Với vai trò là lớp phòng thủ của cơ thể, hệ miễn dịch liên tục “tuần tra” khắp các ngóc ngách trong người chúng ta, để kịp thời phát hiện và tiêu diệt các tác nhân gây hại như: nấm, vi khuẩn, virus…
Tuy nhiên, các tế bào ung thư lại có thể qua mặt hệ miễn dịch, bằng cách giải phóng protein đặc biệt, khiến các “vệ sĩ” của cơ thể tưởng nhầm chúng là tế bào bình thường. Để tự nuôi sống chính mình, khối u ung thư kích thích quá trình hình thành các mạch máu mới, cung cấp cho nó một nguồn dưỡng chất khổng lồ.
Để điều trị ung thư, hóa trị là một trong những phương pháp phổ biến nhất. Nguyên lý cơ bản của hóa trị liệu là đưa các hóa chất có khả năng tiêu diệt khối u vào mạch máu. Điều này đồng nghĩa với việc các loại hóa chất này chỉ đến được những nơi mà mạch máu có thể tiếp cận, trong khi đó hầu hết các mạch máu lại không đi vào sâu trong trung tâm của khối u. Điều này làm phát sinh vấn đề về khả năng tiêu diệt triệt để ung thư.
Để giải quyết nhược điểm này của hóa trị liệu, các nhà khoa học đến từ Đại học California đã nhờ đến sự hỗ trợ của vi khuẩn salmonella. Cụ thể, nhóm chuyên gia đã thay đổi cấu trúc ADN của vi khuẩn, để chúng chủ động tìm kiếm các khối u và xâm nhập, sinh sôi ở đó, trong khi không hề tấn công phần còn lại của cơ thể. Vì kích thước khối u có giới hạn nên việc vi khuẩn liên tục sinh sôi bên trong đó cũng giống như một quả bom chờ phát nổ.
“Khi sức chứa của khối u đạt đỉnh, quả bom vi khuẩn này sẽ phát nổ và giải phóng ra một hỗn hợp 3 loại hợp chất, bao gồm: hợp chất phá hủy thành tế bào; hợp chất phát đi tín hiệu báo động cho hệ miễn dịch; hợp chất kích hoạt chết theo lập trình ở tế bào ung thư” – TS Sally Adee, đại diện nhóm tác giả phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, cơ chế 3 bước giúp vi khuẩn biến đổi gen có thể tấn công trực tiếp vào khối u, trong khi vẫn giới hạn ảnh hưởng của mình trong phạm vi cho phép, từ đó giúp bảo vệ các tế bào khỏe mạnh ở lân cận. Điều quan trọng là quả bom vi khuẩn này có thể tiêu diệt protein ức chế miễn dịch của ung thư (thứ giúp ung thư ngụy trang), từ đó cho phép hệ miễn dịch tấn công khối u.
Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng thừa nhận rằng, phương pháp điều trị ung thư bằng vi khuẩn tồn tại một vài rủi ro. Trong đó, mối nguy hiểm lớn nhất là vi khuẩn được chúng ta sử dụng có thể lại trở thành kẻ thù và bắt đầu xâm nhiễm khắp cơ thể. Để phòng tránh kịch bản này xảy ra, nhóm tác giả đã chỉnh sửa gen của vi khuẩn, để chúng chỉ có thể sinh sôi mạnh trong môi trường khối u và khó tồn tại khi xâm nhập vào các mô khỏe mạnh.
Nhóm tác giả nhấn mạnh: “Phương pháp mà chúng tôi đang phát triển sẽ là một bước đột phá trong cách chúng ta chống lại ung thư. Vi khuẩn có thể sớm trở thành đồng minh đặc biệt của chúng ta trong cuộc chiến này, giúp con người bớt phụ thuộc vào hóa, xạ trị, vốn là những phương pháp gây tổn thương cho cả những tế bào khỏe mạnh”.