Ngành than “ngồi trên lửa” chờ cơ chế giá

(ĐTCK) Sự thiếu thống nhất trong phương án điều hành cung cấp than, cũng như chưa có phương án phê duyệt giá than nhập khẩu cho điện đang đẩy ngành than vào thế bị động.
Ngành than “ngồi trên lửa” chờ cơ chế giá

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều nhà máy nhiệt điện than chưa ký hợp đồng mua bán than dài hạn với Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, khiến hai nhà cung ứng than lớn nhất cho các nhà máy điện gặp nhiều khó khăn trong triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt là trong việc nhập khẩu than, chế biến và pha trộn để đạt tỷ lệ tiêu chuẩn sử dụng được cho sản xuất điện.

Còn nhớ, vào thời điểm cuối năm ngoái, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Hoàng Trung cho hay, nhu cầu than cho sản xuất điện gần đây biến động rất lớn và phụ thuộc nhiều vào việc huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than. Ông Trung nêu số liệu năm 2017, TKV cung cấp 23,6 triệu tấn than cho điện; năm 2018, than cho điện dự kiến trên 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn, song vẫn không đủ nhu cầu cung ứng cho các nhà máy điện.

“Trong trường hợp giảm huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than, lượng than tiêu thụ sẽ giảm rất mạnh. Do vậy, cần phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng, kể cả trong trường hợp giảm phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư”, ông Trung nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng than năm 2019 dự báo tiếp tục tăng cao, nhất là cung cấp than cho điện, ngành than đã và đang tập trung đẩy mạnh sản xuất than chất lượng cao. Số liệu thống kê của TKV cho thấy, tính chung 3 tháng đầu năm 2019, sản lượng than sạch ước đạt 9,74 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, TKV cho biết, hiện nay, ngành than đang gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng xuống sâu hơn, làm tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh than liên tục tăng trong những năm gần đây, dẫn đến giá thành sản xuất một tấn than tăng mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước.

Việc chưa có sự thống nhất về cơ chế giá than đang khiến cả ngành than cùng các chủ đầu tư, các hộ sản xuất lớn như điện, xi măng đều gặp khó khăn trong việc cung ứng và nhận than.

“Hiện nay, chưa có cơ chế giá thống nhất nên EVN chưa có cơ sở nhận than từ TKV. Bản thân các nhà máy điện cũng không có cơ sở để ký hợp đồng nếu như chưa có phương án giá than cung ứng thống nhất được Bộ Tài chính và Chính phủ phê duyệt”, đại diện EVN cho biết.

Ngay bản thân TKV cũng thừa nhận như đang ngồi trên đống lửa chờ Bộ Tài chính và Chính phủ phê duyệt giá than nhập khẩu. Dự báo trước nhu cầu gia tăng than của các nhà máy nhiệt điện, TKV đã lên kế hoach nhập khẩu than để pha trộn ngay từ đầu năm để đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy của EVN, tuy nhiên do chưa được duyệt phương án giá than pha trộn nên ngành than cũng đang loay hoay chờ đợi.

“Giá than thế giới đang tăng cao, trong khi đó nhập khẩu than về để bảo đảm tỷ lệ tiêu chuẩn sử dụng được cho sản xuất điện lại cần phải chế biến, pha trộn và phải cung ứng với giá thấp hơn nhập khẩu do phụ thuộc vào mức giá than trong nước do Chính phủ quy định. Vì vậy, nếu chưa có giá phê duyệt của Chính phủ, TKV chưa có cơ sở để nhập khẩu chế biến pha trộn và chủ động kế hoạch bù đắp cân đối chi phí phải bỏ ra do chênh lệch giá nhập khẩu”, đại diện TKV lý giải.

Theo đề xuất của tập đoàn này, hiện giá bán than cho các hộ điện thấp hơn giá thị trường, và thấp hơn nhiều so với giá than nhập khẩu, vì vậy, Chính phủ cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV và Tổng công ty Đông Bắc chủ động tính toán phương án nhập khẩu, đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy điện ngay từ đầu năm 2019.                       

Tại cuộc gặp làm việc với EVN về cung cấp than cho các nhà máy điện của EVN năm 2019 mới đây, TKV tiếp tục đề xuất tăng giá than cho sản xuất điện; thống nhất giá than sản xuất trong nước và than nhập khẩu pha trộn cũng như về khối lượng than pha trộn cung ứng cho EVN. Nhằm giảm áp lực cung cấp than, TKV cũng đề nghị EVN điều tiết hợp lý việc huy động các nhà máy thủy điện, điện khí và nhà máy nhiệt điện sử dụng than. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục