nếu tình hình xấu đi trên thị trường quốc tế.

Yantai Zhenghai Magnetics cho biết vào tuần trước rằng, họ đã nhận được giấy phép xuất khẩu và hoạt động sản xuất diễn ra bình thường. Công ty đã giới thiệu các nhà đầu tư đến các hồ sơ tài chính sắp tới để biết kết quả hoạt động cụ thể.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Saklatvala, khả năng nhanh chóng quay trở lại tình trạng trước đây là không cao nếu các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm được thực hiện theo cách tương tự như các biện pháp tương tự các khoáng sản quan trọng khác bao gồm germani và antimon.

Trung Quốc đã đặt ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu germani và antimon trong suốt năm 2023 và 2024. Mặc dù chủ yếu được sử dụng bởi các ngành công nghiệp dân sự, nhưng dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Châu Âu chỉ nhận được một phần nhỏ antimon mà họ nhập khẩu từ Trung Quốc trước khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được áp dụng vào tháng 9/2024. Tình trạng thiếu hụt đã gây ra những vấn đề lớn cho các nhà sản xuất pin axit chì thường thấy trong động cơ xăng.

"Nhìn vào các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng khác - chẳng hạn như antimon - thì rõ ràng là đôi khi phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến ​​để xuất khẩu được tiếp tục và bình thường hóa", ông Saklatvala cho biết thêm.

“Lượng thông tin lớn mà các cơ quan cấp phép xuất khẩu yêu cầu là một thay đổi vĩnh viễn đối với ngành này, sẽ gây thêm sự chậm trễ và chi phí cho các nhà sản xuất", David Abraham, giáo sư liên kết tại Đại học Boise State cho biết.

Trong một ngành công nghiệp có hàng trăm nhà sản xuất, áp lực có thể dẫn đến sự hợp nhất của ngành. "Tôi không biết các nhà chức trách Trung Quốc có xem đó là điều xấu hay không, vì việc hợp nhất thêm nữa sẽ hữu ích cho việc kiểm soát và nắm bắt được vật liệu đi về đâu", ông David Abraham cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục