Là cầu nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm với cơ quan quản lý, ông đánh giá ra sao về các “bước tiến” của Nghị định 73/2016/NĐ-CP?
Năm 2016, thực hiện chủ trương của Chính phủ - quy định rõ những điều kiện kinh doanh ở cấp thông tư phải đưa lên cấp nghị định và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai áp dụng, Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành. Nghị định này thay thế cùng lúc cả 4 Nghị định gồm: Nghị định 45/2007/NĐ-CP, Nghị định 46/2007/NĐ-CP, Nghị định 123/2011/NĐ-CP và Nghị định 68/2014/NĐ-CP.
Có thể thấy, Nghị định 73/2016/NĐ-CP là một sự rút gọn đáng kể, loại bỏ được tính rườm rà, phân tán, tạo sự thống nhất và thuận tiện cho việc theo dõi và thực hiện các quy định.
Ngoài ra, Nghị định 73/2016/NĐ-CP đã giải quyết được nhiều bất cập của thị trường. Ví dụ, Nghị định này quy định Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm và Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi văn bản phê chuẩn sản phẩm và sản phẩm bảo hiểm đến Bộ Công thương để thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước đây, theo Quyết định 35/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp bảo hiểm phải gửi hồ sơ đăng ký sản phẩm, hợp đồng mẫu đến cả Bộ Công thương để được phê chuẩn.
Nghị định 73/2016/NĐ-CP có một số sửa đổi, quy định mới như: sửa đổi quy định về đầu tư cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu chính quyền địa phương, chứng chỉ quỹ; sửa đổi một số quy định liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin, về tái bảo hiểm (nâng mức trách nhiệm giữ lại, quy định tỷ lệ tối đa nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định), về đại lý; bổ sung quy định về dự phòng đảm bảo lãi suất cam kết, dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm sức khoẻ, tái bảo hiểm…
Ông Ngô Trung Dũng
Nhìn rộng hơn, ông nhìn nhận thế nào về những thành tựu đạt được từ sự cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong suốt thời gian qua?
Khách quan nhìn nhận, có thể thấy hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được cải thiện rất nhiều, góp phần đáng kể vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm.
Văn bản luật khung điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm là Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, kèm theo đó là các nghị định của Chính phủ hướng dẫn luật, thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn nghị định. T
hành tựu của công tác xây dựng văn bản hướng dẫn luật là sự ban hành kịp thời và có hệ thống, sẵn sàng thay đổi, điều chỉnh để bắt kịp với những thay đổi của nền kinh tế - xã hội và thực tế thị trường bảo hiểm.
Thành tựu nổi bật của việc ban hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP, theo đánh giá của cá nhân tôi, là việc “hợp nhất” được các văn bản pháp quy (như trên đã đề cập), ngoài ra còn thể hiện được mục tiêu vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ của Nhà nước, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển ổn định. Chưa kể, các văn bản này còn tạo được tính đồng bộ giữa hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm với các văn bản pháp quy ở những lĩnh vực khác.
Cụ thể, các văn bản pháp quy chuyên ngành bảo hiểm đã không ngừng tạo sự thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, để tạo sự thông thoáng trong việc áp dụng, nhiều quy định về quản lý đã chuyển từ kiểm soát trước sang kiểm soát sau.
Chẳng hạn, nếu như trước đây để được thành lập và hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm hay chi nhánh, văn phòng đại diện cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thì mới được cấp giấy phép, nhưng sau này, một số quy định đã chuyển sang kiểm soát sau, sẽ xử phạt nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các quy định. Một số quy định khá thông thoáng như không hạn chế về số lượng chi nhánh, bỏ yêu cầu khi mở thêm chi nhánh phải tăng vốn…
Ngoài ra, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng đã được điều chỉnh theo hướng giảm thời gian xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, được các doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá cao.
Bên cạnh đó cũng có những quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước, mục đích là để doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định. Ví dụ, sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới hiện nay phải đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí trước khi triển khai; các doanh nghiệp phải tách quỹ chủ sở hữu, quỹ chủ hợp đồng; người được bảo hiểm muốn nợ phí phải yêu cầu có tài sản đảm bảo; yêu cầu bắt buộc phải đồng bảo hiểm trên đơn; đại lý 3 năm không hoạt động phải thi lại chứng chỉ…
Về việc tạo được tính đồng bộ giữa hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm với các văn bản pháp quy ở những lĩnh vực khác, ông có đánh giá gì?
Đầu tiên, việc bỏ chương hợp đồng bảo hiểm trong Bộ luật Dân sự 2015 đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm, tránh được những chồng chéo trong việc áp dụng quy phạm pháp luật, đặc biệt là khi đưa ra xét xử tranh chấp tại tòa án.
Nhiều quy định trong Nghị định 73/2016/NĐ-CP trước khi được ban hành đã được chỉnh sửa để phù hợp với các quy định trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nổi bật nhất là việc nhất quán với Luật Bảo vệ người tiêu dùng khi không bắt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải báo cáo cùng lúc với Bộ Tài chính và Bộ Công thương.
Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm cũng được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế và những cam kết khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cơ quan quản lý đã kịp thời có những quy định về việc bán sản phẩm bảo hiểm qua biên giới, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam, tiêu chuẩn của chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và biên khả năng thanh toán…