Nghiên cứu xây dựng đề án gói hỗ trợ thứ hai về đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tháng 1/2021, nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa quay trở lại và có diễn biến phức tạp.
ảnh VGP ảnh VGP

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng đầu năm tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh nhất (27,7%)… Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng kỷ lục trong những năm vừa qua.

Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư cũng đạt những kết quả khả quan. Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2020 đến hết ngày 31/1/2021 là 452.418 tỷ đồng, đạt 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 giải ngân kế hoạch năm 2019 đạt 76,75%).

Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2021 đến hết ngày 31/1/2021 là 15.000 tỷ đồng, đạt 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng), cùng kỳ năm 2020 giải ngân kế hoạch năm 2021 đạt 0,95%.

Một số chỉ tiêu kinh tế tháng 1/2021

Một số chỉ tiêu kinh tế tháng 1/2021

Tính đến hết ngày 20/1/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020. Giải ngân vốn FDI ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 4 nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, có nội dung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021. Tập trung vào 3 không gian kinh tế: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.

Một số chỉ tiêu kinh tế tháng 1/2021

Một số chỉ tiêu kinh tế tháng 1/2021

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, trong đó, có kích cầu đầu tư, giảm phí, miễn giảm một số khoản mà quy định pháp luật cho phép.

Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ hai, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng.

Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư mà nhiều năm qua chưa làm được. Đặc biệt, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp...

Về diễn biến phức tạp của đại dịch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: "Ngay đầu năm đã phát hiện 2 ổ dịch, xác định là biến chủng mới tại châu Phi và Anh. Chúng ta đã kích hoạt ngay cơ chế khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Những ngày gần đây, không ngày nào không có ca mới trong cộng đồng, đây là một trận dịch phức tạp về quy mô, vì virut đã biến chủng… so với 2 đợt dịch năm 2020".

“Không hoang mang, dao động vì Covid. Nhưng càng không được chủ quan, sơ sẩy. Thủ tướng yêu cầu làm thật tốt, theo dõi sát tình hình. Chúng ta phải thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát tốt tình hình, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế”, ông Dũng cho biết

Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục