Ngành thép: Cảnh báo đầu tư rẻ

(ĐTCK-online)Từ đầu năm trở lại đây, liên tục có các hoạt động ký kết hợp tác - liên doanh, khởi công của các dự án trong ngành thép mà không ít dự án có quy mô cả tỷ USD. Nhưng bên cạnh những mừng vui về khả năng đổi thay diện mạo của ngành thép thời gian tới, nhiều người cũng e ngại môi trường sẽ gặp những thách thức không nhỏ, bởi không phải nhà đầu tư nào cũng đủ lực để sử dụng công nghệ đáp ứng tiêu chí “xanh, sạch”.
Ngành thép: Cảnh báo đầu tư rẻ

Năm 2006, cả nước tiêu thụ gần 7,2 triệu tấn thép, trong đó nhập khẩu 3,867 triệu tấn. Với dân số 84 triệu người, mức tiêu thụ thép bình quân trên đầu người của Việt Nam đã lên tới gần 85 kg. Con số này cũng được xem là gần chạm tới “điểm cất cánh” của ngành công nghiệp ở các nước trên thế giới.

Lẽ dĩ nhiên, đó là tính cả phần nhập khẩu, bởi công nghiệp thép trong nước cho tới nay  vẫn ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Lượng phôi sản xuất trong nước năm 2006 mới đạt 1,4 triệu tấn và mới có nhà máy thép cuộn cán nóng đầu tiên đi từ nguyên liệu là cuộn cán nóng được nhập khẩu đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với công suất 400.000 tấn/năm. Các loại thép tấm, lá cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim… đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Với một thị trường tiêu thụ tiềm năng, sản xuất thép đang trở thành lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Minh chứng là Nhà máy cuộn cán nóng liên doanh giữa TCT Thép Việt Nam (VN Steel) và Tập đoàn ESSAR (Ấn Độ), công suất 2 triệu tấn/năm, với tổng đầu tư trên 500 triệu USD; Nhà máy cán nguội 1,2 triệu tấn/năm và cuộn cán nóng 3 triệu tấn/năm có tổng đầu tư trên 1 tỷ USD của Tập đoàn POSCO; Dự án Nhà máy Liên Hợp Thép Hà Tĩnh (gắn với mỏ sắt Thạnh Khê) giữa Tập đoàn TATA (Ấn Độ) với VN Steel sản xuât thép cuộn cán nóng, cán nguội, thép tấm với công suất dự kiến 4,5-5 triệu tấn/năm, tổng đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD; Nhà máy thép liên hợp giữa POSCO với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) công suất dự kiến 5 triệu tấn thép tấm, thép cuộn cán nóng, cán nguội/năm… 

Các nhà đầu tư trong nước cũng không kém “nhộn nhịp” khi triển khai hàng loạt dự án như Nhà máy luyện kim công suất 300.000 tấn/năm tại Yên Bái (gồm 2 lò cao 180 m3, 2 lò thổi 15 tấn/mẻ) của Vinashin liên doanh với Công ty Thép Cửu Long; Nhà máy lò cao, lò điện ở Hải Phòng của Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi có lò điện dung tích 40 tấn/mẻ và 2 lò cao dung tích 220 m3/lò để cung cấp gang lỏng cho lò điện; Nhà máy liên doanh giữa Công ty Thép Vạn Lợi và TCT Khoáng sản Hà Tĩnh xây dựng 2 lò cao 220 m3, lò thổi 40 tấn/mẻ; Nhà máy Thép Vạn Lợi (Bắc Cạn) với công nghệ 2 lò cao 220 m3, lò thổi ô - xy 40 tấn/mẻ, máy đúc liên tục, sản xuất 500.000 tấn phôi/năm. Công ty cổ phần Thép Đình Vũ (Hải Phòng) cũng dự định xây dựng lò cao 230 m3 để cung cấp gang lỏng cho lò điện 30 tấn /mẻ. Ngoài ra, một số công ty thép khác cũng đang khảo sát thiết bị ở Trung Quốc để thực hiện dự án liên hợp luyện gang lò cao - lò thép - đúc liên tục sản xuất phôi thép cho các nhà máy cán thép hiện đã có.

Theo nhận xét của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trừ một số dự án liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài có dự định lựa chọn các thiết bị công nghệ hiện đại có quy mô lớn như lò cao 2.000 - 3.000 m3, lò thổi luyện thép trên 100 tấn/mẻ đã được thừa nhận hoạt động có hiệu quả trong các liên hợp luyện kim trên thế giới, thì ở các dự án do doanh nghiệp trong nước đầu tư, do hạn chế về vốn, nên đang có xu hướng chọn các thiết bị công nghệ có công suất nhỏ, do Trung Quốc chế tạo.

Tuy nhiên, theo ông Cường, kể từ cách đây 1 năm, Trung Quốc đã cấm vận hành các thiết bị có công suất nhỏ như lò cao dưới 300 m3, lò thổi ô - xy và lò điện dưới 20 tấn/mẻ, nhằm giảm bớt lượng than, điện, nước làm mát để giảm giá thành. Ngoài ra, khi vận hành các thiết bị công nghệ này, lượng khí thải, bụi thải, nước thải đều cao hơn nhiều so với các thiết bị hiện đại. “Nếu đầu tư thêm trang thiết bị bảo vệ môi trường cho các thiết bị công nghệ công suất nhỏ lại cũng khiến giá thành thép cao, mà không đầu tư, thì giá thép cũng bị áp lực bởi tiêu hao năng lượng sẽ rất cao”, ông Cường nói.

Chính do sự cải tổ của ngành luyện kim Trung Quốc mà việc đưa các thiết bị luyện kim bị thải loại hoặc không được phép hoạt động ra các nước là tất nhiên. Với nhiều nước trong khu vực, do có kinh nghiệm hơn, nên các thiết bị có quy mô nhỏ, lạc hậu như vậy khó có thể thâm nhập. Nhưng với các doanh nghiệp trong nước, do đầu tư phân tán và manh mún với công suất phổ biến 200.000 - 300.000 tấn/năm, chỉ có 2 cơ sở sản xuất lò điện công suất 500.000 tấn/năm, nên chưa đủ vốn đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh cao.

Chính vì lẽ đó, ô nhiễm môi trường là một thách thức trong tương lai gần nếu không có những “rào chắn” cần thiết ngay lập tức.

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục