Bổ sung vốn điều lệ, vấn đề vẫn "nóng" tại Agribank

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 được tổ chức chiều 29/12/2021 tại Hà Nội, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, dự kiến đến 31/12/2021, Agribank hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.

Bổ sung vốn điều lệ, vấn đề vẫn "nóng" tại Agribank

Trong đó, tổng tài sản đạt 1.680 ngàn tỷ, tăng 7,3%, huy động vốn đạt 1.563 ngàn tỷ, tăng 7,5%; tín dụng đạt 1.316 ngàn tỷ, tăng 8,5%.

Điểm đáng chú ý được Chủ tịch Agribank tiết lộ đó là, 2021 là năm Agribank thay đổi toàn diện mô hình tổ chức để hướng theo quản trị, điều hành của ngân hàng thương mại hiện đại, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến ngân hàng số.

Dự báo cho năm 2022, ông Phạm Đức Ấn cho biết, áp lực lạm phát lớn khi Chính phủ triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản nếu không kịp thời kiểm soát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng. Dự kiến hoạt động ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là chất lượng tín dụng, dư địa để giảm lãi suất rất ít, vì lãi suất huy động hiện nay đã ở mức thấp, nếu giảm tiếp thì khả năng người gửi tiền sẽ tìm kênh đầu tư khác thay vì gửi tiền vào ngân hàng.

“Tuy nhiên, Agribank sẽ tiếp tục giảm, miễn phí, áp dụng chính sách giảm lãi suất cụ thể cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19”, ông Ấn khẳng định.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank

Trước những khó khăn ngành ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng sẽ đối mặt trong năm 2022, Chủ tịch Agribank kiến nghị sớm được bổ sung vốn điều lệ. Theo ông Ấn, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hết sức bức thiết để Ngân hàng có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Hiện nay có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank. Agribank trân trọng cám ơn Chính phủ, Thủ tướng, NHNN đã trình Quốc hội kỳ này về việc tăng vốn cho Agribank. Kính đề nghị ngoài lợi nhuận để lại cần dành Ngân sách Nhà nước để sớm tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa dự kiến là 31/12/2022 sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa”, ông Ấn nói.

Bên cạnh đó là về tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR), theo ông Ấn, hiện nay NHNN quy định tỷ lệ LDR giảm từ 90% xuống còn 85% thì với quy mô huy động vốn của Agribank hiện nay, phải duy trì trên 230 ngàn tỷ không được cho vay. Trong khi đó, do đặc thù nguồn vốn của Agribank chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn của dân cư huy động với lãi suất cao, chiếm 82% tổng nguồn vốn, đối tượng cho vay ưu tiên lãi suất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank lớn.

“Vì vậy, kính đề nghị NHNN xem xét nâng tỷ lệ này cho các NHTM lên 90% thì Agribank sẽ có thêm khoảng 80.000 tỷ đồng để cho vay và có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh”, Chủ tịch Agribank nói.

Cũng theo ông Ấn, theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, không quy định mô hình chi nhánh trực thuộc chi nhánh trong doanh nghiệp. Quy định này không phù hợp thực tiễn mạng lưới rộng lớn của Agribank với 768 chi nhánh tại các huyện, thị xã, đang trực thuộc chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu chuyển về trực thuộc Trụ sở chính sẽ quá tải trong công tác quản lý, giám sát của Trụ sở chính.

“Vì vậy, để Agribank tiếp tục được duy trì mô hình chi nhánh trực thuộc chi nhánh như hiện nay. Kính đề nghị NHNN, Chính phủ, Quốc hội luật hóa nội dung này vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp hoặc quy định đặc thù cho ngân hàng thương mại như Agribank”, ông Phạm Đức Ấn kiến nghị.

Liên quan đến câu chuyện cổ phần hóa, ông Phạm Đức Ấn đề nghị xem xét cho phép cổ phần hóa 2 bước để đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa. Cụ thể: Bước 1 là chuyển Agribank sang mô hình ngân hàng cổ phần với tỷ lệ nhỏ bán cho cán bộ, nhân viên Agribank và triển khai niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bước 2, sau từ 2 - 3 năm sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ có nhiều thời gian, cơ hội để lựa chọn cổ đông phù hợp và lợi ích của Nhà nước sẽ cao hơn.

“Trong thời gian tới với các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, một trong những biện pháp dự kiến Chính phủ sẽ áp dụng là qua hỗ trợ lãi suất tín dụng. Để khắc phục những bất cập như gói hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2008 - 2009, kính đề nghị Thủ tướng, NHNN chỉ đạo rõ đối tượng, phạm vi hỗ trợ, tránh dàn trải và chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ ngân hàng và truyền thông rõ tránh áp lực tổ chức tín dụng buộc phải cho vay đối với cả trường hợp không đủ điều kiện vay vốn”, Chủ tịch Agribank đề xuất.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục