Thị trường hấp dẫn
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), ngành nước có triển vọng rất tích cực. Kinh tế tăng trưởng cao, ổn định, cùng với tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng dân số nhanh đã kéo theo nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp và cho tiêu dùng tăng mạnh.
Trong điều kiện thuận lợi này, tính toán trên cơ sở phân tích thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của ngành nước giai đoạn 2017 - 2020 lần lượt ở mức 43% đối với nước công nghiệp và 35% đối với nước sạch tiêu dùng.
Các số liệu và phân tích trên cho thấy bức tranh tăng trưởng thực tế khá thuận lợi và nhiều triển vọng của các doanh nghiệp ngành nước gần đây.
Các doanh nghiệp đang chiếm lĩnh thị phần lớn trong ngành cấp nước sạch hiện nay có thể kể tới như CTCP Nhựa Ðồng Nai, CTCP Nước - môi trường Bình Dương, CTCP Nước Thủ Dầu Một, CTCP Nước sạch Hà Ðông, CTCP Nước sạch Hà Nội (Hawacom), CTCP Ðầu tư nước sạch Sông Ðà (Viwasupco)...
Ðược biết, có tới trên 80% doanh nghiệp trong ngành này có biên lãi gộp trên 30%. Trong quý đầu năm nay, những doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong nhóm doanh nghiệp ngành nước có thể kể đến như CTCP Cấp nước Vĩnh Long với 65%, CTCP Nước sạch Thái Nguyên với 58%, Viwasupco với 47%...
Với sức hấp dẫn như vậy, ngành nước ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư nhắm tới nhằm mở rộng lĩnh vực hạ tầng và dịch vụ tiện ích để đón đầu cơ hội từ làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư được dự báo gia tăng mạnh tới đây.
Gelex tiến sâu vào mảng nước
Một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành nước hiện nay là CTCP Ðầu tư nước sạch Sông Ðà (Viwasupco).
Công ty có mức tăng trưởng rất cao sau khi Nhà nước thoái vốn vào năm 2017, với 2 cổ đông lớn là Công ty TNHH một thành viên Năng lượng Gelex (đơn vị thành viên của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam - Gelex) nắm trên 60,45% cổ phần và CTCP Cơ điện lạnh (REE) nắm 35,95%.
Năm 2019, Viwasupco đạt doanh thu thuần 540 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018. Mặc dù việc gia tăng chi phí khấu hao, lãi vay của hạng mục trạm lưu lượng Tây Mỗ và 6,4 km tuyến ống truyền tải cùng một số khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh khiến doanh thu, lợi nhuận của Viwasupco sụt giảm so với năm 2018, song hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty vẫn khá tốt.
Hiện Viwasupco cung cấp khoảng 25% tổng sản lượng nước cho khu vực Hà Nội, thông qua các đối tác phân phối, phục vụ trên 1,1 triệu dân, chiếm 29% dân số đô thị.
Mặc dù thị phần và độ phủ của Viwasupco được dự báo có thể có những biến động trong thời gian tới với sự gia nhập của nhiều nhà đầu tư mới trên thị trường nước sạch, song Viwasupco xác định sẽ nâng cấp hệ thống nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trên cơ sở lợi thế đã thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác phân phối và giá bán khá cạnh tranh trên thị trường trong nhiều năm nay.
Năng lượng Gelex, đơn vị quản lý phần vốn góp của Tổng công ty Gelex tại Viwasupco xác định, Dự án nước sạch Sông Ðà giai đoạn 2 cùng các hạng mục công trình trạm điều tiết Tây Mỗ và tuyến ống truyền tải nước sạch, hạng mục công trình ống truyền tải nước sạch phần còn lại bao gồm cả tuyến ống 21 km là trọng điểm đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2020.
Dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành phân kỳ 1, nâng công suất nhà máy lên 600.000 m3 nước/ngày đêm. Ðối với công trình đầu mối và khu xử lý, dự kiến hoàn thành thi công xây dựng trước mùa khô 2021.
Với vai trò cổ đông lớn nắm sở hữu chi phối Viwasaco, lãnh đạo Gelex nhấn mạnh, không phải đến bây giờ Tổng công ty mới hướng tầm nhìn vào lĩnh vực triển vọng này mà thực tế mảng cung cấp nước sạch đã được chú trọng chuyển dịch từ 2 năm trở lại đây.
Theo đó, doanh thu mảng cung cấp nước sạch tăng mạnh từ 373 tỷ đồng năm 2018 lên 540 tỷ đồng năm 2019, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các mảng với mức tăng tới 45%. Lợi nhuận gộp của mảng này từ 218 tỷ đồng năm 2018 tăng lên 279 tỷ đồng năm 2019, là một trong những mảng có mức tăng lợi nhuận cao nhất của Tổng công ty, tăng 28%.
Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra mới đây, mục tiêu phát triển mạnh mảng cung cấp nước sạch tiếp tục được Ban lãnh đạo Gelex khẳng định trước các cổ đông.
Nước sạch, một trong ba trụ cột mới của Sơn Hà
Trước sức hấp dẫn của thị trường kinh doanh nước sạch, mới đây, Tập đoàn Sơn Hà cũng công bố kế hoạch mở rộng hoạt động sang lĩnh vực này. Ðây sẽ là một trong 3 mảng chiến lược mới mà Sơn Hà mở rộng đầu tư trong năm nay, bên cạnh năng lượng tái tạo và bất động sản công nghiệp.
Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tập đoàn Sơn Hà, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ, Sơn Hà sẽ tập trung vào sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt, xử lý nước thải.
Sản phẩm máy lọc nước RO với màng lọc nhập khẩu từ Hàn Quốc và Mỹ của Sơn Hà lâu nay chỉ đáp ứng được nhu cầu xử lý nước ở quy mô nhỏ và mục tiêu Tập đoàn đang hướng đến là giải pháp lọc nước trên quy mô lớn, có thể cung cấp nước sạch cho cả vùng dân cư rộng lớn.
Trước đó, Sơn Hà mua lại cổ phần của Nhà máy Nước Hà Ðông và một số nhà máy nước khác, cho thấy quyết tâm phát triển ngành nước của tập đoàn này.
Mục tiêu của Tập đoàn được ông Lê Vĩnh Sơn khẳng định trước các cổ đông là sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu tốt từ mảng nước ngay từ cuối năm 2020 và những năm sau, trở thành một trong ba lĩnh vực đóng góp doanh thu lớn cho toàn Tập đoàn.
Cũng theo ông Sơn, trong chiến lược tái cấu trúc nhóm ngành trọng điểm, trong đó có ngành nước, Sơn Hà đã triển khai thương vụ M&A Công ty cổ phần Nước Lạng Sơn và năm 2020 dự kiến đóng góp khoảng 200 tỷ đồng doanh thu từ mảng này.
Ngoài ra, Tập đoàn đang triển khai một dự án hợp tác với một đối tác khác của Nhật Bản, để cung cấp giải pháp lọc nước thải sinh hoạt tổng trước khi xả ra môi trường, đồng thời mở rộng cung cấp giải pháp này cho các nhà máy sản xuất trong thời gian tới.
Triển vọng đầu tư vào ngành nước được giới đầu tư đánh giá rất sáng khi các địa phương đang khuyến khích hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này.
Riêng Hà Nội, để thực hiện mục tiêu sản lượng nước sạch đạt khoảng 2 triệu m3/ngày, phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch là 100%, Thành phố đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa.
Với triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành cấp nước, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu tại hàng loạt công ty ngành nước trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Gần đây, CTCP Đầu tư Việt Nam – Oman là liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia Oman và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã rót 19 triệu USD vào Nhà máy Nước Sông Hậu. Nhà máy này phục vụ cho địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Hay Công ty Manila Water Asia Pacific (Philippines) đã đầu tư vào CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn…