Nghiêm cấm phiền nhiễu khách hàng trong kinh doanh bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
Quy định cụ thể hơn các hành vi cần nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm để không gây phiền nhiễu khách hàng là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) phát biểu tại tổ . Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) phát biểu tại tổ .

Quy định cụ thể hơn các hành vi cần nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm để không gây phiền nhiễu khách hàng là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận tại tổ về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Quy định tiêu chuẩn đạo đức của người bán

Điều 10 dự thảo luật đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm, như hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có Giấy phép thành lập và hoạt động, không đúng phạm vi được cấp phép, không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trong các hành vi bị nghiêm cấm còn có việc thực hiện các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm: thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm cũng là hành vi bị cấm, theo điều này.

Tuy nhiên, một số vị đại biểu vẫn cho rằng những quy định này chưa thực sự đầy đủ. Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM), cần nghiêm cấm hành vi gây phiền nhiễu khách hàng trong kinh doanh bảo hiểm.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho rằng, hành vi cạnh tranh khi bán bảo hiểm diễn ra phức tạp song cơ quan quản lý nhà nước lại rất khó kiểm soát và đánh giá, dẫn đến tranh chấp rất phức tạp. Và nếu người mua bảo hiểm không có tư vấn pháp lý tốt thì rất khó nhận dạng được những quy định bất lợi về phía mình.

Thậm chí có những hành vi khi mời mua bảo hiểm đã mang cả bảo hiểm xã hội ra so sánh, mà điều này chưa được thể hiện trong các hành vi nghiêm cấm, cần phải đưa vào dự thảo, đại biểu Quý nêu quan điểm.

Một số vị đại biểu khác cũng đồng tình cần phải bổ sung hành vi nghiêm cấm nhất là gian lận trong bảo hiểm để hạn chế tổn thất trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và phòng chống gian lận bảo hiểm như quy định tại điều 62-63 dự thảo.

Bộ Tài chính không nên cấp chứng chỉ

Là người tham gia trực tiếp quá trình thẩm tra dự án luật, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến của cơ quan thẩm tra và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu, một số quy định tại điều 151 Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm chưa phù hợp, cụ thể là quy định Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm.

Ông Việt nhấn mạnh, với yêu cầu ngày càng cao về tinh gọn bộ máy, việc này không phù hợp, đặc biệt là hiện nay yêu cầu xã hội hoá ngày càng cao, cơ quan quản lý nhà nước nên tập trung ban hành chính sách và kiểm tra giám sát thì môi trường cho kinh doanh bảo hiểm sẽ tốt hơn. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp, đăng ký và quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp... nên giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Vấn đề khác cũng được đại biểu quan tâm là bảo hiểm vi mô. Đây là quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).

Tán thành cao việc đưa quy định này vào dự thảo, đại biểu Đinh Ngọc Quý nhấn mạnh đây còn là câu chuyện an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Việc luật hoá quy định bảo hiểm vi mô để có căn cứ pháp lý cho các tổ chức đang tiến hành hoạt này, mà chủ yếu bảo hiểm vi mô là dành cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu thì quy định như tại dự thảo là quá ngắn gọn, cần cụ thể hơn để tránh luật khung, luật ống, sau khi luật ban hành lại phải hướng dẫn quá nhiều.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục