Ngày 15/11/2018 đã trở thành kỷ niệm khó quên trong đời 50 cán bộ, công nhân thợ mỏ của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV). Ðây là những tấm gương điển hình tiên tiến, đại diện cho gần 100.000 người lao động toàn ngành.
Niềm xúc động dâng trào trong họ khi được xướng tên trang trọng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ gặp mặt đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành than và tuyên dương các điển hình tiên tiến tại Phủ Chủ tịch (15/11/1968 - 15/11/2018).
Tự hào về truyền thống hào hùng của ngành, Chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn hồi tưởng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công nhân ngành than, khoáng sản. Bác đã nhiều lần về thăm vùng mỏ.
Cùng với biểu dương, khen ngợi những thành tích mà công nhân, cán bộ ngành than đã đạt được, Bác cũng ân cần căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc.
Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao… phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.
"Thực hiện lời dạy của Bác, trong chặng đường 50 năm qua, công nhân, cán bộ ngành than đã khắc phục khó khăn, lao động sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế của đất nước. Trong thời kỳ Ðổi mới, mục tiêu đặt ra với ngành là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn vàng đen của Tổ quốc", ông Chuẩn nói.
Ông Chuẩn dẫn ra nhiều con số để minh chứng cho những bước phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh giai đoạn vừa qua.
Nếu như năm 1995 - năm đầu thành lập Tổng công ty Than Việt Nam, sản lượng than khai thác mới đạt trên 7,2 triệu tấn thì đến năm 2018, toàn Tập đoàn TKV đã sản xuất và tiêu thụ được gần 40 triệu tấn. Tập đoàn cũng phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp khác như khoáng sản, luyện kim, hóa chất mỏ, công nghiệp điện.
Con số doanh thu năm 2018 toàn Tập đoàn trong năm 2018 đạt trên 121.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt trên 16.000 tỷ đồng; lợi nhuận trên 4.000 tỷ đồng. Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, bảo đảm việc làm và ổn định đời sống cho gần 100.000 công nhân lao động với thu nhập bình quân trên 10,8 triệu đồng/người/tháng.
“Những kết quả đạt được trong những năm qua đã khẳng định cán bộ, đảng viên, công nhân lao động Tập đoàn đã và đang kế thừa, phát huy truyền thống hào hùng của công nhân mỏ, của các thế hệ cha anh đi trước”, người đứng đầu ngành than tự hào khẳng định.
Nền kinh tế nước ta duy trì được tăng trưởng cao. Năm 2018, tăng trưởng GDP đạt hơn 7%, năm 2019 dự báo ở mức 7%, nhu cầu than cho nền kinh tế liên tục tăng cao. Ðây là cơ hội cho ngành than tăng trưởng sản xuất - kinh doanh, nhưng cũng là sức ép nặng nề trong điều kiện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu hơn.
Hơn bao giờ hết, ngành than nhận thức rõ ràng những khó khăn vất vả, những nguy cơ mà người thợ mỏ phải đối mặt hàng ngày trong môi trường lao động.
Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, củng cố lòng tự hào về truyền thống của người công nhân mỏ, theo Tổng giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải, việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn và nâng cao đời sống vật chất cho người thợ luôn được Tập đoàn quan tâm hàng đầu.
Ông Hải chia sẻ, cùng với thành quả tích cực trong tăng trưởng sản xuất - kinh doanh, năm 2018 cũng ghi nhận nỗ lực của TKV trong việc tái cơ cấu nguồn nhân lực, hướng đến mô hình “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người” và “Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hoá” trên tất cả các khối ngành sản xuất.
Nhờ gia tăng cơ giới hóa, năng suất lao động bình quân tính theo giá trị toàn Tập đoàn đạt 1,1 tỷ đồng/người/năm, tăng 15,8% so với thực hiện năm 2017. Năng suất lao động tính theo sản lượng than đạt 635 tấn/người/năm, tăng 15,7% so với năm 2017.
Hiệu quả kinh doanh tốt hơn, TKV đã có thêm nguồn tài chính để cân đối lương cho người lao động. Trong năm qua, Tập đoàn đã có 3 đợt tăng lương, trong đó đặc biệt ưu tiên tăng lương đối với đội ngũ công nhân lao động trực tiếp. Lương của thợ lò bậc cao đã lên tới gần 30 triệu đồng/tháng. Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,9% so với mức thực hiện 2017.
“Mục tiêu của TKV đến năm 2020, thu nhập của lao động chính, thợ lò sẽ đạt 1.300 USD/tháng (tương đương gần 30 triệu đồng/năm)”, ông Hải hồ hởi cho biết.
Vị tổng giám đốc cũng không giấu được niềm vui khi cho hay, với phong trào thi đua đạt thu nhập cao trong năm 2018, đã có trên 300 thợ lò có thu nhập từ 300 triệu đồng/người/năm trở lên, tăng gấp 2,4 lần so với thực hiện năm 2017.
TKV đã thành lập Câu lạc bộ thợ lò có thu nhập từ 300 triệu đồng năm, tạo ra một hình mẫu tổ chức để người thợ mỏ có động lực nâng cao năng suất lao động, đóng góp cho sự tăng trưởng chung của ngành.
Ngày áp Tết, trò chuyện với người thợ lò, thấy niềm vui ánh lên từ nụ cười, ánh mắt của họ sau một năm lao động với thành quả tích cực.
Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề mỏ, thợ lò bậc 6/6 Nguyễn Văn Phong thuộc Phân xưởng số 1 Thành Công đã trở thành một trong những thợ lò tiêu biểu có thu nhập cao của Công ty Than Hòn Gai - TKV.
Thành quả ấy là nhờ nỗ lực không ngừng, cần mẫn trong từng ca làm việc của anh. Ðặc biệt, trong 3 năm qua, thu nhập bình quân của anh Phong đạt gần 300 triệu đồng/năm. Nhờ thu nhập ổn định và có kế hoạch chi tiêu hợp lý, gia đình anh đã mua đất và xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, rộng rãi. Ðời sống gia đình cứ thế khấm khá đi lên.
Phấn khởi với những thành quả lao động đã đạt được, người thợ mỏ có thâm niên dày dặn trong nghề chia sẻ, anh sẽ không ngừng nỗ lực để phát huy trong điều kiện làm việc mới.
“Thời gian tới, Công ty Than Hòn Gai tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động, bản thân tôi cần nỗ lực hơn nữa cùng anh em trong tổ phát huy sáng kiến, hợp lý hoá trong sản xuất mới có thể đáp ứng yêu cầu mới”, anh Phong chia sẻ.