Quý III giảm tốc
Mới đây, Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (mã DPM) đã công bố kết quả kinh doanh ước tính 9 tháng đầu năm, với doanh thu gần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 92% và 95,6% so với cùng kỳ năm trước.
DPM cho biết, năm 2022 do tình hình chính trị - kinh tế bất ổn trên thế giới nên giá phân bón biến động khó lường. Trong nước, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá nông sản bấp bênh, tiêu thụ khó khăn tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp, khiến việc kinh doanh phân bón gặp không ít trở ngại do sức mua rất yếu.
Tuy nhiên, Công ty đã kịp thời nắm bắt cơ hội giá phân bón trên thế giới tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu, sau khi đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước. Trong 9 tháng, lượng xuất khẩu của Công ty đạt khoảng 155.000 tấn, gấp 3 lần kế hoạch cả năm.
Tại Hội nghị sơ kết công tác quý III, 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kế hoạch quý IV/2022, lãnh đạo Công ty cổ phần Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao (mã LAS) cho biết, thời gian qua, nguồn cung quặng apatit cho sản xuất supe lân không đủ, Công ty phải cắt giảm công suất dây chuyển supe lân và axit, làm chi phí chung tăng cao.
Trong khi đó, diện tích canh tác nông nghiệp bị thu hẹp, nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều... đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ phân bón của Công ty. Dù vậy, trong 9 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) của LAS đạt 2.538 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.508 tỷ đồng, tăng 24%.
Từ đầu năm 2021, giá phân bón tăng cao theo đà tăng của nguyên liệu cơ bản (như than đá, khí đốt, hóa chất), giúp các doanh nghiệp phân bón ghi nhận lợi nhuận tích cực. Đặc biệt, hai quý đầu năm nay, giá phân bón tăng vọt, ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine (hai nhà xuất khẩu lớn các nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất phân bón cũng như sản phẩm phân bón), các doanh nghiệp phân bón trong nước ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến.
Trong quý III, theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco, dòng phân bón vẫn sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, tăng trưởng mạnh so với quý III/2021 nhờ giá urê ở mức cao. Cụ thể, giá phân urê trong nước đang cao hơn khoảng 25 - 30% so với quý III/2021, tương tự xu hướng thế giới.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu trên 1,23 triệu tấn phân bón các loại, đạt 791,97 triệu USD, tăng 41,4% về khối lượng và tăng 167,9% về giá trị. Giá bán trung bình đạt 644,9 USD/tấn, tăng 89,4% so với cùng kỳ. Riêng tháng 8, cả nước xuất khẩu 117.973 tấn phân bón các loại, đạt giá trị 70,57 triệu USD, tăng 4,7% về khối lượng, song giảm 6% về giá trị. Nguyên nhân là giá xuất khẩu trung bình giảm 10,3% so với tháng trước, đạt 598,2 USD/tấn.
Sang tháng 9, tình hình xuất khẩu phân bón khả quan hơn, đạt kim ngạch 94,3 triệu USD, tăng 33,8% so với tháng 8.
“Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh quý III của ngành phân bón ước tính tiếp tục đi lùi so với quý I và quý II năm nay, do giá urê sau khi đạt đỉnh vào khoảng tháng 5/2022 đã có sự hạ nhiệt. Giá urê Việt Nam hiện đang giao dịch từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, giảm gần 20% so với vùng đỉnh tháng 5”, ông Khoa cho biết.
Điều này cũng có thể nhìn thấy từ kết quả kinh doanh của DPM. Nửa đầu năm nay, Công ty ghi nhận doanh thu 10.935 tỷ đồng, lãi trước thuế 4.156 tỷ đồng. Như vậy, trong quý III, ước tính, Công ty đạt 4.065 tỷ đồng doanh thu và 1.144 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Doanh thu vẫn tăng trưởng, nhưng lợi nhuận đã giảm khá mạnh so với bình quân hai quý trước.
Giá phân bón tăng trở lại
Sang quý IV - quý cao điểm vụ Đông Xuân, sản lượng tiêu thụ phân bón trong nước được dự báo sẽ gia tăng trở lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cũng kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu phân bón từ các thị trường quốc tế sẽ có những tín hiệu tích cực hơn.
Nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, dự báo giá phân bón sẽ tăng trở lại vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023
Ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA) cho biết, do ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraine cùng các lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga..., việc thiếu hụt nguồn cung khí khiến giá khí tại châu Âu ngày càng tăng. Theo đó, giá phân bón có thể tiếp tục tăng mạnh. Với tình hình hiện tại, nhiều nhà máy đã đóng các dây chuyền sản xuất ammonia hoặc sản xuất phân urê vì giá bán không bù được chi phí.
“Trong bối cảnh nguồn cung khí tại châu Âu đang vô cùng khan hiếm, hoạt động sản xuất phân bón bị cắt giảm, nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, dự báo giá phân bón sẽ tăng trở lại vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu phân bón của Việt Nam sẽ tăng cao”, ông Hà dự báo.
Hiện các sản phẩm phân bón của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực như Campuchia chiếm 27,5% tổng khối lượng xuất khẩu 8 tháng, tiếp theo là Malaysia, Hàn Quốc, Philippines, Lào, Thái Lan… Các thị trường như châu Âu, Trung Đông, Biển Đen lại chưa thể đẩy mạnh.
Theo ông Hà, sản phẩm phân bón của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế nhưng chưa xuất khẩu ra châu lục khác có thể do các thị trường chưa “làm quen” với sản phẩm phân bón “made in Viet Nam” và chi phí vận chuyển lớn.
Dù vậy, ông Hà cho rằng, trong thời gian tới, nhiều yếu tố được đánh giá sẽ hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu phân bón của Việt Nam sang các thị trường tiềm năng khác. Đầu tiên, giá khí cung cấp cho các nhà máy phân bón trong nước được tính theo giá dầu FO Singapore (đang có xu hướng giảm), mà giá urê trung bình 8 tháng năm 2022 cao hơn 60% so với trung bình cả năm 2021, trong khi con số này đối với dầu FO Singapore chỉ là 38%. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất phân urê đang có lợi thế chi phí đầu vào rẻ hơn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu cao đang khiến hàng loạt nhà máy phân bón ở khu vực này phải cắt giảm sản lượng, khởi đầu là các nhà máy sản xuất phân bón ở Ba Lan ngừng hoạt động, sau đó đã lan rộng ra toàn khu vực với các doanh nghiệp hàng đầu như Achema, Yara và Borealis...
Do đó, châu Âu sẽ tranh giành nguồn cung cấp các sản phẩm đạm từ khắp nơi trên thế giới để có được khối lượng mà họ cần cho sản xuất. Trong khi đó, Nga – cường quốc số 1 về xuất khẩu phân bón thế giới đang tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với urê trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022.
Thậm chí, mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 (so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022).
Với Trung Quốc, mặc dù chính sách xuất khẩu phân bón đã nới lỏng hơn từ tháng 6 vừa qua nhưng trên thực tế, hoạt động xuất khẩu vẫn được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Cho đến nay, giới phân tích nhận thấy tình hình chưa có dấu hiệu thay đổi, đặc biệt là khi nước này đang bước vào vụ gieo trồng lớn nhất trong năm (từ tháng 10 - 12), nhu cầu phân bón sẽ càng lớn.
Hiện LAS chủ yếu xuất khẩu phân bón sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Campuchia, Lào. Cùng với việc cân đối để đảm bảo nhu cầu phân bón ở thị trường trong nước, LAS đang mở rộng thị trường xuất khẩu. Mới đây, Công ty đã xuất lô hàng sang Đài Loan.
DMP cũng chủ trương xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh sau khi nhu cầu phân bón phục vụ cho vụ Đông Xuân trong nước đã được đáp ứng đủ.