Trong vụ án này, ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM) và 11 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Ông Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) và 6 bị cáo bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và tội tham ô tài sản. Ông Nguyễn Văn Minh bị truy tố tội tham ô tài sản.
Tại tòa sáng nay, ông Tất Thành Cang, ông Tề Trí Dũng và 17 bị cáo khác có mặt. Riêng bị cáo Lương Trí Cường (cựu chuyên viên phòng tài chính - kế toán IPC) xin xét xử vắng mặt do mắc Covid-19.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng, bị cáo Cường đã có đầy đủ lời khai trong quá trình điều tra. Đồng thời, bị cáo này cũng có luật sư bào chữa đang tham gia phiên tòa. Xét sự vắng mặt của bị cáo không làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án, nên Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử.
Đối với sự vắng mặt của một số người liên quan, Viện Kiểm sát cũng cho rằng, sự vắng mặt của những người này không làm ảnh hưởng đến toàn cục của vụ án. Nếu trong quá trình xét hỏi, xét thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập bổ sung.
Luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho ông Tất Thành Cang) đề nghị triệu tập thêm người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có Hội đồng định giá thường xuyên, Hội đồng định giá theo vụ việc.
Luật sư Trương Anh Tú (bào chữa cho bị cáo Vũ Xuân Đức - thành viên HĐTV IPC) cho rằng, HĐXX chỉ triệu tập Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự là thiếu sót. Đồng thời, đề nghị giải mật một số tài liệu.
Luật sư Lê Nguyên Hòa (bào chữa cho ông Tất Thành Cang) đề nghị HĐXX triệu tập ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim.
Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng, đối với kiến nghị liên quan đến việc định giá, quá trình thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra đã thực hiện theo trình tự luật định. Và nội dung này sẽ được HĐXX xem xét, đánh giá tại phiên tòa.
Về việc triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ triệu tập bổ sung nếu thấy cần thiết.
Các bị cáo tại tòa. |
Đối với kiến nghị triệu tập ông Nguyễn Văn Kim, HĐXX cho rằng, tòa đã triệu tập đại diện Công ty Nguyễn Kim với tư cách người có quyền và quyền lợi liên quan. Nếu xét thấy cần thiết, HĐXX sẽ triệu tập thêm.
Về việc đề nghị đối chất giữa ông Tất Thành Cang và ông Tề Trí Dũng, HĐXX cho rằng, việc đối chất sẽ được thực hiện nếu có lời khai mâu thuẫn và sẽ được đối chất tại phiên tòa.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 10/1/2022.
Theo nội dung vụ án, Sadeco là công ty con của IPC, với tỷ lệ góp vốn của IPC là 74,8%. Ngày 26/3/2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại Sadeco. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của Sadeco), với giá 26.100 đồng/cổ phần.
Tháng 9/2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại Sadeco với giá 55.000 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ của Sadeco tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.
Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và Sadeco đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát cho Sadeco 1.103 tỷ đồng.
Trong đó, thất thoát tài sản nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng, gồm vốn của UBND TP.HCM hơn 485 tỷ đồng, tương đương 44%; vốn của Thành ủy TP.HCM hơn 184 tỷ đồng, tương đương 16,7%.
Theo cáo trạng, với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy, phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy (chủ sở hữu vốn Thành ủy), ông Tất Thành Cang phải nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ của Sadeco phải thực hiện đấu giá và thẩm định giá trị cổ phần theo Nghị định 91/2015. Nhưng ông Tất Thành Cang vẫn phê duyệt “đồng ý” chủ trương phát hành cổ phần mà không chỉ đạo phải đấu giá để chọn cổ đông chiến lược là sai, vi phạm quy định tại điều 125 và điều 149 luật Doanh nghiệp, gây thất thoát cho tài sản nhà nước.
Tại cơ quan điều tra, ông Tất Thành Cang cho rằng, việc ông đồng ý là do người đại diện vốn báo cáo không trung thực, che giấu việc lựa chọn Công ty Nguyễn Kim, không cung cấp đủ thông tin khi xin ý kiến Thành ủy. Song, cáo trạng xác định việc ông Cang bút phê “đồng ý” nên đã dẫn đến hậu quả là hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần, nên hành vi của ông Cang đóng vai trò đầu vụ.