Đưa thương mại điện tử vào nề nếp

0:00 / 0:00
0:00
Đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa vào Chương trình Lập pháp năm 2025, Dự án Luật Thương mại điện tử dự kiến bổ sung quy định về định danh người bán hàng để giảm thiểu tình trạng trốn thuế, gian lận thuế.
Cần sớm ban hành Luật Thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chống thất thu thuế... Ảnh: Lê Toàn Cần sớm ban hành Luật Thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chống thất thu thuế... Ảnh: Lê Toàn

Livestream bán hàng nhiều tỷ đồng, nhưng Nhà nước không thu được thuế

Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy phát triển và quản lý hiệu quả lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện là vấn đề đã được đặt ra nhiều lần tại nghị trường.

Tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2025), trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự sốt ruột về hiệu quả xử lý gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT.

Khi đó, hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc kiểm soát và xử lý hàng giả, hàng nhái trên môi trường trực tuyến luôn gặp khó khăn hơn thương mại truyền thống, vì diện mặt hàng phức tạp, công nghệ tinh vi, lực lượng và phương tiện thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chuyên ngành. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về chế tài với các mô hình bán hàng, quảng cáo mới như livestream hoặc một số hình thức khác.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng nêu giải pháp là khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật TMĐT trình Chính phủ, Quốc hội. Tại luật này, Bộ Công thương đề xuất làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng với các mô hình hoạt động TMĐT và các đối tượng livestream bán hàng.

Cũng tại Kỳ họp thứ chín vừa qua, khi trả lời chất vấn về giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định để định danh các tổ chức, cá nhân có kinh doanh TMĐT.

Dự án Luật TMĐT đã được đề nghị bổ sung vào Chương trình Lập pháp để ban hành ngay trong năm nay. Giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đề cập cũng đã được thể hiện, đó là bổ sung quy định về định danh người bán qua VNeID.

Theo đánh giá của Chính phủ, hệ thống pháp luật về TMĐT còn thiếu tính thống nhất, toàn diện. Với sự xuất hiện của các công nghệ mới, nền tảng mới như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), các mô hình TMĐT ngày càng phức tạp và đa dạng, nhưng hiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt.

Một trong những xu hướng phát triển nhanh chóng của TMĐT là hoạt động livestream bán hàng. Quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động livestream bán hàng giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, mà chưa có quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream (chủ tài khoản, người tham gia livestream), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestream, định danh chủ tài khoản, nghĩa vụ nộp thuế và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestream.

Việc các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của chính sách hiện hành khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chống thất thu thuế... Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc như các phiên livestream bán hàng đạt doanh thu nhiều tỷ đồng, nhưng Nhà nước không thu được thuế, hay hoa hậu quốc tế livestream bán kẹo rau củ, thổi phồng chức năng của sản phẩm, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng và sức khỏe của người tiêu dùng.

Ngoài ra, Chính phủ còn chỉ ra hàng loạt vướng mắc, bất cập từ quy định hiện hành dẫn đến khó khăn trong xác định danh tính người bán, trong việc truy vết và xử lý vi phạm, rủi ro về gian lận và trốn thuế…, cho thấy sự cần thiết phải sớm ban hành Luật TMĐT.

Định danh người bán để giảm thiểu rủi ro

Từ những bất cập nêu trên, chính sách lớn đầu tiên được Chính phủ xác định trong Tờ trình Dự án Luật TMĐT là quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động TMĐT.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, danh tính người bán trên nền tảng số TMĐT chưa được xác định rõ ràng. Tình trạng này có thể khuyến khích hành vi kinh doanh vô trách nhiệm, thiếu đạo đức.

Ngoài ra, người bán hàng chưa được định danh, gây khó khăn trong việc thu thuế. Khi không phải xác thực danh tính, người bán hàng có thể lựa chọn trốn thuế, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Tình trạng này còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp hợp pháp tuân thủ yêu cầu đăng ký và nộp thuế bị bất lợi so với những người bán ẩn danh lách luật. Điều này có thể làm nản tinh thần kinh doanh và đổi mới của doanh nghiệp và người dân, kìm hãm tiến bộ chung của ngành TMĐT.

Thời gian qua, Chính phủ đã xác định giải pháp nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT để định danh người bán trên các sàn TMĐT thông qua VNelD.

Việc nâng cao trách nhiệm của các nền tảng số trung gian TMĐT trong việc triển khai giải pháp định danh người bán sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay các vấn đề về gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng số TMĐT, theo thuyết minh của Chính phủ.

Nội dung của chính sách thứ nhất bao gồm quy định định danh người bán trong nước và trách nhiệm của người bán trong nước. Giải pháp này, theo Chính phủ, sẽ giúp thu thuế hiệu quả hơn, giảm thiểu tình trạng trốn thuế, gian lận thuế, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ở chính sách thứ hai, Chính phủ xác định mục tiêu đầu tiên là bảo vệ chủ quyền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia, giúp ngăn chặn tình trạng thất thu thuế từ các giao dịch quốc tế và chống rửa tiền thông qua kênh TMĐT.

Giải pháp để thực hiện chính sách là quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động TMĐT xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam, trách nhiệm của chủ thể tham gia đầu tư hoạt động TMĐT, đồng thời quy định định danh người bán nước ngoài và trách nhiệm của người bán nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh còn nêu 4 chính sách về quản lý hoạt động TMĐT trên nền tảng mạng xã hội, trách nhiệm và điều kiện hoạt động của nền tảng TMĐT xuyên biên giới có giao dịch tại Việt Nam…, được dự kiến trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối năm nay.

Cần làm rõ nội hàm chính sách

Báo cáo tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cùng Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản tán thành tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự án Luật TMĐT.

Riêng với chính sách quy định loại hình và trách nhiệm của các chủ thể tham gia nền tảng số đa dịch vụ, mạng xã hội có hoạt động TMĐT, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính lưu ý, chính sách này chưa được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Đây là vấn đề mới, phức tạp, khó kiểm soát và có nhiều thách thức đặt ra liên quan đến định danh nguời bán, phạm vi trách nhiệm của người bán, người mua, trách nhiệm của nền tảng số đa dịch vụ, của mạng xã hội có hoạt động TMĐT, cách thức xác định giao dịch và phương thức quản lý giao dịch, thống kê giao dịch làm cơ sở phục vụ công tác thống kê, thu thuế… Chính sách này còn liên quan đến việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp và trách nhiệm của người bán, người quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (theo phương thức livestream) đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó và trách nhiệm liên đới khi có tranh chấp, khiếu nại phát sinh…

Để giải quyết những vấn đề trên, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cần hoàn thiện quy định pháp luật tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng pháp luật về TMĐT.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ phạm vi nội hàm và các quy định dự kiến luật hóa chính sách tại Dự án Luật TMĐT, bảo đảm rõ ràng, đầy đủ, hợp lý, tránh gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, cần làm rõ nội hàm của chính sách “quy định loại hình” đối với nền tảng số đa dịch vụ, mạng xã hội có hoạt động TMĐT tại tên gọi của chính sách này.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao: xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô vào năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng vào năm 2022.

Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) tăng trưởng nhanh, từ 2,97 tỷ USD vào năm 2014, lên mức 25 tỷ USD vào năm 2024, trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn, đóng góp 10% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước vào năm 2023.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục