Nhận diện các hành lang phát triển kinh tế Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
Trong giai đoạn 2021-203, Nghệ An sẽ tập trung nguồn lực phát triển các hành lang kinh tế, hướng tới mục tiêu hình thành bộ khung phát triển lãnh thổ của tỉnh, phát huy vai trò đầu tàu phát triển kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng cao.
Thị xã Cửa Lò, một trong những khu vực thuộc Hành lang kinh tế ven biển phía Đông của tỉnh Nghệ An. Thị xã Cửa Lò, một trong những khu vực thuộc Hành lang kinh tế ven biển phía Đông của tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh Nghệ An cho biết, giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ có 4 hành lang kinh tế , đó là: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông, Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Hành lang kinh tế quốc lộ 48A, Hành lang kinh tế quốc lộ 7A.

Trong đó, Hành lang kinh tế ven biển phía Đông được hình thành dựa trên 2 tuyến giao thông đường bộ huyết mạch là Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc – Nam đoạn chạy qua tỉnh (trong tương lai). Ngoài 2 tuyến trên, tuyến đường sắt Bắc – Nam, tuyến đường bộ ven biển và đường biển cũng đóng vai trò khá quan trọng trong vận tải người, hàng hóa trong tuyến hành lang.

Mục tiêu phát triển của Hành lang kinh tế ven biển phía Đông nhằm đón đầu, khai thác các ưu đãi trong chính sách phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam phía Đông của Việt Nam – tuyến hành lang kinh tế quan trọng bậc nhất cả nước, thúc đẩy kết nối liên tỉnh, liên vùng của tỉnh Nghệ An.

Đồng thời, hành lang này sẽ là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của toàn tỉnh Nghệ An trong tương lai khi chỉ chiếm khoảng 8 % diện tích nhưng chiếm tới 42% dân số và 78-80% GRDP của tỉnh vào năm 2030.

Về định hướng phát triển các ngành kinh tế của tuyến hành lang này, Nghệ An sẽ phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) bao gồm KCN Hoàng Mai, KCN Đông Hồi, KCN Thọ Lộc, KCN Nam Cấm, KCN Bắc Vinh, KCN VSIP; KCN Diễn Quỳnh; CCN Hồng Hoa, CCN Tháp-Hồng-Kỷ, CCN Trường Thạch...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ hạn chế phát triển, mở rộng KCN, CCN trên địa bàn TP. Vinh (mở rộng). Công nghiệp của khu vực sẽ tiếp tục phát triển mạnh trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu. Tập trung thu hút các ngành, sản phẩm công nghiệp chế biến có công nghệ cao; chế biến sâu có giá trị gia tăng lớn. Phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin khu vực phụ cận TP. Vinh gắn với sự phát triển của khu công nghệ cao Nghệ An (đề xuất đặt trên địa bàn huyện Nam Đàn).

Về du lịch, thương mại, hành lang kinh tế này sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ sản xuất (vận tải, kho bãi,…), khai thác thế mạnh tài nguyên (du lịch gắn với tài nguyên biển, các di tích, lễ hội) và đáp ứng nhu cầu của người dân tại chỗ, du khách (thương mại, y tế , giáo dục,..). Đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm dịch vụ đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế nhất là đầu tư nước ngoài để phát triển các dịch vụ chất lượng cao.

Tăng cường đầu tư, nâng cấp và phát triển hạ tầng thương mại nhằm thúc đẩy giao lưu hàng hóa với các địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế Bắc – Nam. Hình thành 1-2 trung tâm logistics cấp tỉnh trên tuyến hành lang để cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần phân phối bên cạnh việc khai thác công năng của trung tâm logistics tại KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng 2 khu du lịch quốc gia (khu du lịch Quốc gia Kim Liên – Nam Đàn giai đoạn 2021-2030, và khu du lịch Quốc gia Vinh, Diễn Châu giai đoạn 2031-2050), các khu du lịch cấp tỉnh như khu du lịch sinh thái Diễn Lâm (Diễn Châu), khu du lịch Nghi Lộc, khu du lịch Hoàng Mai, các điểm du lịch dọc trên tuyến hành lang kinh tế để tăng cường khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển của khách du lịch.

Về nông nghiệp và thủy sản, sẽ phát triển nông nghiệp ở các địa bàn còn quỹ đất cho nông nghiệp song có sự chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, nông nghiệp đô thị, ưu tiên phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Đối với Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang này được dựa trên tuyến đường Hồ Chí Minh hiện tại và sẽ được nâng cấp thành đường cao tốc giai đoạn 2030-2050 với quy mô 4 làn xe.

Mục tiêu phát triển Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của dải trung du tỉnh Nghệ An, đồng thời giảm tải một phần mức độ tập trung công nghiệp cho hành lang kinh tế ven biển phía Đông.

Về định hướng phát triển các ngành kinh tế của tuyến Hành lang, đối với công nghiệp, sẽ phát triển các KCN, CCN (bao gồm KCN Đông Hiếu, KCN Tân Kỳ, KCN Tri Lễ, KCN Tây Hiếu, KCN Tân Mỹ, KCN Kim Cường, CCN Nghĩa Lâm, CCN Nghĩa Mỹ, CCN Nghĩa Thuận, CCN Nghĩa Dũng, CCN Nghĩa Hoàn...) để hình thành các hạt nhân kinh tế cũng như tạo tiền đề để hình thành mới hoặc mở rộng các đô thị trong những giai đoạn sau.

Tại tuyến hành lang này, Nghệ An sẽ tập trung thu hút các ngành, sản phẩm công nghiệp chế biến nông – lâm sản (thịt các loại, chè, gỗ,…), chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu, công nghệ hiện đại nhằm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trong giai đoạn trước mắt, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động (dệt may, giày da, lắp ráp,…) nhằm giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ.

Đối với nông nghiệp và lâm nghiệp, phát triển Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh thành địa bàn phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến.

Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh sẽ trở thành địa bàn phát triển nông nghiệp quy mô lớn của tỉnh Nghệ An

Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh sẽ trở thành địa bàn phát triển nông nghiệp quy mô lớn của tỉnh Nghệ An

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao dựa trên thế mạnh về tài nguyên đất, rừng. Hình thành các vùng nông nghiệp tập trung phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp gắn với sự phát triển của các cơ sở chế biến tập trung (ở các KCN, CCN).

Về du lịch và thương mại, trong giai đoạn tới, các ngành dịch vụ nói chung đặc biệt là thương mại, du lịch trên hành lang được dự báo sẽ phát triển nhờ sức lan tỏa từ các ngành sản xuất vật chất (nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ và công nghiệp chế biến). Riêng hoạt động thương mại tập trung chủ yếu tại các đô thị (đặc biệt là thị xã Thái Hòa) và các khu vực tập trung công nghiệp mới phân bố dọc hành lang.

Đối với Hành lang kinh tế quốc lộ 48A, mục tiêu phát triển của hành lang này nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của địa bàn trung du, miền núi phía Bắc tỉnh Nghệ An, góp phần giảm chênh lệch trình độ phát triển giữa dải đồng bằng ven biển phía đông với đồi, núi phía tây của tỉnh.

Về định hướng phát triển các ngành kinh tế của tuyến hành lang, Nghệ An sẽ phát triển các KCN, CCN (bao gồm KCN Nghĩa Đàn, KCN Đông Hiếu, KCN Sông Dinh, CCN Thị trấn Tân Lạc; CCN Châu Bình, CCN Châu Hội...) để hình thành các hạt nhân kinh tế cũng như tạo tiền đề để hình thành mới hoặc mở rộng các đô thị (đặc biệt là đô thị Tân Lạc của huyện Quỳ Châu) giai đoạn sau.

Đồng thời, tập trung thu hút các ngành công nghiệp chế biến nông – lâm sản (thịt các loại, chè, gỗ,…), khai thác và chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu, công nghệ hiện đại nhằm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trong giai đoạn trước mắt cần thu hút một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động (dệt may, giày da, lắp ráp,…) nhằm giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ.

Bên cạnh đó, phát triển hành lang kinh tế quốc lộ 48A thành địa bàn phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao dựa trên thế mạnh về tài nguyên đất, rừng. Hình thành các vùng nông nghiệp tập trung phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp gắn với sự phát triển của các cơ sở chế biến tập trung (ở các KCN, CCN) trên địa bàn sẽ hình thành giai đoạn tới.

Đối với Hành lang kinh tế quốc lộ 7A, mục tiêu phát triển nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của địa bàn trung du, miền núi phía Nam tỉnh Nghệ An, góp phần giảm chênh lệch trình độ phát triển giữa dải đồng bằng ven biển phía đông với đồi, núi phía tây của tỉnh đồng thời thúc đẩy giao thương quốc tế với CHDCND Lào.

Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chính, đối với lĩnh vực công nghiệp, sẽ ưu tiên cho phát triển công nghiệp chủ yếu ở phía phía đông (các huyện Yên Thành, Anh Sơn) và khu vực quanh thị trấn Con Cuông nhờ lợi thế về giao thông, lao động.

Ngoài ra, trên tuyến hành lang sẽ phát triển các KCN, CCN (bao gồm KCN Xuân Lâm, KCN Tri Lễ; CCN Thị trấn Anh Sơn, CCN Bãi Xa, CCN Chiêu Lưu...) để hình thành các hạt nhân kinh tế cũng như tạo tiền đề để hình thành mới hoặc mở rộng các đô thị (đặc biệt là đô thị Con Cuông) trong những giai đoạn sau.

Về cơ cấu ngành, trên tuyến hành lang này sẽ tập trung thu hút các ngành công nghiệp chế biến nông – lâm sản (thịt các loại, chè, gỗ,…) theo hướng chế biến sâu, công nghệ hiện đại nhằm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trong giai đoạn trước mắt cần thu hút một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động (dệt may, giày da, lắp ráp,…) nhằm giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ, đặc biệt là ở địa bàn phía đông hành lang nơi có mật độ dân cư khá cao.

Với nông nghiệp và lâm nghiệp, Nghệ An sẽ phát triển Hành lang kinh tế quốc lộ 7 thành địa bàn phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao dựa trên thế mạnh về tài nguyên đất, rừng. Hình thành các vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, rừng gỗ lớn, dược liệu gắn với sự phát triển của các cơ sở chế biến tập trung (ở các KCN, CCN) trên địa bàn sẽ hình thành trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng là thế mạnh nổi trội sẽ được tỉnh Nghệ An ưu tiên thu hút đầu tư phát triển tại Hành lang kinh tế quốc lộ 7. Các điểm du lịch giàu tiềm năng trên tuyến hành lang này được xác định bao gồm: Khu du lịch sinh thái Phà Lài (Con Cuông), đỉnh Pu-xai-lai-leng (Kỳ Sơn),…

Về phát triển đô thị, tỉnh Nghệ An sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp các đô thị Diễn Châu, Đô Lương, Con Cuông cùng với tiếp tục mở rộng không gian phát triển của các thị trấn hiện có (Anh Sơn, Thạch Giám, Mường Xén).

Ngọc Tân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục