Phiên giao dịch cuối cùng của tháng, tâm lý trên thị trường vô cùng bấp bênh khi phải đối mặt với viễn cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào thứ Ba tuần này sẽ không thể kết thúc một cách êm đẹp, dẫn tới sẽ khó có bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào nữa cho các doanh nghiệp và người dân đến từ Quốc hội trong tương lai gần trong khi dịch bệnh đang khiến cả đất nước lao đao.
Tại Washington, Lãnh đạo phe Cộng hoà Đa số Thượng viện Mitch McConnell đã hoãn thời gian thảo luận tại Thượng viện cho đến ngày 9/11. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cáo buộc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã làm không đúng vai trò khiến các cuộc đàm phán về gói kích thích kích kinh tế bị đình trệ và gọi đó là một "vấn đề nguy hiểm về chính trị".
Kết quả thăm dò vào cuối tuần qua cho thấy, tỷ lệ ủng hộ toàn quốc của hai ứng Joe Biden và Donald Trump tiếp tục được thu hẹp dấy lên lo ngại về một cuộc bầu cử gây tranh cãi và có thể sẽ kéo dài trong nhiều tuần.
Trong khi đó, đại dịch đã đẩy các bệnh viện tại Mỹ đến bờ vực quá tải khi số ca nhiễm Covid-19 tại nước này chính thức vượt qua mốc 9 triệu người với số ca nhiễm mới trong một ngày vượt mốc 90.000 vào hôm thứ Năm (29/10).
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo mức độ sợ hãi của nhà đầu tư trên thị trường, đóng cửa ngày 30/10 ghi nhận mức cao nhất trong 20 tuần, một dấu hiệu cho thấy sự lo lắng của nhà đầu tư trong tuần cuối cùng trước cuộc bầu cử.
Mặt khác, theo dữ liệu của Refinitiv, mùa báo cáo thu nhập quý III đã đi qua nửa chặng đường, với khoảng 86,2% công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo. Nhìn chung, quý III/2020, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 dự kiến giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về dữ liệu kinh tế, theo số liệu được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) công bố hôm thứ Sáu, thu nhập cá nhân tại nước này đã tăng 0,9% trong tháng 9, sau mức giảm 2,5% trong tháng 8. Kết quả này tốt hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường là tăng 0,4%. Ngoài ra, chi tiêu cá nhân trong cùng kỳ đã tăng 1,4% và vượt qua ước tính 1% của các nhà phân tích. Lạm phát cơ bản phù hợp với kỳ vọng với mức tăng 0,2%.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan nghiên cứu ghi nhận tăng lên mức 81,8 vào tháng 10 từ mức 81,2 trong tháng trước.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số Dow Jones giảm 157,51 điểm (-0,59%), xuống 26.501,60 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 40,15 điểm (-1,21%) xuống 3.269,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 274,00 điểm (-2,45%), xuống 10.911,59 điểm.
Trong tuần, Dow Jones giảm 6,5, S&P 500 giảm 5,6% và Nasdaq Composite giảm 5,5%.
Trong tháng, Dow Jones giảm 4,6%, S&P 500 giảm 2,8% và Nasdaq Composite giảm 2,3%.
Mặc dù có chút khởi sắc trong phiên cuối tuần qua, chứng khoán châu Âu vẫn không thoát khỏi cảnh phải chứng kiến tuần tồi tệ nhất và cũng là tháng tồi tệ nhất kể từ đợt bán tháo dữ dội hồi tháng 3.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm -4,48 điểm (-0,08%), xuống 5.577,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 42,59 điểm (-0,36%), xuống 11.556,48 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 24,27 điểm (+0,54), lên 4.594,24 điểm.
Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 4,83%, chỉ số DAX giảm 8,61% và CAC40 giảm 6,42%.
Trong tháng, chỉ số FTSE 100 giảm 5,50%, chỉ số DAX giảm 8,93% và CAC40 giảm 4,78%.
Chứng khoán châu Á kết thúc tháng 10 bằng một phiên giao dịch đỏ lửa. Chứng khoán Nhật Bản lao dốc do sự phân hóa bởi kết quả kinh doanh quý vừa qua của các doanh nghiệp niêm yết.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm do chịu ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu thực phẩm, đồ uống.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 354,81 điểm (-1,52%), xuống 22.977,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 48,19 điểm (-1,47%), xuống 3.224,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 479,18 điểm (-1,95%), xuống 24.107,42 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 59,52 điểm (-2,56%), xuống 2.267,15 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,29%, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,63%, chỉ số Hang Seng giảm 3,26% và chỉ số KOSPI giảm 3,97%.
Trong tháng, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,23%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,20%, chỉ số Hang Seng tăng 2,76% và chỉ số KOSPI giảm 2,61%.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu đã hồi phục nhờ lực mua bắt đáy, cũng như đồng USD chững lại và phố Wall mất điểm.
Kết thúc phiên 30/10, giá vàng giao ngay tăng 11,30 USD (+0,61%), lên 1.876,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 11,20 USD (+0,60%), lên 1.868,00 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,30%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,95%.
Trong tháng giá vàng giao ngay tăng 0,46%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,52%.
Tuần này sẽ là tuần diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sự kiện quan trọng nhất trong năm. Trong số 18 chuyên gia trên phố Wall tham gia khảo sát của Kitco, có 12 người, chiếm 67%, dự báo vàng sẽ tăng giá. Chỉ có 2 người, chiếm 11%, cho rằng giá vàng giảm và có 4 người còn lại, chiếm 22%, dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến, trong số 1.138 người tham gia, có 588 người, tương đương 52%, tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. 380 người khác, chiếm 33%, cho rằng giá vàng sẽ giảm và 179 người còn lại, chiếm 15%, có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu tiếp tục kéo dài chuỗi giảm trong phiên cuối tuần và ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ nhiên liệu không mấy khả quan do làn sóng Covid-19 hoành hành tại Mỹ và châu Âu.
Kết thúc phiên 30/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,38 USD (-1,06%), xuống 35,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,19 USD (-0,51%), xuống 37,46 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu WTI giảm 10,19%, giá dầu Brent giảm 10,31%.
Trong tháng, giá dầu WTI giảm 11,01%, giá dầu Brent giảm 8,51%.