Nghệ An đầu tư 2400 tỷ đồng phát triển hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá

0:00 / 0:00
0:00
Đến năm 2030, Nghệ An sẽ có 7 cảng cá, 5 khu neo đậu tránh trú bão, các luồng lạch và các dịch vụ hậu cần nghề cá khác trên địa bàn sẽ được đầu tư nâng cấp, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.
Một cảng cá ở Cửa Lò, ảnh minh hoạ. Một cảng cá ở Cửa Lò, ảnh minh hoạ.

Đề án phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ được thực hiện theo 2 phân kỳ giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2023 - 2025, dự kiến đầu tư 677,4 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ 2026 - 2030, dự kiến đầu tư 1.671,5 tỷ đồng.

Theo đó, đến năm 2030, tỉnh sẽ có 7 cảng cá, 5 khu neo đậu tránh trú bão, các luồng lạch và các dịch vụ hậu cần nghề cá khác trên địa bàn sẽ được đầu tư nâng cấp, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.

Trong số vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là hơn 1.673 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 71,5 tỷ đồng, ngân sách khác 603,9 tỷ đồng.

Trong 7 cảng cá được đầu tư xây dựng, nâng cấp, có 3 cảng cá loại 1, 2 cảng cá loại 2 và 2 cảng cá loại 3. Tổng năng lực bốc dỡ của 7 cảng cá là 154.500 tấn/năm, tương đương 83,51% sản lượng khai thác hải sản.

Ba cảng cá loại 1, gồm Cảng cá Lạch Cờn (xã Quỳnh Lập và phường Quỳnh Phương - thị xã Hoàng Mai); Cảng cá Lạch Quèn (xã Tiến Thuỷ và Quỳnh Thuận - huyện Quỳnh Lưu) và Cảng cá Cửa Hội (phường Nghi Hải - thị xã Cửa Lò); 2 cảng cá loại 2: Cảng cá Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc - huyện Diễn Châu) và Cảng cá Lạch Lò (phường Nghi Tân và Nghi Thuỷ - thị xã Cửa Lò); 3 cảng cá loại 3: Cảng cá Quỳnh Nghĩa (xã Quỳnh Nghĩa - huyện Quỳnh Lưu); Cảng cá Lạch Thơi (xã Sơn Hải - huyện Quỳnh Lưu).

Các cảng cá này đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác tại cảng cá chỉ định, ngăn chặn các hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp phát, không báo cáo và không theo quy định.

Đồng thời phát triển các cảng cá thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá có khả năng tiếp nhận số lượng tàu thuyền có công suất lớn.

Nghệ An cũng đầu tư nâng cấp 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 2 khu neo đậu cấp vùng: Lạch Cờn và Lạch Quèn; 3 khu neo đậu cấp tỉnh: Lạch Thơi, Lạch Vạn và Lạch Lò. Toàn bộ các khu neo đậu đảm bảo cho 2.999 tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn, tương ứng với 92,28% tổng số tàu cá toàn tỉnh.

Ngoài ra, các luồng lạch trên địa bàn tỉnh được nạo vét và xây kè chắn cát, chắn sóng, nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá ra vào, không phụ thuộc vào thủy triều.

Đến năm 2030, các cơ sở cung ứng nhiên liệu, vật tư đầu vào và cơ sở thu mua chế biến sản phẩm thủy sản cho tàu cá được kiểm tra, hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định về nhu cầu hậu cần nghề cá. Hình thành được khu chế biến thuỷ sản tập trung và dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô 30ha tại cảng Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu.

Việc đầu tư, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu, nạo vét luồng lạch phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng đề xuất các chính sách thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cơ sở sản xuất nước đá, xăng dầu, kho lạnh, cơ sở chế biến, trang thiết bị nghề cá đảm bảo yêu cầu phục vụ nghề cá xa bờ.

Tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải tại các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, các cơ sở sản xuất kinh doanh hậu cần nghề cá một cách đồng bộ, đúng tiêu chuẩn về đảm bảo vệ sinh môi trường.

PV
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục