Trịnh Duy Tài - công nhân phân tích Phòng Quản lý chất lượng gia nhập đại gia đình Đạm Cà Mau từ năm 2015. Anh chia sẻ: “Để một nhà máy quy mô lớn như Đạm Cà Mau vận hành được, cần lượng nhân sự, thời gian và kinh phí rất lớn. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng gây thiệt hại rất nghiêm trọng.
Vì vậy, khi người người nhà nhà vui xuân đón Tết, việc đảm bảo Nhà máy Đạm Cà Mau được vận hành xuyên suốt và an toàn là điều được ưu tiên hàng đầu đối với mỗi cán bộ công nhân viên của Nhà máy.
Công việc của Tài là lấy mẫu và phân tích mẫu trong và ngoài khu công nghệ.
Ngày lễ Tết cũng như ngày thường, công việc của anh vẫn theo một quy trình: Nhận ca kiểm tra tổng quan 5 giây trong phòng, sau đó chuẩn bị dụng cụ thiết bị lấy mẫu và phân tích mẫu.
Trong ca thì phân tích và trả kết quả kịp thời cho đơn vị yêu cầu.
Đón 5 mùa xuân cùng Đạm Cà Mau, Tài kể, kỷ niệm sâu sắc đọng lại trong anh mỗi dịp trực Tết gắn với bữa cơm tại căng-tin nhà máy.
Những tiếng nói cười rộn rã, không khí ấm áp thân tình giữa những kỹ sư, công nhân đã giúp anh nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ gia đình.
Đặc thù công việc là thế, nhưng Tài tâm sự, anh luôn tự hào vì được cống hiến một phần nhỏ bé công sức của mình cho nhà máy.
Được làm việc ở môi trường chuyên nghiệp như Đạm Cà Mau với anh là một điều may mắn.
Còn Trương Văn Công, anh chàng sinh năm 1991 hiện đang là Kỹ sư Xưởng Urea, Ban Quản lý vận hành sản xuất, lại chân thật chia sẻ: Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất phân bón hiện đại với nguồn nguyên liệu là nguồn khí thiên nhiên từ mỏ PM3.
Sau một loạt quá trình biến đổi phức tạp đi qua 2 phân xưởng Amo và Urea, sản phẩm thu được là sản phẩm urea hạt đục.
Quá trình này xảy ra liên tục, tiếp nối từ công đoạn này sang công đoạn khác, chỉ cần một sai sót ở một công đoạn nào thì không thể tạo ra sản phẩm. Hơn nữa, chi phí cho một lần dừng máy, chạy lại máy là rất lớn. Vì vậy, mục tiêu đảm bảo nhà máy vận hành an toàn, ổn định, liên tục là nhiệm vụ của toàn thể cán bộ công nhân viên.
Công việc của Công là giám sát, theo dõi các thông số vận hành, phát hiện các sự cố bất thường và khắc phục một cách nhanh chóng đảm bảo phân xưởng vận hành ổn định, sản phẩm đạt chất lượng.
Vì vậy, nếu chẳng phải vì lý do gì thật đặc biệt, những kỹ sư như anh không thể bỏ ca trực. 29 tuổi đời, nhưng anh cũng có kha khá kỷ niệm đón Tết ở nhà máy.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh có lẽ là được cùng anh em trong xưởng gói bánh chưng. Mỗi người một chân một tay chuẩn bị gói bánh, chẳng khác gì không khí ở nhà những ngày áp Tết.
Rồi khi Giao thừa tới, lãnh đạo tới thăm hỏi và chúc Tết anh em. Những sự động viên, quan tâm kịp thời đó đã giúp những kỹ sư, công nhân ấm lòng và luôn luôn nỗ lực làm việc hết mình, vì sự phát triển chung của Công ty.
“Trong Công ty có rất nhiều phòng ban chức năng, mỗi người một nhiệm vụ, tất cả vì mục tiêu làm cho Công ty vững mạnh phát triển. Mình cảm thấy yêu thích công việc hiện tại. Mong muốn lớn nhất là có sức khoẻ thật tốt để làm việc cho Công ty”, Công mỉm cười chia sẻ.
Năm nay, Đạm Cà Mau bước sang tuổi thứ 8, những người có cơ duyên gắn bó với Công ty qua vài cái Tết đều kể rằng “họ luôn thấy lửa ở Đạm Cà Mau”.
Đó không chỉ là ngọn lửa luôn bừng cháy, do đặc thù sản xuất khiến các lò luyện của nhà máy phải duy trì liên tục, ngay cả trong những đợt nghỉ lễ dài, mà còn là ngọn lửa của nhiệt huyết, của tinh thần dấn thân nơi những người lao động.
Tại đây, họ được làm việc, được cống hiến, được tưởng thưởng và được tỏa sáng.
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã cho thấy, Đạm Cà Mau đã đáp ứng vượt mức pháp luật quy định về những chính sách, chế độ đãi ngộ với người lao động.
Đó là các yếu tố: thu nhập, đào tạo, môi trường làm việc, phúc lợi xã hội song song với các hoạt động - phong trào bồi dưỡng thể chất, tinh thần.
Người lao động có nhà ở, Công ty có nhà trẻ mầm non để cha mẹ các bé an tâm công tác, các công trình rèn luyện thể thao, vui chơi, thư viện, trang thiết bị y tế và khám sức khỏe định kỳ… đều được chú trọng đặc biệt.
“Với Đạm Cà Mau, nguồn nhân lực chất lượng cao là điều không thể thiếu. Ngoài chính sách thu hút nhân tài, Công ty duy trì chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực”, ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ.
Các khóa đào tạo trong và ngoài nước được thiết kế để người lao động, tùy theo vị trí chuyên môn, có thể cập nhật và đáp ứng được các quy định mới nhất của ngành, phát triển được các kiến thức chuyên môn cần thiết, cùng nhiều kỹ năng mềm.
Đạm Cà Mau có nhiều cây sáng kiến. Chẳng hạn, anh Nguyễn Văn Sơn - Quản đốc Xưởng Phụ trợ, đã có hơn 20 sáng kiến và nhiều giải pháp kỹ thuật được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đảm bảo an toàn, ổn định cho hoạt động của nhà máy.
Trong đó, sáng kiến “Cải tiến lò hơi phụ trợ Nhà máy Đạm Cà Mau” đã mang lại lợi ích kinh tế gần 80 tỷ đồng/năm.
“Luôn có những câu hỏi thường trực: Tại sao như thế? Có thể làm cho nó tốt hơn được không? Làm như thế nào? Khi nào làm? Ai giúp mình thực hiện được vấn đề này?
Nếu duy trì tốt 5 câu hỏi này trong công việc thì sẽ luôn nảy sinh ý tưởng sáng kiến trong chính công việc hàng ngày của mình”, anh Sơn chia sẻ về bí quyết để có được nhiều ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
“Khi làm việc, bên cạnh kỹ năng và kinh nghiệm, niềm đam mê là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với tinh thần “không gì là không thể”, nghĩa là với bất kỳ nhiệm vụ nào dù là nhỏ nhất, tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất " - chị Lê Thị Tú Yên, Kỹ sư tổng hợp Xưởng Phụ trợ, Ban Quản lý vận hành sản xuất, Nhà máy Đạm Cà Mau chia sẻ.
Yêu nghề, khát vọng vươn cao, tìm kiếm cái mới, sáng tạo, cải tiến trong lao động nhằm đạt hiệu quả công việc cao nhất, là điểm chung của nhiều người lao động Đạm Cà Mau.
Bởi thế, mỗi dịp Tết đến xuân về, lòng người Đạm Cà Mau luôn ấm áp bên những đồng đội và tiếng máy thân thương, với sự ủng hộ, vun đắp từ hậu phương vững chắc.