Tâm điểm VNM, FPT
Trong những ngày qua, thị trường tiếp tục đón nhận thêm thông tin kinh tế tích cực để hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm. Nhờ sản lượng tăng, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng lên 50,1 điểm trong tháng 10, từ mức 49,5 điểm của tháng 9, cho thấy sự hồi phục nhẹ của hoạt động sản xuất. Việc PMI vượt qua ngưỡng 50 cho thấy sự thu hẹp của hoạt động sản xuất trong tháng 9 có thể chỉ là tạm thời.
Trong một diễn biến khác, PMI của Nhật Bản ghi nhận ở mức 52,4 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, do lượng đơn đặt hàng mới trong nước cũng như đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều tăng. Hoạt động sản xuất của Nhật Bản tăng trưởng mạnh có thể là tín hiệu cho sự phục hồi của nền kinh tế nước này cũng như sự cải thiện về nhu cầu tiêu dùng. Đây là tín hiệu tốt cho Việt Nam khi Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tuy vậy, tâm điểm của thị trường tuần này vẫn đến từ cổ phiếu VNM. Cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số VN-Index này bất ngờ tăng mạnh trong phiên sáng ngày 3/11 với thông tin về việc Fraser & Neave (F&N), cổ đông ngoại lớn nhất của VNM, chào mua số cổ phiếu VNM mà SCIC đang nắm giữ với trị giá 4 tỷ USD, cao hơn 40% so với thị giá hiện tại.
Mặc dù sau đó, F&N đã đính chính thông tin trên bằng việc gửi văn bản thông báo đến Sở GDCK Singapore cho biết, Công ty chưa gửi bất kỳ đề nghị nào tới SCIC hay VNM về việc mua lại cổ phần, giá đóng cửa của VNM vẫn tăng 5% ngày hôm đó và tiếp tục duy trì đà tăng cho đến hôm qua.
Cùng nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC với VNM, cổ phiếu FPT cũng đón nhận lực cầu mạnh để thiết lập mức đỉnh cao nhất kể từ năm 2009 tại 53.500 đồng/cổ phiếu (đã tính đến sự điều chỉnh giá khi chia cổ tức và/hoặc phát hành thêm cổ phiếu). Đáng chú ý, hai cổ phiếu hết room ngoại này cũng ghi nhận giao dịch thỏa thuận giữa các NĐT nước ngoài phiên 4/11 lớn, với hơn 800 tỷ đồng đối với VNM và gần 140 tỷ đồng đối với FPT.
Với cảm hứng từ VNM và FPT, các chỉ số chứng khoán sàn HOSE đã có xu hướng tăng điểm khá tốt trong những phiên vừa qua với mức tăng hơn 2% đối với VN-Index và VN30. Tuy vậy, lực cầu tại các vùng giá cao đang có dấu hiệu chững lại khi chỉ số HNX-Index, với hai nỗ lực tăng giá trong tuần, vẫn chưa chinh phục được kháng cự quan trọng tại 82,5 - 83 điểm của đường trung bình động MA200 ngày. Như chúng tôi đã đề cập, với nền tảng thanh khoản hiện tại của hai sàn, NĐT chưa thể kỳ vọng vào một sự tăng giá trên diện rộng.
Thay vào đó, một kịch bản phân hóa mạnh với các cổ phiếu chủ chốt luân phiên tăng điểm để nâng đỡ chỉ số sẽ có xác suất xảy ra cao hơn. Bên cạnh đó, các chỉ số của thị trường sẽ biến động theo mẫu hình zigzag, vừa lên vừa củng cố với những phiên tăng, giảm xen kẽ.
HNX-Index nếu vượt 83 điểm sẽ củng cố đà tăng
Trên quan điểm phân tích kỹ thuật, thị trường hiện tại nằm trong xu hướng tăng khi các chỉ số hai sàn như VN-Index hay HNX-Index đang giao dịch phía trên của các đường trung bình động ngắn hạn như MA5 hay MA10 ngày. Tuy nhiên, lực cầu đang tỏ ra thận trọng hơn khi HNX-Index đang tiệm cận kháng cự mạnh tại vùng 82,5 - 83 điểm.
Chỉ số động lượng RSI của HNX-Index có chiều hướng giảm dần cho thấy, sức mua của sàn HNX có dấu hiệu yếu đi. Diễn biến tâm lý trên sàn HOSE tích cực hơn khi được các trụ như VNM, FPT, BVH… nâng đỡ, nhưng để thị trường tiếp tục tăng điểm thì rất cần sự tiếp sức của dòng tiền đầu cơ.
Nếu HNX-Index đi ngang dưới kháng cự quá lâu, tâm lý thị trường sẽ bị ảnh hưởng xấu và có thể dẫn đến một nhịp điều chỉnh giảm chung của chỉ số hai sàn. Do đó, chúng tôi cho rằng, để giúp VN-Index chinh phục những mục tiêu như 640 điểm hay cao hơn, HNX-Index cần sớm đưa ra một tín hiệu break-out dứt khoát ra khỏi đường MA200 ngày.