Tà Đùng, một địa danh còn chưa được nhiều người biết đến, nằm cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa gần 50 km. Tà Đùng mới được công nhận là khu bảo tồn quốc gia cách đây ít ngày.
Chúng tôi đến vừa đẹp duyên.
Khu bảo tồn quốc gia Tà Đùng thuộc xã Đắk P’lao và xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, toàn khu rộng 22.103 ha, đỉnh Tà Đùng nằm ở độ cao 1.982 m so với mực nước biển. Nhìn từ trên cao, hồ Thủy điện Đồng Nai 3 (tên thường gọi là Hồ Tà Đùng) như kỳ quan thiên nhiên thế giới nơi đất mỏ Quảng Ninh, nhưng lại hiện thân chốn cao nguyên, đẹp và kiều diễm đến lạ kỳ.
Hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao. Ảnh: Thành Nguyễn.
Từ chiều hôm trước, khi ghé Đắc Nông, anh bạn đã bảo, lần này tôi sẽ cho ông ngắm Vịnh Hạ Long trên đỉnh cao nguyên.
Sáng đầu tuần, sau bữa sáng và một chầu cà phê, chúng tôi lên đường. Men theo quốc lộ 28 đường sang Di Linh, Lâm Đồng, chúng tôi tìm đến Tà Đùng. Đoạn đường không dài lắm, uốn lượn quanh những quả đồi, ngọn núi, hai bên đường là các rẫy cà phê, rẫy mì, với màu đất đỏ đặc trưng của vùng bazan, cả của màu boxit nữa. Chúng tôi đến Tà Đùng vào khoảng 9h30’.
Càng gần đến nơi, không khí càng trở nên mát mẻ. Cách Từ Đùng khoảng 3 km, tôi bắt đầu thấy thấp thoáng hồ Tà Đùng, ẩn hiện sau những ngọn cây xanh.
Nơi chúng tôi dừng chân là homestay “nhà chú Đông”, một trong những điểm du lịch ghi dấu chân của người khai phá đầu tiên, ở địa hạt này về du lịch.
Từ chiều hôm trước, anh bạn đã cẩn thận gọi điện đặt phòng. Homestay nằm ở vị trí có thể nói là đẹp nhất của Tà Đùng, sau lưng là con đường độc đạo, trước mặt là tầm nhìn panorama đến trên 180 độ, thu vào tầm mắt hầu như toàn bộ hồ Tà Đùng.
Bể bơi vô cực. Ảnh: Thành Nguyễn.
Chẳng có nhiều điều để nói, chỉ có thể thốt lên một chữ: Tuyệt!, trong sự ngạc nhiên khôn cùng.
Trên đường vào, những cây hoa bướm, hoa cúc vàng đong đưa trong gió, vài cây cà ri sai trĩu quả. Bên trong, một bể bơi vô cực chạy dọc theo chiều ngang phần sân nghỉ dưỡng. Thiên nhiên thắm lên một màu xanh ngọc.
Nắng lên, gió tới, thổi đi những đám mây bạc trĩu nước, để lộ ra bức tranh sơn - thủy - thiên một màu, không ranh giới.
Những rặng hoa mua khoe sắc trên đất Tà Đùng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Mặt hồ, dễ đến cả trăm ngọn đồi, lủng củng nhưng tự nhiên. Từ ngày làm hồ thủy điện, cả khu lòng hồ chìm trong nước, chỉ những mỏm đồi, ngọn núi nhô cao mới có cây mọc. Chỗ sâu nhất, người dân bảo lên đến tận 300 m nước.
Thật khó có thể tưởng tượng, ở “đỉnh cao” của Tây Nguyên, lại có một thiên đường nơi hạ giới, bình yên, lãng mạn và mênh mông đến thế.
Thoáng nhìn, tôi biết ông chủ homestay là người tinh nhạy, cả homestay được thiết kế theo hướng phá vỡ mọi giới hạn, tôn vinh tối đa ánh nhìn cho du khách. Bên bể bơi là các phòng nghỉ, một khu bán cà phê, nhà hàng theo kiểu kiên cơ đa dịch vụ.
Một cây cầu vô cực, một chiếc ghế sắt, màu trắng tinh khôi, một chiếc xích đu cách điệu hình nơm cá, tất cả nổi bật trong cái nền xanh tự nhiên của trời và đất, trong con nắng vàng vùng cao nguyên.
Một góc nhỏ homestay. Ảnh: Thành Nguyễn.
Ngắm cảnh, chụp ảnh chán chê, trưa đó, chúng tôi gọi cho mình một nồi lẩu chua cá lăng sông Đồng Nai. Cá ngọt, da dày, thịt chắc, vị chua cố hữu của rau Atiso, thêm ít cải đắng của bản và vài lon bia, một cuộc ẩm thực đúng điệu, ngay trên đỉnh Tà Đùng bắt đầu.
Chú Đông, chủ homestay vô cùng thân thiện, lại thêm yếu tố quen biết (bạn vong niên của cậu bạn tôi), nên cuộc chuyện trò cứ ấm dần lên, sôi nổi thêm mãi.
Cách đây hơn 2 năm, trong một lần lang thang săn ảnh (chú vốn là một tay máy), chú Đông bắt gặp Tà Đùng.
Chú bảo, bữa đó, đứng ở đây, nhìn thấy cảnh này, tôi biết, mảnh đất này dành cho mình, thuộc về mình.
Sợ người khác “đánh cắp” giấc mơ ấy, chú không “dám” chụp ảnh, mà chạy ngay đi tìm ông bà chủ rẫy. Bữa đó, nơi này là rẫy cà phê, 1 ha đất rất khi đó có giá khoảng 350 triệu đồng, nhưng không cho chủ rẫy cơ hội lừng khừng, chú quyết định ra giá 700 triệu, gấp đôi giá trị khu đất lúc đó.
Homestay nhìn từ xa. Ảnh: Thành Nguyễn.
Rồi những mái nhà, bể bơi đầu tiên cũng xuất hiện từ việc bán nhà, đất bên Đà Lạt, một cuộc dịch chuyển bắt đầu. Hồi mới, chú Đông chỉ có ý phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cho gia đình. Cửa mở tự do đón khách, ai muốn vào ra chụp ảnh đều được. Nhưng khách du lịch cứ đông dần lên theo các đợt checkin. Ý định làm du lịch cũng bắt nguồn từ đó.
Cách đây 1 năm, ông chủ homestay quyết định mua thêm hơn 2 ha nữa để mở rộng quy mô, và giá đất rẫy khi này đã là 5 tỷ/2 ha. Còn hiện tại, vài lô đất rẫy quanh nhà chú Đông, đang được rao bán với mức “không thể tin nổi”: 10 tỷ/1 ha. Một sự thật khó lý giải, ngoại trừ một lý do có lẽ duy nhất, người ta đã nhìn ra tiềm năng bứt phá mạnh mẽ của vùng đất đỏ này.
Tà Đùng đang ngày càng được nhiều người biết đến, nhất là các phượt thủ. Ảnh: Thành Nguyễn.
Vẻ đẹp Tà Đùng chính thức lên sóng với dấu chân những phượt thủ đầu tiên, tiềm năng du lịch của Tà Đùng dường như bắt đầu được đánh thức.
Hiện, homestay nhà chú Đông có 11 phòng nghỉ, mức giá cho 1 phòng nghỉ qua đêm là 800.000 đồng. Một mức giá không cao, mà thực rất cao với một tỉnh như Đăk Nông.
Nhưng đắt, sắt ra miếng. Nước sạch được lọc từ giếng khoan, toàn bộ hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời thân thiện, khăn tắm dùng một lần (có ghi chú du khách có thể mang về làm kỷ niệm). Thậm chí, cả bệ vệ sinh cũng hiện đại như khách sạn 5 sao tôi hay gặp, không dùng giấy mà có các chế độ làm sạch hiện đại.
Homestay với tầm nhìn vô cực. Ảnh: Thành Nguyễn.
Phòng nghỉ được thiết kế mở, tối đa góc nhìn, view toàn bộ hồ bơi và hồ. Phòng tắm được thiết kế bằng kính trong suốt, liền phòng ngủ, giống như mô hình ở các resort hay khách sạn nhiều sao. Dĩ nhiên, có rèm “che đậy” khi cần, nhưng cũng vô cùng lãng mạn cho các cặp tình nhân, vợ chồng đang cần hâm nóng, làm mới tình cảm (viết đến đây tôi lại hơi tủi thân ngó sang bên cạnh, anh bạn thân đang nằm im xem điện thoại để mặc tôi viết bản review sơ bộ).
Sau bữa trưa, tôi và anh bạn có một giấc ngủ sâu. Chiều đó, chúng tôi lấy xe máy đi chụp ảnh phong cảnh, rồi quay về bơi trước khi tiếp tục có thêm một bữa tối thi vị ngay bên bãi cỏ.
Chuẩn bị cho bữa tối. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tối đó, chúng tôi gọi nửa con gà nướng, một đĩa nầm nướng, hai cái cơm lam, một đĩa salad và vài lon bia. Như đã hẹn, chủ nhà cũng ngồi cùng và tiếp tục câu chuyện còn dang dở.
Cái thú vị của cuộc ăn tối không chỉ đến từ món ăn ngon, vừa miệng, trong một khung cảnh “vô cực dễ thương”, trong ánh hoàng hôn đỏ ối, gió cao nguyên, bên rặng sim tím thẫm những hoa, mà còn cả bởi những câu chuyện về góc nhìn, quan điểm làm du lịch của ông chủ có gốc gác từ đất Kinh kỳ.
Ở đây, mọi thực phẩm, nhân lực đều mang đậm sắc thái bản địa.
Tôi hỏi, khu này của chú đẹp vậy, sao không để tên là resort cho oách. Cười hiền, chú Đông bảo, để thế thì mức độ thân thiện lại mất đi. Tớ muốn dùng chữ homestay để du khách hiểu rằng, họ sẽ được giao tiếp với chủ nhà, với nhân viên của tớ.
Biển chỉ đường vào khu nghỉ. Ảnh: Thành Nguyễn.
Quả vậy, từ ngoài đường tỉnh lộ, cách homestay 1,5 km, là biển chỉ đường đến nhà chú Đông, nghe gần gũi lắm. Phương thức giao tiếp không chỉ khiến người ta dễ thấy thân cận khi trực tiếp gặp mặt, mà cả từ cái biển tên, cách đặt tên gọi. Homestay trước có tên Tà Đùng Top View, và giờ đổi thành như vậy.
Kể, đó cũng là ý đồ của người chủ trọ.
Sau những ngỡ ngàng về cảnh đẹp của Tà Đùng, của nơi lưu trú này, tôi chợt nhận ra, ban đầu, đó là điểm để đốn tim du khách, nhưng sự thân thiện, dễ gần của những người ở đây mới là thứ khiến cuộc du ngoạn, nghỉ ngơi của chúng tôi có nhiều cảm xúc.
Khách du lịch có thể ngồi ăn và ngắm cảnh đẹp, trò chuyện cùng chủ nhà. Ảnh: Thành Nguyễn.
Các nhân viên phục vụ, chủ yếu là người địa phương, mang theo cả nét thô mộc vốn có. Dẫu vậy, giao tiếp vẫn rất chuẩn mực. Tôi không nhận thấy sự khác biệt nhiều với các khu nghỉ dưỡng lớn. Có chăng, sự khác biệt đến từ một chút thổ âm, một chút sự gượng gạo, hồn nhiên mà dễ thương.
Mà cái này cần lắm, thích lắm.
Chú Đông là người Hà Nội, người từng theo binh nghiệp và đã in dấu chân khắp các tỉnh Tây Nguyên, cả nước bạn Campuchia. Giờ, gần cuối đời, chú chọn Tà Đùng là nơi thực hiện giấc mơ của mình: du lịch cộng đồng theo một lối nghĩ, cách làm riêng.
Trên độ cao 1.982 m, Tà Đùng hiện lên đẹp như một bức tranh. Ảnh: Thành Nguyễn.
Từ việc cho tham quan miễn phí đến việc mở cửa bán vé, làm dịch vụ, cho đến cả chuyện tăng giá, tất cả đều nằm trong ý đồ “lọc khách”. Chú bảo, tăng giá cũng là cách mình chọn khách chất lượng hơn và để tránh quá tải khi cơ sở lưu trú chưa đủ lớn. Nghe cũng ngộ, mà ngẫm cũng hay.
Chú còn thẳng thắn, tớ sẵn sàng mua thực phẩm của dân bản với giá cao hơn thông thường. Có sao đâu, các bạn mới là người trả tiền. Nhưng nếu vậy, chất lượng sẽ tốt lên và quan trọng hơn, làm du lịch là phải khiến cho cộng đồng quanh mình cùng phát triển.
Hoa mua đêm. Ảnh: Thành Nguyễn.
Đêm xuống, Tà Đùng lạnh sâu hơn bởi những con gió vùng cao, của hơi nước từ những đám mây lang thang qua khu nghỉ. Rả rích là tiếng trùng đêm. Hồ Tà Đùng giờ chỉ còn là một màn đêm, đen thẫm, huyền bí và khơi gợi nhiều điều chưa biết.
Chú chó nhỏ thân thiện, sau khi được cho ăn sẽ gác đầu lên đùi du khách để cám ơn. Ảnh: Thành Nguyễn.
Từ lâu, tôi không còn thói quen post hình cá nhân lên mạng xã hội, nhưng lần này là một ngoại lệ. Trước cái đẹp ngỡ ngàng của Tà Đùng, trước sự đáng yêu của những người đã gặp, và đặc biệt, đây là lần tôi gặp lại thằng bạn thân sau ngót 10 năm, tôi không thể đừng được.
Hoàng hôn Tà Đùng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nhiều người bạn tôi đã hẹn sẽ tới Tà Đùng. Tôi tin, họ bị chinh phục bởi những bức hình rất đỗi bình thường mà tôi chụp, nhưng có lẽ, khi họ đến, họ còn bị “cảm nắng” bởi những điều tôi chưa kể.
Tà Đùng, Đắk Nông, 19/8/2019