Nghề tư vấn và môi trường kinh doanh Việt Nam

(ĐTCK) Là người làm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật thuế và đầu tư cho các công ty nước ngoài gần 20 năm, cảm nhận của người viết về sự thay đổi môi trường kinh doanh của Việt Nam trong từng đó thời gian thật vô cùng rõ nét.
Nghề tư vấn và môi trường kinh doanh Việt Nam

Còn nhớ, những năm đầu làm nghề, câu nói cửa miệng khi tư vấn khách hàng là “vấn đề này còn chưa rõ, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng và thực tiễn để có ý kiến tư vấn cụ thể cho công ty”. Cũng dễ hiểu, bởi trong thời gian đầu mở cửa hội nhập, không thể một sớm một chiều mà Việt Nam có thể đáp ứng và điều chỉnh khung luật pháp kịp thời cho các tình huống đa dạng mới phát sinh.

Cùng với thời gian và sự hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống luật pháp của Việt Nam đã có những cải cách căn bản, đôi lúc có tính đột phá, để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Song song với việc ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hệ thống pháp luật thuế cũng được cải thiện đáng kể. Theo đó, nhà đầu tư trong và ngoài nước có một sân chơi chung thực sự bình đẳng cả về mặt luật pháp, thuế và tài chính.

 

Nghề tư vấn và môi trường kinh doanh Việt Nam ảnh 1

 

Bà Hương Vũ là Phó tổng giám đốc, phụ trách Dịch vụ Thuế và tư vấn của Ernst&Young Vietnam. Bà Hương đã có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn thuế. Trước đây, bà Hương đã có 9 năm làm giảng viên kế toán tại Đại học Hàng Hải.  

Bà cũng là một chuyên gia trong việc tư vấn soát xét đầu tư và thuế quốc tế trong các lĩnh vực tối ưu hóa thuế hay chuyển giá.

Nhìn chung, các cải cách về chính sách đều hướng tới sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Các quy định đã rõ ràng, minh bạch và cũng chặt chẽ hơn, hàng loạt thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đồng thời trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình. Đơn cử như trong lĩnh vực thuế, cơ chế tự khai tự nộp tạo ra nhiều tiện lợi cho người nộp thuế, đồng thời cũng kiểm soát chặt chẽ hơn việc thu và nộp thuế và giảm thất thu ngân sách nhà nước. Đây cũng là cơ chế mà các nước phát triển trên thế giới đang áp dụng.

Bên cạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, Việt Nam đã và đang thí điểm thực hiện việc hiện đại hóa các thủ tục hành chính như chính sách về hải quan điện tử, hay hệ thống kê khai nộp thuế qua mạng internet, v..v… Những cơ chế mới này, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.

Trong khi cải cách hệ thống chính sách theo hướng chuẩn hóa, Chính phủ vẫn cân nhắc những trường hợp đặc biệt cần có những hướng dẫn, điều chỉnh riêng phù hợp nhằm đảm bảo thu hút các nhà đầu tư lớn.

Những nỗ lực trên của Chính phủ trong việc cải cách hệ thống chính sách đã làm nền cho thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Người làm tư vấn không còn quá lệ thuộc vào câu cửa miệng ngày xưa là “vấn đề này còn chưa được luật điều chỉnh”, thay vào đó là sự tự tin hơn khi trích dẫn văn bản và các tình huống thực tiễn đã được xử lý. Mặc dù vậy, dường như thách thức đang chuyển dần từ khâu lập pháp sang khâu hành pháp.

Bắt nguồn từ các nguyên nhân khác nhau, một số cán bộ địa phương vẫn chưa thực sự làm tròn trách nhiệm của mình một cách công tâm, gây ra những khó khăn không cần thiết cho nhà đầu tư. Cái khó của người làm tư vấn giờ đây lại trở thành “vấn đề này theo quan điểm và đạo lý của luật pháp là thuận lợi, tuy nhiên việc dịch luật của các cơ quan địa phương thường thiếu thống nhất và có nhiều khả năng sẽ không được chấp nhận”.

Tuy nhiên, để tìm lại câu trả lời thỏa mãn các nhà đầu tư, chi phí và thời gian bỏ ra để khiếu nại thường vượt xa lợi ích đem về và do vậy, trong rất nhiều trường hợp, ngậm bồ hòn làm ngọt lại là phương cách hiệu quả nhất.

Đã hơn 25 năm Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, hơn 5 năm gia nhập WTO, bên cạnh các cố gắng của Việt Nam đã được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận, thì kỳ vọng và đòi hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh thuận lợi ngày một khắt khe hơn, đặc biệt khi họ có nhiều sự lựa chọn khác từ các thị trường mới nổi.

Thay đổi tư duy và cách làm bao giờ cũng là một thử thách lớn. Để tạo một động lực cho sự thay đổi đó, nên chăng có một kênh thông tin độc lập cho phép doanh nghiệp được phản ảnh có trách nhiệm những vướng mắc và bất hợp lý từ các cơ quan hành pháp địa phương.

 Đường dây nóng này cần có tính độc lập tương đối và tập hợp các chuyên gia có chuyên môn cao, am hiểu về pháp luật để có thể đưa ra những kết luận khách quan, dung hòa được lợi ích của chính phủ và doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, cơ quan này sẽ là nơi tổng hợp những vấn đề mà luật pháp chưa thực sự phù hợp với thực tế, trên cơ sở đó để đề xuất những điều chỉnh kịp thời, hoàn thiện hơn các văn bản pháp luật hiện hành.

Gần 20 năm trong nghề, đi cùng với bao thăng trầm của chính sách và của chính cái nghiệp tư vấn, ước mơ của người làm tư vấn từ ngày đầu vẫn thật đơn giản. Đấy là có thể tự tin nói với khách hàng “vấn đề này luật đã quy định khá rõ ràng, chúng tôi sẽ giúp công ty đạt được đầy đủ các ích lợi mà luật pháp cho phép”. Quãng đường để đạt đến ước mơ đơn giản đó dường như vẫn không phải một sớm một chiều… 

 

Hương Vũ
Hương Vũ

Tin cùng chuyên mục