Nghiên cứu lập công ty cổ phần để liên kết, hợp tác dịch vụ logistics khu vực cảng Cái Cui

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu các sở ngành liên quan cung cấp thông tin về pháp lý, định hướng quy hoạch cho doanh nghiệp khai thác cảng Cái Cui; Sở Xây dựng khẩn trương tham mưu báo cáo Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Cảng Tân Cảng - Cái Cui, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ

Tháng 4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các bộ, địa phương về tình hình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thông báo có nội dung yêu cầu Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nghiên cứu phương án thành lập công ty cổ phần để tăng cường liên kết, hợp tác về dịch vụ logistics khu vực cảng Cái Cui. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và 2 Tổng công ty báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp để thống nhất, quyết định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/5/2025.

Tại cuộc làm việc mới đây về thực hiện kết luận của Thủ tướng, Sở Xây dựng TP. Cần Thơ cho biết, Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) đang khai thác bến cảng Cái Cui với 2 cầu cảng, tổng chiều dài 365 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT, diện tích kho bãi sau cảng 25 ha. Đây là cảng tổng hợp, container, công suất thiết kế theo hiện trạng 4,3 triệu tấn hàng hóa/năm, chủ yếu là các loại hàng phân bón, sắt thép thành phẩm, gỗ lóng nhập khẩu, phân phối xe máy của hãng Honda Việt Nam, thiết bị cho các công trình lớn về giao thông, điện của vùng ĐBSCL.

Trong khi đó, Công ty cổ phần vận tải thủy Tân Cảng (thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) khai thác bến cảng Tân Cảng Cái Cui với 1 cầu cảng chiều dài 180m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT, diện tích vùng đất kho bãi sau cảng là 8 ha. Chức năng là cảng tổng hợp, container, công suất thiết kế theo hiện trạng là 2,44 triệu tấn hàng hóa/năm, chủ yếu là hàng tổng hợp, container.

Tại cuộc họp, hai đơn vị trên thông tin về tình hình khai thác, kinh doanh dịch vụ cảng, đồng thời cũng đề cập một số khó khăn do luồng hàng hải Định An - Cần Thơ thường xuyên bị bồi lắng, không đảm bảo cho tàu có trọng tải lớn vào khai thác… Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn tăng cường thúc đẩy phát triển logistics, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tuyến vận tải quan trọng này.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, việc nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ cho tàu trọng tải lớn ra vào các cảng của Cần Thơ và các cảng khác trong khu vực là hết sức cần thiết, giúp phát huy hiệu quả khai thác, tăng công suất các cảng vận chuyển trong khu vực.

Nếu hệ thống cảng biển được đầu tư tốt, đáp ứng tốt nhu cầu thì thì các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố sẽ được hưởng lợi, tạo động lực thúc đẩy kinh tế của địa phương và khu vực phát triển.

Trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của hai đơn vị, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu các sở ngành liên quan cung cấp thêm các thông tin về pháp lý, hiện trạng, định hướng quy hoạch cho hai Tổng công ty, đồng thời giao Sở Xây dựng khẩn trương tổng hợp tham mưu báo cáo Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà…

ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu hằng năm 17-18 triệu tấn, tuy nhiên, hạ tầng và logistics chậm phát triển nên 70% phải chuyển tải về các cảng lớn ở miền Đông, với chi phí cao hơn 10-40%.

Hoạt động phát triển logistics tại Cần Thơ và ĐBSCL còn những tồn tại, hạn chế, việc kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Cần Thơ với vùng và quốc tế chưa được đầu tư… dẫn đến chi phí logistics còn cao. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh dịch vụ, hàng hóa của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Theo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, toàn vùng ĐBSCL có 7 trung tâm đầu mối sản xuất chính. Trong đó, Cần Thơ giữ vị trí rất quan trọng với vai trò là trung tâm logistics thúc đẩy kết nối hoạt động logistics của vùng, không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thương mại của Cần Thơ mà còn thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các tỉnh thành khác sử dụng dịch vụ logistics, tăng chuỗi giá trị gia tăng hàng hóa…

Giang Lam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục