Nghiên cứu sâu cơ chế tác động của thị trường bất động sản tới tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều chuyên gia cho rằng việc, việc đánh giá đúng vai trò của bất động sản đối với nền kinh tế và sự lan toả tác động của bất động sản, từ đó đề ra các biện pháp để thị trường sớm hồi phục trở lại sau Covid-19 sẽ mang tới động lực phát triển không nhỏ cho nền kinh tế.
Nghiên cứu sâu cơ chế tác động của thị trường bất động sản tới tăng trưởng kinh tế

Đó là nội dung được nhiều chuyên gia chia sẻ tại buổi công bố Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách” do Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức chiều ngày 5/1.

Chia sẻ tại buổi công bố, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký VNREA cho biết, với vai trò là “chim báo bão”, khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế cũng có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.

Trên thực tế, khủng hoảng của nền kinh tế thường xuất phát từ khủng hoảng của thị trường bất động sản. Và ngược lại, khi lĩnh vực này phục hồi, chính là dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế như kinh nghiệm từ Mỹ và Thái Lan.

Ở Việt Nam hiện nay, do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang phải đối diện với vô số khó khăn, có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học, sẽ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế.

Toàn cảnh buổi công bố Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách”
Toàn cảnh buổi công bố Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách”

Do vậy, cần nghiên cứu sự biến động của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản đến nền kinh tế rất mở của nước ta. Từ đó đề ra định hướng, giải pháp tăng cường, phát huy vai trò của thị trường bất động sản là hết sức có ý nghĩa, cần thiết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và khách hàng đã, đang và sẽ tham gia thị trường bất động sản.

Đánh giá cao ý nghĩa của Đề tài nghiên cứu lần này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Đây là một công trình nghiên cứu rất sâu về thị trường bất động sản. Trong ngành ngân hàng của chúng tôi cũng chưa có nghiên cứu nào phân tích về sự lan tỏa vào tầng giá trị gia tăng trên một lao động".

Qua đề tài nghiên cứu này, có thể khẳng định vai trò quan trọng của thị trường bất động sản, đó là một thị trường nền tảng. Năm 2015, tại thị trường chung 16 nước châu Âu, thông số cho vay bất động sản là 19%, cho vay tiêu dùng 41%. Cho vay sản xuất của cả châu Âu chỉ có 8%, nhưng tại thị trường chúng ta thì cho vay sản xuất cao.

"Do đó, dần dần chúng ta cần thay đổi quan niệm, cần có một số thị trường là nền tảng, trong đó, bất động sản là một trong những thị trường nền tảng. Thị trường nền tảng thứ hai là vận tải thương mại và vận tải cá nhân, chiếm tỷ trọng 14% của thị trường các nước châu Âu, sau tiêu dùng, bất động sản", ông Nghĩa nói.

Đồng thời, theo ông Nghĩa, việc lập đề tài nghiên cứu cũng mang tới một nền tảng cho bài toán phân tích, cập nhật số liệu để hoàn thiện hơn nữa, để 5 - 10 năm sau có một nghiên cứu hoàn chỉnh về thị trường bất động sản.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định: "Dù có không ít tài liệu về bất động sản và thị trường bất động sản, song Đề tài Nghiên cứu khoa học này là một nghiên cứu đủ sâu, có thể góp phần quan trọng trong thay đổi nhận thức, thay đổi cách nhìn (vốn còn phiến diện) về bất động sản và thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam.

Đó là chưa nói tới những khuyến nghị chính sách, cả trước mắt và lâu dài, để phát triển thị trường bất động sản bền vững, cũng chứa đựng không ít gợi ý có ý nghĩa và rất đáng suy ngẫm. Đóng góp mới của Đề tài là lượng hóa vai trò của bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam với góc nhìn cả theo nghĩa hẹp và nghĩa mở rộng, cả trực tiếp và qua tác động lan tỏa. Cùng với đó, những ưu tiên chính sách cần triển khai cũng là điểm nhấn đáng ghi nhận của đề tài".

Theo ông Thành, đề tài nghiên cứu này giải quyết vấn đề đầu tiên là về nhận thức. Nghiên cứu sẽ đem lại rất nhiều ý nghĩa đối với các nhà hoạch định chính sách. Thứ ha là đã chỉ ra được những nút thắt cơ bản nhất trong ngắn hạn, dài hạn trong vấn đề về pháp lý, hoạch định chính sách…

"Trên tất cả, đây không phải một bản báo cáo mà là một công trình nghiên cứu đầy đủ, có minh chứng, sử dụng công cụ kỹ thuật kinh tế để làm sáng tỏ nhiều vấn đề từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai về vai trò của bất động sản", ông Thành nói.

Sau Đề tài nghiên cứu này, nhiều chuyên gia đánh giá cần thiết có những chuyên đề chuyên sâu hơn về chính sách, tác động, kinh tế vĩ mô, đặc biệt là về tài chính với thị trường bất động sản.

Kết cấu, bố cục của đề tài: Đề tài gồm 3 chương; 14 tiết; 45 tiểu tiết.

Tại Chương 1, thông qua nội dung nghiên cứu lý luận và thực tiễn tình hình phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề tài đã đi sâu làm rõ: Khái niệm, đặc điểm và phân loại bất động sản; Các giai đoạn phát triển của thị trường bất động sản; Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản; Tiêu chí đánh giá vai trò thị trường bất động sản trong nền kinh tế; Vai trò và kinh nghiệm phát triển thị trường bất động sản trong nền kinh tế một số nước trên thế giới…

Tại Chương 2, bằng phương pháp lượng hóa, đề tài đã tập trung làm rõ những nội dung và vai trò cơ bản nhất của thị trường bất động sản Việt Nam.

Tại Chương 3, nhóm tác giả đã đưa ra Dự báo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam đến 2030 và đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm phát huy vai trò thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong đó, nhóm giải pháp cần thực hiện ngay bao gồm 5 nhóm giải pháp: Về hoàn thiện thể chế và thủ tục hành chính; Về tín dụng; Về lĩnh vực thuế; Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Về tiền ký quỹ dự án đầu tư.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục