Nghịch lý có đơn hàng, nhưng lại thiếu vốn thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang đôn đáo chạy tìm đơn hàng, thì các doanh nghiệp gỗ nén lại đôn đáo tìm cách lấy lại số tiền của mình đang “chôn” trong các hồ sơ hoàn thuế.
Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang khốn đốn vì chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng Ảnh: Lê Toàn Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang khốn đốn vì chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng Ảnh: Lê Toàn

Thị trường đã phát tín hiệu

“Nhu cầu viên nén gỗ đang tăng trở lại”, ông Thang Văn Thông, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam hồ hởi chia sẻ.

Theo đánh giá của Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam, dự kiến trong tháng 6 và 7 năm nay, nhu cầu viên nén gỗ tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lượng tiêu thụ là 100.000 tấn/tháng. Tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được những hợp đồng dài hạn 2-3 năm, cung cấp viên nén gỗ cho thị trường này.

Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén gỗ của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 98% tổng lượng, đã và đang có tín hiệu tốt. Ông Thông cũng cho biết, thị trường EU dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối.

“Với cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, có thể tin rằng, xuất khẩu viên nén gỗ sẽ phục hồi cả về giá cả và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023. Doanh nghiệp đã có thể nhìn thấy ánh sáng rồi”, ông Thông đặt nhiều kỳ vọng.

Cũng phải nói thêm, xuất khẩu viên nén gỗ 4 tháng đầu năm 2023 đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch 213,04 triệu USD, giảm 22% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, giá xuất khẩu viên nén gỗ đã giảm rất mạnh.

Mặc dù vậy, đây vẫn là số ít trong nhóm sản phẩm gỗ chế biến sâu có mức tăng trưởng dương, cùng với gỗ dán, ván sợi, ván bóc và găm gỗ. Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu, thuộc mã HS 94, giảm tới 38%.

Doanh nghiệp lại khó đáp lời

“Tín hiệu thị trường tích cực, nhưng doanh nghiệp không thể tay không bắt… đơn hàng được. Chúng tôi vừa họp với các doanh nghiệp ở Quảng Ninh, dòng tiền đang rất khó, dù có cách giải, nhưng vẫn bó tay. Hơn 1.000 tỷ đồng của doanh nghiệp đang chờ được hoàn thuế giá trị gia tăng”, ông Thang Văn Thông lo lắng thay cho các hội viên của mình.

Chuyện này đã kéo quá dài, suốt từ năm 2021 đến nay. Công ty TNHH Tỷ Long đã nộp hồ sơ hoàn thuế cách đây 2 năm, tới nay vẫn chưa được hoàn thuế do hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra. Đại diện Công ty cho biết, mỗi ngày, 2 đồng chí công an đi xác minh được 4 hộ gia đình trồng rừng, trong khi doanh nghiệp mua ở nhiều địa bàn từ rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau, có thể từ hàng ngàn chủ rừng. Nếu đi xác minh đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan thuế có thể phải mất tới 5 năm.

Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp không muốn nộp hoặc đã xin giãn thời gian xem xét hồ sơ hoàn thuế. Công ty cổ phần Cảng Thái Hưng đã nộp 2 bộ hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng lên Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh vào tháng 8/2022, với tổng giá trị là 54 tỷ đồng, phát sinh từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2022, nhưng xin giãn thời gian. Lý do là, theo quy định tại Công văn 633/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế (Công văn 663) phải xác định nguồn gốc hàng hóa từ F1, F2, F3, sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Công ty cũng chưa nộp các hồ sơ xin hoàn thuế từ tháng 6 năm ngoái đến tháng 3/2023, vì nếu truy xuất nguồn gốc đến tận hộ trồng rừng thì Công ty không thể đáp ứng được.

“Tổng số thuế giá trị gia tăng Công ty đã trả và khai báo với cơ quan thuế từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2023 là 171 tỷ đồng. Chúng tôi đề nghị xin được hoàn thuế giá trị gia tăng từ tháng 1/2022 đến nay với cách kiểm tra hồ sơ hoàn thuế như khi chưa có Công văn 633 của Tổng cục Thuế”, đại diện Cảng Thái Hưng chia sẻ.

Trước khi có Công văn 633, theo ông Thang Văn Thông, cơ quan thuế thực hiện Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp chỉ truy xuất đến người phát sinh thuế.

Nếu tình trạng hoàn thuế giá trị gia tăng còn kéo dài và chưa có hướng xử lý, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng này, tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế giá trị gia tăng để gian lận ngân sách nhà nước, tác động xấu tới các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính. Hoặc có cơ chế/chính sách để doanh nghiệp đóng thuế hộ khâu chế biến gỗ trung gian với mức 1,5% và doanh nghiệp được phép hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan thuế đang yêu cầu truy xuất đến người trồng rừng, do đó, thời gian xác minh rất dài. Chi cục thuế địa phương cũng không có chức năng, quyền hạn đi xác minh việc này, nên phải nhờ đến đơn vị thứ ba, mà ở đây là cơ quan công an”, ông Thông cung cấp thông tin.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, số tiền thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là 6.100 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm thuộc Chi hội Dăm gỗ khoảng trên 4.000 tỷ đồng. Con số ông Thanh Văn Thông nhắc đến là của riêng 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 5/2023 là 1.105 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp hội viên Chi hội Gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỷ đồng; số còn lại khoảng 1.600 tỷ đồng tại các doanh nghiệp viên nén gỗ và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác.

Vấn đề, theo ông Thông, đây là lúc các doanh nghiệp rất cần tiền để ký và thực hiện đơn hàng mới. “Chúng tôi hiểu cơ quan thuế đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng có những lý do riêng, tuy nhiên, những lý do này chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay của doanh nghiệp, rất mong cơ quan thuế nghiên cứu và có ý kiến”, ông Thông đề xuất.

Trước đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có kiến nghị gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, đề nghị rà soát vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành để gỡ khó cho doanh nghiệp. Lo lắng lớn nhất của Hiệp hội là nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện.

Trong báo cáo về tình hình doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 5/2023, phương án chia ra từng giai đoạn 3 tháng, 6 tháng để giải quyết dứt điểm các bộ hồ sơ cho doanh nghiệp đã được đề xuất.

Nhưng, các doanh nghiệp dăm gỗ vẫn chưa yên tâm. “Chúng tôi đã đề nghị Tổng cục Thuế chỉ đạo và hướng dẫn các cục thuế tỉnh và các chi cục thuế cấp huyện tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Đẩy nhanh tiền kiểm các bộ hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đang có lịch hẹn do hiện nay có doanh nghiệp có khoản tiền được hoàn thuế giá trị gia tăng từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng, trong khi lãi suất đi vay ngân hàng thương mại rất cao”, ông Thông trình bày.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị, đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng với doanh nghiệp thương mại thì cho phép hoàn thuế giá trị gia tăng vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì đề nghị thanh/kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Về lâu dài, các doanh nghiệp gỗ đề nghị đưa mặt hàng gỗ ra khỏi nhóm những mặt hàng rủi ro cao trong việc hoàn thuế, vì theo quy định của Luật Lâm nghiệp, gỗ rừng trồng là gỗ hợp pháp.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục