Thưa bà, ngày 6/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Là người tham gia chắp bút cả 4 phiên bản Nghị quyết 19, bà có thể chia sẻ điều gì mới mẻ trong lần này?
Nội dung Nghị quyết 19-2017/NQ-CP có nhiều điểm mới, bắt nguồn chính từ yêu cầu của Chính phủ với những cải thiện mạnh mẽ hơn về năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM
Phải nhắc lại, Nghị quyết 19 của các năm trước, từ năm 2014 đến 2016, đã tạo nên những thay đổi về điểm số và thứ hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam qua các năm, trên các bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như một số tổ chức xếp hạng quốc tế. Nhưng, cùng thời gian này, thứ hạng của năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lại không tốt lên. Rõ ràng, có những chỉ số về năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện.
Đây là lý do năm nay, Chính phủ yêu cầu các giải pháp hướng tới cải thiện năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, nên các chỉ số liên quan được bổ sung nhiều.
Thêm nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đem đến những đòi hỏi lớn về sáng tạo, nhưng cũng là cơ sở để nâng cao sức lao động, cải thiện thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là thời điểm cần phải nhấn mạnh vai trò của chính phủ điện tử…
Điều quan trọng là, khi các yếu tố về năng lực sáng tạo được cải thiện, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn phát triển cao hơn, dựa vào đổi mới và sáng tạo, thay vì dựa vào vốn, tài nguyên, lao động như hiện tại.
So với các nghị quyết 19 trước, danh mục các đầu việc lần này rất dài!
Nghị quyết 19-2017 đưa ra tới 250 chỉ tiêu liên quan đến môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh và chính quyền điện tử. Các phiên bản trước chỉ nhấn mạnh tới 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh theo Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của WB.
Điều tôi muốn nói là, các chỉ tiêu này được phân định theo các nhiệm vụ và cơ quan thực thi. Nghĩa là, mỗi chỉ tiêu đều sẽ ứng với trách nhiệm các bộ, ngành cụ thể, cơ quan nào là chủ trì, cơ quan nào là phối hợp. Cách thức này sẽ khiến việc xác định trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện các chỉ tiêu rõ nét hơn.
Cũng có điểm mới là trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành cũng được xác định rõ nét hơn, gắn với các chỉ tiêu cụ thể, chứ không chung chung như những nghị quyết 19 trước. Cùng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm, trong cuộc họp Chính phủ ngay sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu, chúng tôi tin là các bộ, ngành sẽ vào cuộc tích cực.
Trên thực tế, có nhiều đầu việc được giao khá cụ thể trong các nghị quyết 19 trước, nhưng chưa được thực hiện và cũng chưa có những chế tài mạnh mẽ, thưa bà?
Trong các báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết 19 của các năm, chúng tôi đều nêu rõ các bộ, ngành, địa phương chậm triển khai, triển khai thiếu hiệu quả hoặc có tính đối phó. Trong các cuộc họp Chính phủ, tên tuổi các bộ, ngành, địa phương này cũng đã được nhắc tới.
Trong Nghị quyết 19-2017, cũng có yêu cầu kiểm tra, giám sát, để đảo bảo thực thi hiệu quả hơn. Tuy vậy, có lẽ cũng cần có chế tài mạnh mẽ hơn, như các công văn nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương chậm triển khai, hoặc không hiểu quả… của Văn phòng Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm để đảm bảo hiệu quả.
Cũng phải nói thêm, so với những năm trước, các bộ, ngành đã vào cuộc khá mạnh. Nhiều bộ, ngành chủ động liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cung cấp thông tin, tìm hiểu các phương pháp luận… Các bộ đã có xu hướng nhìn thấy các điển hình tốt để học tập. Thời gian vừa qua, Bộ Công thương thay đổi mạnh mẽ, cũng tạo áp lực thay đổi cho các bộ khác. Mới đây, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã mời chuyên gia đến trình bày, chứ không chỉ ở cấp chuyên viên như trước.
Khi lãnh đạo các bộ đã quan tâm hơn, tôi tin là sẽ tạo đà cho sự thay đổi trong từng cơ quan, cũng như lan tỏa tới các bộ khác.
Với các doanh nghiệp thì sao, thưa bà?
Chúng tôi cảm nhận được rõ nét sự tin tưởng hơn của doanh nghiệp khi phản ánh các vấn đề của họ. 3 năm qua, các doanh nghiệp đã nhìn thấy các ý kiến, kiến nghị của họ tới được Chính phủ, được giải quyết, nên họ chủ động chia sẻ thông tin, gửi các vướng mắc đến chúng tôi.
Nhưng còn một số vấn đề ở cấp địa phương. Hiện có một số địa phương lớn, như Hà Nội, Quảng Ninh, khá chủ động trong việc tìm hiểu Nghị quyết 19 để có những kế hoạch hành động phù hợp. Nhưng phần lớn các địa phương vẫn chưa chủ động. Có thể họ chưa hiểu hết nội hàm của các chỉ tiêu này, những tác động cụ thể của chúng. Đây là phần việc của các bộ được giao chủ trì các vấn đề.
Với các động thái hiện tại, cộng với quyết tâm rất lớn của người đứng đầu Chính phủ, tôi tin vào hiệu quả thực tiễn của Nghị quyết 19-2017.