Nhưng ngay cả giới chuyên môn và các tín đồ đam mê mỹ thuật cũng không khỏi choáng ngợp với kỹ nghệ “chăn” đàn trâu 1010 con của anh. Mạch nguồn tạo nên dòng chảy sáng tạo mãi dâng trào trong anh chính là khát khao đưa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam phủ khắp năm châu.
Coi tác phẩm như con
Đến Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) những ngày cuối năm, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng đàn tượng trâu 1010 con được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát “chăn” ở không gian làng cổ.
Các chú trâu đều được làm thủ công hoàn toàn. Mỗi chú trâu là một “phiên bản” độc nhất vô nhị với những đường nét, hoa văn, màu sắc, kích thước khác biệt và mang khí chất riêng. Nếu như chú “Trâu thực” thuần nông có đôi sừng khỏe mạnh, thì “Trâu cổng làng” lại ngộ nghĩnh, đáng yêu với tạo hình mái đình, cổng làng, gắn với bóng dáng làng quê Việt Nam. Trong khi đó, chú “Trâu hóa rồng” gửi gắm những hy vọng trong năm Tân Sửu, khi cả nhân loại đã đi qua năm Canh Tý đầy khó khăn, vất vả.
Ý tưởng “nhào nặn” 1010 tượng trâu sơn mài khắc hoa văn cổ của Việt Nam được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lên kế hoạch từ khi tác phẩm “Trâu hoa Lạc Việt” của anh đạt giải cao nhất nhóm sơn mài trong Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020, đúng dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
“Từ bao đời nay, con trâu là đầu cơ nghiệp và cũng là người bạn thân thiết của nông dân Việt Nam. Bởi thế, năm Tân Sửu, tôi muốn gửi gắm tất cả tình yêu, đam mê của mình vào 1010 chú trâu đa sắc màu. Tôi coi mỗi tác phẩm là một đứa con mà mình mang nặng đẻ đau, ngày đêm chăm chút từng nét khắc, phủ từng mảnh sơn mài”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Anh bảo, mỗi “đứa con”, nhanh thì vài ngày, lâu thì cả tháng mới “chào đời”, vì phải trải qua hàng chục công đoạn, từ lên ý tưởng, đến đục, đẽo tạo dáng cho khối gỗ, rồi phủ lên nhiều lớp sơn, đánh bóng, khảm trai, vẽ tạo phần hồn…
Nhọc công là thế, nhưng người nghệ nhân làng cổ chưa bao giờ vơi nhiệt huyết. Anh miệt mài tạo tác đàn trâu với mong muốn thổi luồng sinh khí mới cho du lịch làng cổ Đường Lâm, để du khách tới đây có thêm thứ để ngắm, có thêm món quà độc đáo mua về trưng bày hay làm quà tặng. “Đó cũng là cách tôi tỏ lòng tri ân với mảnh đất quê hương, nơi mình sinh ra, lớn lên và lập nghiệp”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát trải lòng.
Mỗi chú trâu của Nguyễn Tấn Phát là một “phiên bản” độc nhất vô nhị với những đường nét, hoa văn, màu sắc, kích thước khác biệt và mang khí chất riêng. |
Không sao chép tác phẩm của chính mình
Sáng tạo nghệ thuật để tri ân, nên nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát luôn dành cả trái tim, khối óc và sự tử tế cho tác phẩm, ngay từ khâu chọn nguyên liệu. “Tôi chọn gỗ, tận dụng vỏ trứng, vỏ trai để khảm, trang trí cho những ‘đứa con’ của mình, như một cách để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường”, anh Phát nói.
Từ những khúc gỗ, vỏ trứng, vỏ trai, đôi tay “phù thủy” của nghệ nhân tuổi Hợi không chỉ phù phép ra những chú trâu mang hoa văn độc đáo, giàu bản sắc Việt, mà còn có công năng sử dụng trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày như để cắm hoa, đựng kỷ vật, đựng đồ quý giá… Thế nên, những “đứa con” của anh mang giá trị kinh tế cao, giá bán từ 1,5 đến 10 triệu đồng mỗi con.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, anh tạo tác đàn trâu đông đúc như vậy để những người yêu mỹ thuật thưởng thức, chứ không phải muốn “lấy thành tích” hay kinh doanh thuần túy. “Mỗi ‘đứa con’ về với chủ mới, tôi đều rất luyến tiếc, vì chúng là duy nhất. Với tôi, làm 2 con trâu giống nhau còn khó hơn khác nhau. Bởi tạo mẫu sản phẩm sơn mài khảm trai dường như đã ăn vào máu thịt, là bản năng của tôi. Tôi không bao giờ muốn sao chép tác phẩm của chính mình”, nghệ nhân tài hoa bộc bạch.
Gần 20 năm làm nghề, cứ mỗi độ xuân về, xưởng nghệ thuật của họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lại rộn ràng, nhộn nhịp. Mùi mùn gỗ hăng hắc, tiếng cóc cách đục đẽo trầm bổng như tấu nhạc. Anh đều đặn tạo tác con giáp của năm để thỏa đam mê và sức sáng tạo. Thế nên, trong gian trưng bày của nghệ nhân làng cổ sắp đặt vô số tượng, tranh 12 con giáp vui tươi, ngộ nghĩnh, độc đáo.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất hai vua Sơn Tây (Hà Nội), từ nhỏ, Nguyễn Tấn Phát đã đam mê hội họa. Phát vẽ mọi lúc, mọi nơi, vẽ bằng mảnh ngói vỡ trên tường đất, vẽ bằng cọng que trên cát, lên mặt đường... Năng khiếu vẽ cùng tình yêu, niềm đam mê học hỏi nghệ thuật truyền thống được chắp cánh thăng hoa khi Phát thi đậu Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, chuyên ngành sơn mài.
Các nghệ nhân giỏi nghề, nhưng lại hạn chế ở khâu sáng tạo ra mẫu sản phẩm. Còn các họa sĩ dù giàu tính sáng tạo, nhưng đôi khi quá bay bổng, thiếu thực tế, không am hiểu chất liệu. Tôi vừa là họa sĩ, vừa là nghệ nhân, nên luôn khát khao được sáng tạo để làm phong phú cho nền thủ công mỹ nghệ nước nhà, để các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam vươn ra thế giới.
Họa sĩ, nghệ nhân, doanh nhân Nguyễn Tấn Phát
Ngay khi còn là sinh viên, Phát đã làm việc cho các cửa hàng trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ ở khu phố cổ Hà Nội. Thời gian rảnh, anh về làng sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) xin học nghề từ các nghệ nhân kỳ cựu.
Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Tấn Phát đã có vốn nghề và kiến thức kinh doanh kha khá. Anh mở Công ty Dola tại quê nhà (Sơn Tây, Hà Nội), chuyên làm tranh, đồ gia dụng, đồ trang sức khảm trai, sơn mài, quà lưu niệm.
“Trăn trở tìm hướng đi sau khi ra trường, tôi quyết tâm làm nghệ thuật, nhưng vẫn phải đảm bảo tạo ra giá trị vật chất để đỡ đần kinh tế cho bố mẹ và lo cho bản thân. Nhờ được tiếp xúc với nhiều khách du lịch từ khi còn làm thợ ở khu phố cổ, nên tôi chú trọng thiết kế các sản phẩm lưu niệm, trang sức nhỏ gọn. Đó cũng là sản phẩm chủ lực của Công ty hiện nay”, CEO Nguyễn Tấn Phát hồi nhớ.
Tạo ra được sản phẩm đẹp đã khó, đưa được sản phẩm tới tay người tiêu dùng còn khó hơn. Những ngày đầu khởi nghiệp, Phát phải chật vật ký gửi sản phẩm vào các cửa hàng bán lẻ đồ lưu niệm trên khu phố cổ Hà Nội. Trong khoảng thời gian đó, anh kiên nhẫn, say mê tìm tòi “chất” nghề của sơn mài qua các họa sĩ, nghệ nhân khắp nơi. Với khả năng nắm bắt xu hướng thị trường nhanh nhạy, Nguyễn Tấn Phát đã tạo ra những dòng sản phẩm độc đáo có giá trị kinh tế cao, khác biệt so với những sản phẩm sơn mài được “sản xuất” hàng loạt trên thị trường.
Năm tháng lăn lộn là tháng năm Phát trưởng thành, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài có tính đặc thù mang thương hiệu Nguyễn Tấn Phát dần chiếm lĩnh thị trường. Các đơn hàng cứ thế nhiều lên…
Khát khao làm giàu cho nền thủ công mỹ nghệ
Bên cạnh việc sản xuất các mặt hàng quà lưu niệm, trang sức số lượng lớn để “lấy ngắn nuôi dài”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát không ngừng sản sinh những tác phẩm giàu tính nghệ thuật. Anh tâm niệm: “Phải yêu nghệ thuật hết lòng, sẵn sàng đánh đổi thời gian, tiền bạc, kiên định với lựa chọn ban đầu, thì mới có thể vững bước trên con đường dài đầy chông gai, thử thách này”.
Quả thật, phải yêu nghệ thuật sơn mài đến nhường nào, thì “phù thủy” Nguyễn Tấn Phát mới có thể tạo ra những “đứa con” mang trong mình sự cộng hưởng đồng điệu của mỹ thuật hiện đại và mỹ nghệ sơn mài thủ công truyền thống của dân tộc. Không chỉ được tạo nên từ những chất liệu truyền thống và thân thiện với môi trường, các tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát có mẫu mã, kiểu dáng biến hóa đa dạng và ngày càng tinh tế, mang đậm bản sắc Việt Nam. Đó là “chìa khóa” giúp nghệ nhân làng cổ “mở cửa”, ghi vào lòng khách hàng những ấn tượng sâu đậm.
Thế nên, giờ đây, các sản phẩm đồ lưu niệm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát không chỉ có mặt tại các đại lý lớn ở những khu du lịch trên cả nước, mà còn được bán trên các trang thương mại điện tử xuyên quốc gia. Đơn hàng đều đặn được xuất sang các thị trường khó tính “khét tiếng” như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Mỹ, Đức…
CEO Nguyễn Tấn Phát cũng rất chú ý tới việc định vị thương hiệu doanh nghiệp. Bất kỳ sản phẩm nào của anh bày bán trên thị trường cũng đều được dán tem của Công ty Dola.
Từ năm 2010 đến nay, Nguyễn Tấn Phát liên tục được nhận những giải thưởng uy tín của Hà Nội và nhiều địa phương, trong đó phải kể đến giải cao nhất tại Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội các năm 2014, 2019, 2020... Không những thế, anh còn rất nỗ lực truyền nghề, truyền lửa đam mê cho các họa sĩ trẻ trên quê hương, cũng như phát triển doanh nghiệp để mang lại việc làm cho lao động tại địa phương. Năm 2017, ở tuổi 34, CEO Nguyễn Tấn Phát đã vinh dự được UBND TP. Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu vỡ vụn, du lịch đóng băng. Cũng như bao doanh nghiệp khác, Dola gặp khó khăn, đọng vốn cả tỷ đồng vì không xuất được hàng ra nước ngoài. Nguyễn Tấn Phát mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ về nguồn vốn và thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp đầu tư mạnh cho sản xuất và mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ. Anh luôn lạc quan và tin tưởng, những mặt hàng quà lưu niệm có giá trị, giàu bản sắc sẽ có chỗ đứng khi du lịch phục hồi.
Xây dựng doanh nghiệp đã gần 20 năm, nhưng nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thừa nhận, mình đang “sống” bằng công việc họa sĩ. Kinh doanh chỉ là bàn đạp để anh từng bước hiện thực hóa khát khao đưa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam phủ khắp năm châu.
“Tôi luôn đau đáu làm thế nào để không chỉ phát triển bản thân và doanh nghiệp của mình, mà còn hỗ trợ nghệ nhân ở các làng nghề thiết kế, tạo ra những sản phẩm đẹp, độc, lạ, mang đậm bản sắc để chiếm lĩnh thị trường quà lưu niệm thế giới”.