Thực trạng kinh doanh nửa đầu năm của PTC cho thấy, dường như Công ty đang lựa chọn một ngã rẽ mới cho hoạt động kinh doanh.
Lãi lớn nhờ bán tài sản
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, PTC đạt doanh thu 148,391 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là 32,069 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 52,534 tỷ đồng. Với kết quả này, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của PTC là 2.919 đồng, thuộc nhóm những doanh nghiệp có EPS nửa đầu năm cao của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vậy nhưng, nếu như cổ phiếu VNM có EPS nửa đầu năm là 3.740 đồng, nhưng thị giá đạt đạt hơn 150.000 đồng/CP, thì cổ phiếu PTC đang có thị giá xấp xỉ 7.000 đồng/CP.
Ngoài khác biệt về đẳng cấp giữa 2 doanh nghiệp, chất lượng tài chính và ngành nghề kinh doanh, thì câu chuyện về chất lượng thu nhập của PTC là nguyên nhân quan trọng khiến cổ phiếu này có giá chỉ gấp hơn 2 lần thu nhập trong nửa đầu năm.
Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng mạnh với đóng góp chính của doanh thu bán hàng hóa (93 tỷ đồng) và thành phẩm xi măng (24 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ năm trước gần như không có doanh thu từ 2 mảng này, nhưng PTC chỉ ghi nhận lãi gộp hơn 3,5 tỷ đồng. Mảng kinh doanh hàng hóa có lãi gộp xấp xỉ 5 tỷ đồng, mảng xây lắp lỗ gộp xấp xỉ 5,5 tỷ đồng, mảng xi măng lãi gộp 900 triệu đồng.
Từ kết quả trên, nếu tính thêm các chi phí liên quan đến chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính với tổng giá trị xấp xỉ 15,9 tỷ đồng và cộng thêm thu nhập hơn 4,7 tỷ đồng từ cổ tức, lợi nhuận được chia thì kết quả kinh doanh của PTC chỉ tương đương cùng kỳ năm 2015. Yếu tố tạo nên lợi nhuận lớn cho Công ty đến từ kinh doanh cổ phiếu và bán đất.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, trong kỳ, PTC hạch toán 12 tỷ đồng từ bán cổ phiếu, 63,98 tỷ đồng từ bán tài sản cố định (đất đai). Thực tế, kinh doanh khó khăn, bán tài sản để hạch toán lợi nhuận là câu chuyện quen thuộc của một số doanh nghiệp niêm yết có quỹ đất giá rẻ.
PTC đang chuyển hướng?
Doanh thu lớn của PTC trong 6 tháng đầu năm chủ yếu đến từ kinh doanh hàng hóa. Mảng xây lắp có doanh thu nhỏ, nhưng tồn tại nợ xấu khá lớn (tính so sánh với tổng doanh thu lĩnh vực này của PTC). Báo cáo soát xét báo cáo tài chính bán niên năm 2016 của PTC ký bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy, công ty con là CTCP Xi măng Sông Đà Yaly chưa trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi số tiền 7,679 tỷ đồng và PTC có 34 tỷ đồng nợ xấu các bên hiện đã trích lập dự phòng 32,557 tỷ đồng.
Khoản phải thu của Xi măng Sông Đà Yaly, theo giải trình của PTC, đã được thu hồi trong tháng 7/2016, nên Công ty không trích lập trong báo cáo bán niên, còn khoản 34 tỷ đồng nợ xấu, dù đã được trích lập gần như toàn bộ, nhưng dường như Ban lãnh đạo Công ty lạc quan về triển vọng thu hồi, khi đánh giá cơ hội thu 100% số nợ này.
Nếu làm được điều đó, PTC có thể sẽ có thêm 32 tỷ đồng lợi nhuận trong tương lai, nhưng đó chỉ là một phần gợi mở cho câu chuyện tương lai. Hoạt động kinh doanh chính èo uột, cơ cấu tài sản của PTC đang có xu hướng chuyển hẳn sang đầu tư tài chính và bất động sản.
Thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, đến 30/6/2016, PTC có 101,394 tỷ đồng giá trị ban đầu cho mục tiêu đầu tư tài chính, bao gồm chủ yếu là các khoản đầu tư vào Gelex (mã GEX) với 3,1688 triệu cổ phiếu, giá trị gốc 71,173 tỷ đồng, tương đương giá mua hơn 22.460 đồng/CP; Sotrans (mã STG) với 811.420 cổ phiếu, giá trị 16,579 tỷ đồng, tương đương giá mua hơn 20.400 đồng/CP; Cadivi (mã CAV) với 151.570 cổ phiếu, trị giá 11,287 tỷ đồng, tương đương giá mua 74.470 đồng/CP.
Tại kỳ báo cáo, dù phải trích lập 1,2 tỷ đồng cho danh mục đầu tư, nhưng toàn bộ các khoản đầu tư tài chính của PTC có lãi 13,82 tỷ đồng. Hiện tại, chưa rõ PTC đã bán danh mục này hay chưa, nhưng nếu giữ, lợi nhuận của Công ty có thể tăng khá nhiều. Cổ phiếu STG hiện có thị giá 18.700 đồng/CP, thấp hơn giá mua của Công ty, nhưng nếu điều chỉnh yếu tố hưởng quyền, thì đã tăng hơn 43% so với giá ngày 30/6/2016, tương đương mức lợi nhuận khoảng 80% so với giá mua.
Ngoài ra, PTC đang có vốn góp tại nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có 21,427 tỷ đồng giá trị khoản đầu tư vào CTCP Cáp quang Việt Nam VINA-OFC (vốn góp ban đầu là 14,21 tỷ đồng, chiếm 25% vốn điều lệ), 15,8 tỷ đồng góp vốn vào các đơn vị khác.
Việc tập trung hơn 20% tài sản, gần 39% vốn chủ sở hữu vào danh mục đầu tư cổ phiếu; hơn 25,4% tổng tài sản, hơn 50% vốn chủ sở hữu vào đầu tư tài chính và có 12 tỷ đồng lợi nhuận nửa đầu năm 2016 đến từ bán cổ phiếu cho thấy, đầu tư tài chính mới là hoạt động cốt lõi của PTC. Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, tương lai PTC sẽ được định hình như thế nào và vì sao cổ phiếu của một công ty có danh mục đầu tư khá tốt như trên lại được giao dịch với giá thấp hơn nhiều giá trị sổ sách (14.440 đồng/CP)?
Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc trong các số báo sau.