Sáng nay (22/10), Chính phủ trình Quốc hội Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là một trong số các dự án luật đầu tay của Quốc hội khóa XV, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.
Sáng nay (22/10), Chính phủ trình Quốc hội Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi

Tiếp nối chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đầu phiên họp sáng ngày 22/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Vẫn giữ nguyên kết cấu khung như cũ gồm 8 chương, 156 điều, Dự thảo luật cụ thể hóa 7 nhóm chính sách về hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, bảo hiểm vi mô, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, quản lý tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, ở dự thảo sửa đổi lần này, lãnh đạo Bộ Tài Chính cho biết, sẽ cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành.

Từ đó, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Trên thực tế, sau hơn 20 năm áp dụng vào thực tiễn, luật cũ đã bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự; một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn; chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung luật là hết sức cần thiết.

Đặc biệt, vấn đề liên quan đến các quy định trong hợp đồng bảo hiểm còn nặng bảo vệ lợi ích người bán. Nhiều đại biểu cho rằng, phản ánh từ người tham gia bảo hiểm cho biết, nhiều hợp đồng bảo hiểm ghi những 'từ' hoặc 'cụm từ' trừu tượng, khó hiểu hoặc hiểu theo hướng bảo vệ quyền lợi đơn vị kinh doanh là khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Trong khi thực tế, đáng ra bảo hiểm phải có lợi cho người mua hơn là bên bán. Bởi ý nghĩa thực sự của bảo hiểm là bảo vệ khách hàng. Đa số bày tỏ quan điểm trong giai đoạn khủng hoảng như dịch bệnh, thiên tai, rủi ro... bảo hiểm có vai trò quan trọng đối với hỗ trợ tổn thất của doanh nghiệp.

Với quan điểm đây là hoạt động kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, trong các đợt thảo luận về dự thảo luật trước đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị trong luật sửa đổi cần có những quy định mang tính pháp lý để phòng ngừa gian lận trong tất cả các khâu, các nghiệp vụ, các hành vi trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài ra, dự thảo luật mới cũng cần thống nhất cơ quan quản lý về đào tạo bảo hiểm nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động này vì hoạt động bảo hiểm là đặc thù, khách hàng tiếp cận các loại hình bảo hiểm thông qua đại lý bảo hiểm, do đó, người đại lý cần phải nắm rõ về nguyên tắc hoạt động, cũng như tư vấn đúng, đủ cho khách hàng.

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục