“Mượn gió bẻ măng”
“Lâu nay, các đội lái thường tìm cách lái giá nhóm cổ phiếu penny, bởi thị giá và mức vốn hóa thấp, thanh khoản kém. Lái theo chiêu cũ này tuy dễ, nhưng hay bị lộ. Lái giá cổ phiếu blue-chip hiếm khi xảy ra, bởi các đặc tính ngược lại với nhóm cổ phiếu penny. Nhưng khá bất ngờ là diễn biến trên thị trường gần đây có dấu hiệu lái giá một số cổ phiếu blue-chip như: VNM, FPT, sau khi Chính phủ phát tín hiệu sẽ thoái hết vốn nhà nước tại các DN này”, tổng giám đốc một CTCK chia sẻ với ĐTCK.
Khác với chiêu lái giá cũ đã bị “bắt bài”, chiêu lái giá cổ phiếu blue-chip vừa qua được đội lái tiến hành khá thật, đồng nghĩa NĐT dễ sập bẫy hơn. Cụ thể, trên lộ trình kéo giá, chẳng hạn VNM có giá trên dưới 100.000 đồng/CP ở thời điểm cuối tháng 10, đội lái chưa vội xả hàng khi mức giá tăng lên trên dưới 130.000 đồng/CP vào đầu tháng 11.
Thực tế, trước khi có thông tin Nhà nước sẽ thoái vốn, khối lượng giao dịch 2 cổ phiếu trên phổ biến là vài trăm nghìn đơn vị/phiên. Tuy nhiên, gần đây liên tiếp xuất hiện các lệnh mua, bán lớn, khiến khối lượng khớp lệnh đạt hàng triệu đơn vị trong nhiều phiên. Giá các cổ phiếu blue-chip, đặc biệt là VNM tăng đột biến trong thời gian ngắn, trong khi DN không có thông tin về kết quả kinh doanh đột biến, hay các thông tin khác “đáng đồng tiền bát gạo” giúp giá tăng cao. Trên thị trường có những khuyến nghị mua vào VNM và FPT…
Môi giới tại một số CTCK cho rằng, đội lái đã “mượn gió bẻ măng” để “lái giá” cổ phiếu blue-chip. Sau khi Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái hết vốn Nhà nước tại 10 công ty, trong đó có VNM và FPT, nắm bắt nhu cầu của NĐT sẽ tìm cơ hội mua vào các loại cổ phiếu này để đón đầu cơ hội khi Nhà nước thoái vốn, cũng như khả năng nới room, cho phép khối ngoại nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tại DN nhằm nâng cao hiệu quả thoái vốn cho Nhà nước, đội lái đã chớp thời cơ ra tay. Tuy các cổ phiếu này có vốn hóa và thanh khoản cao, nhưng do lượng cổ phiếu mà các cổ đông mua và nắm giữ lớn, lượng cổ phiếu giao dịch hàng ngày không nhiều, nên đội lái có cửa ra chiêu.
Khác với chiêu lái giá cũ đã bị “bắt bài”, chiêu lái giá cổ phiếu blue-chip vừa qua được đội lái tiến hành khá thật, đồng nghĩa NĐT dễ sập bẫy hơn. Cụ thể, trên lộ trình kéo giá, chẳng hạn VNM có giá trên dưới 100.000 đồng/CP ở thời điểm cuối tháng 10, đội lái chưa vội xả hàng khi mức giá tăng lên trên dưới 130.000 đồng/CP vào đầu tháng 11.
“Xả hàng ngay là chiêu cũ, dễ bị lộ, nên các đội lái tiếp tục đẩy giá VNM lên 137.000 đồng/CP (phiên 13/11) và đạt đỉnh 140.000 đồng/CP ở phiên sau đó (16/11). Chiêu này vừa có cơ hội thu hút thêm NĐT mới, vừa giúp họ vững dạ ‘lên tàu’. Sau đó, đội lái đợi giá giảm 10 - 15%, thậm chí sâu hơn mới từ từ ra hàng”, môi giới có kinh nghiệm tại một CTCK nói và cảnh báo, với chiêu kéo giá cổ phiếu tăng đến chóng mặt trong thời gian ngắn, tăng tới 40 - 50% tính từ thời điểm bắt đầu “lái giá”, các đội lái thường cho giá giảm 20 - 30% mới ra hàng.
Khi đó, tạo cảm giác giá cổ phiếu rất rẻ so với đỉnh, nên thu hút NĐT vào hàng, đây là lúc đội lái lặng lẽ ra hàng. Trong khi đó, NĐT nghĩ ôm được hàng rẻ, nên khi thấy cổ phiếu giảm giá thêm, lại tiếp tục ôm để bình quân giá, càng tạo thêm “đất” cho đội lái ra hàng.
Lỗ lớn vì đu theo đội lái
Tin từ một số CTCK cho biết, trong đợt VNM, FPT lên giá vừa qua, không ít NĐT ôm được hàng rẻ hơn 15 - 20% so với mức giá đỉnh, nhưng tài khoản đang bị âm. Có NĐT không kiên nhẫn đã cắt lỗ, vì sử dụng margin và nhận thấy đà lao dốc của VNM có thể còn tiếp diễn.
Không chỉ NĐT ngậm “trái đắng” vì lỡ đu theo giá VNM, FPT, mà VN-Index cũng chịu vạ lây. Liên tiếp trong báo cáo tổng kết giao dịch hàng ngày của các CTCK đều chỉ mặt cổ phiếu VNM là “thủ phạm” chính khiến VN-Index lao dốc và xuyên thủng mốc 600 điểm.
Đồng hành với VNM tăng từ 110.000 đồng/CP lên đỉnh 140.000 đồng/CP, VN-Index tăng từ 590 điểm lên 610 điểm. Ngược lại, khi VNM liên tục giảm giá trong những phiên gần đây (phiên 25/11 đóng cửa ở mức 125.000 đồng/CP), VN-Index tụt xa hơn so với mốc 600 điểm. Chỉ tính riêng 2 phiên giao dịch ngày 23 - 24/11, trong số 5 cổ phiếu tác động mạnh nhất làm giảm VN-Index, thì VNM đều đứng ở vị trí thứ nhất với tỷ lệ lần lượt là -3,05% và -3,15%.
Vòng xoáy lao dốc của VNM khiến không ít cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như: BVH, VIC, CTG giảm giá theo, càng tăng áp lực rớt điểm của VN-Index. Đáng chú ý, nhiều phiên gần đây, khối ngoại liên tiếp bán ròng, động thái chưa từng xảy ra trong nhiều tháng qua.
Không ít lần, sau những thông tin đồn đoán về nghi án “lái giá” một số cổ phiếu, một thời gian sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố quyết định xử phạt một số đối tượng vi phạm. Với nghi án “lái giá” cổ phiếu lần này, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu, NĐT đang chờ đợi cơ quan quản lý vào cuộc làm rõ nghi ngờ đang phổ cập trên thị trường.