Ngành ngân hàng và 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành Ngân hàng phải tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, qua đó tạo sự lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh VGP Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh VGP

Vượt qua thách thức

Phát biểu khai mạc hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, 2021 là năm đầu tiên đất nước bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Với ngành Ngân hàng, năm 2021 mang tới nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ khi kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Cụ thể, phía Hoa Kỳ có quan ngại về vấn đề thao túng tiền tệ, đòi hỏi NHNN phải chủ động đàm phán; doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, các TCTD đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng…

Mặc dù vậy, 2021 cũng là năm chứng kiến các TCTD đã xây dựng và thực hiện nhiều phương án đảm bảo kinh doanh liên tục, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, vừa đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống thanh toán, tín dụng cho nền kinh tế.

“Theo đánh giá của chúng tôi, đây có lẽ là thành công lớn nhất của ngành Ngân hàng nói chung, các TCTD nói riêng trong đại dịch”, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV nhận định.

Cụ thể hơn, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đã chia sẻ một vài số liệu ấn tượng. Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai hiệu quả, thiết thực các Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước (với trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại) nhằm nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho trên 61 nghìn doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng với số tiền vay mới đạt khoảng 900 nghìn tỷ đồng.

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020. Tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so với cuối năm 2020 (tổng vốn huy động của nền kinh tế đạt khoảng 11,23 triệu tỷ đồng, tăng 8,44%); 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú

Các ngân hàng thương mại có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu với tổng số tiền khoảng 20,6 nghìn tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm). Tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng. Hiện có hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách, với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.

“Nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện nay khoảng 7,31%”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

8 nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả ngành Ngân hàng đã đạt được và yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, NHNN và toàn ngành Ngân hàng cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi nhất là được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển, doanh sản xuất kinh doanh. Phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng…

Thứ ba, có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt. Trong đó, chú trọng thực hiện đồng thời cả 2 nhiệm vụ: Tạo điều kiện cho các ngân hàng có tiềm năng phát triển trở thành các ngân hàng ngang tầm khu vực phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng - thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài); Đồng thời, có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đang bị giám sát tăng cường và kiểm soát đặc biệt.

Thứ tư, ngành Ngân hàng phải tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, qua đó tạo sự lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Đề án không dùng tiền mặt, qua đó vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa góp phần công khai, minh bạch thông tin tài sản của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cường ứng dụng công nghệ vào việc phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tiện ích, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện tiến bộ và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thứ năm, tiếp tục chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả thị trường tài chính, tiền tệ theo hướng nâng cao hiệu quả tổng thể, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường, hội nhập quốc tế. Tập trung rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để chủ động sửa đổi hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa các quy trình, thủ tục về tín dụng, ngân hàng…

Thứ sáu, nguồn nhân lực là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tính - quyết định đến sự phát triển hiệu quả, bền vững của ngành Ngân hàng - một lĩnh vực dịch vụ phát triển cao của nền kinh tế. Tập trung làm tốt các khâu từ tuyển dụng - sử dụng - đào tạo, đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Thứ bảy, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng: tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, NHNN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xử lý hài hoà mối quan hệ tiền tệ, thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt vai trò là là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền.

Thứ tám, NHNN và toàn ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, coi đây là một kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội đối với hệ thống tín dụng, ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt, yêu cầu NHNN cần chủ động làm tốt công tác truyền thông trong quá trình cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an toàn hệ thống.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục