Ngành ngân hàng thúc đẩy ESG, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện nay, thực hành ESG, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam đang hướng tới và trong lộ trình đó, ngành tài chính – ngân hàng có vị trí hết sức quan trọng.
Sản xuất xanh cần được hỗ trợ nguồn vốn lớn Sản xuất xanh cần được hỗ trợ nguồn vốn lớn

ESG nâng cao uy tín, vị thế ngành ngân hàng

Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với các vấn đề về môi trường, xã hội và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân. Vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, năm 2015, Việt Nam cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc. Năm 2016, Việt Nam đã cùng hơn 170 quốc gia trên thế giới ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tại Hội nghị COP26 (Glasgow 2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Theo báo cáo của các quốc gia tại Hội nghị COP27 (Ai Cập 2022), trong gần 150 quốc gia cam kết thực hiện mục tiêu NetZero, Việt Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết bằng việc ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh, như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, ban hành Luật Bảo vệ môi trường (2020) tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh như tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, yêu cầu quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Ths. Hà Thu Giang, Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Ths. Hà Thu Giang, Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Với chức năng là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư phục vụ cho các mục tiêu phát triển xanh và bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Bên cạnh các doanh nghiệp nói chung, việc triển khai thực hành ESG trong hoạt động của các ngân hàng ngày càng trở nên thiết yếu, xuất phát từ 4 yếu tố:

Một là, xu hướng gia tăng các quy định về ESG trên thế giới và tại Việt Nam đòi hỏi các ngân hàng phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những đổi mới trong quy định và chính sách để ngày càng thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội;

Hai là, việc thực hành các tiêu chuẩn ESG giúp nâng cao uy tín của ngân hàng thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội;

Ba là, cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, vì rủi ro ESG không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng);

Bốn là, khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm tín dụng trong quá trình tiếp nhận các dòng vốn đầu tư xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Thể chế hóa các giải pháp xanh

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, từ rất sớm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN (năm 2015) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Chỉ thị đặt ra mục tiêu ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Thống đốc NHNN giao nhiệm vụ ngành ngân hàng cần thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội; yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng thông qua việc chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Nhân viên Ngân hàng Agribank tìm hiểu nhu cầu vốn của người trồng rừng

Nhân viên Ngân hàng Agribank tìm hiểu nhu cầu vốn của người trồng rừng

Trong khuôn khổ phối hợp với các tổ chức quốc tế, NHNN ã phối hợp với IFC ban hành Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng, bao gồm: nông nghiệp; hóa chất; xây dựng cơ sở hạ tầng; năng lượng; thực phẩm và đồ uống; sản xuất may mặc, giày da; dầu khí; xử lý và tái chế chất thải; khai khoáng và ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại; sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhuộm vải, chế biến thủy sản, pin và ắc quy.

NHNN đã ban hành Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, lồng ghép định hướng các mục tiêu về môi trường và xã hội như:

Thứ nhất, tăng cường năng lực của các TCTD để mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư và doanh nghiệp, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Thứ hai, thúc đẩy tài chính toàn diện, thu hẹp dần và đi đến xóa bỏ khoảng cách chênh lệch về điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng cơ bản giữa các khu vực địa lý, các thành phần dân cư trong xã hội; cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho những người nghèo, người dễ bị tổn thương tại Việt Nam, thúc đẩy tài chính toàn diện;

Thứ ba, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia khác, bao gồm: cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; thúc đẩy các hoạt động sản xuất có năng suất cao, tạo việc làm tốt và bền vững; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ thông qua cơ chế chính sách tín dụng phù hợp; phát triển các công cụ thanh toán có thể ứng dụng phù hợp với hệ thống giao thông an toàn, thuận tiện cho mọi người; tăng cường công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, phòng chống tội phạm công nghệ cao, các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng...

Ngày 7/8/2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam với mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Triển khai nhiệm vụ được giao trong thi hành Luật Bảo vệ môi trường (2020), NHNN đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/6/2023. Đây là quy định bắt buộc các TCTD thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các nhóm dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường đã được quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ. Việc thực hiện Thông tư thể hiện thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của TCTD trước rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu, hướng hoạt động ngân hàng Việt Nam ngày càng tiệm cận với các quy chuẩn, thông lệ quốc tế về thực hành ESG, tài chính bền vững; đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Ngày 26/7/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Kế hoạch đã đặt ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của ngành ngân hàng nhằm góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đó là, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số. Song song là công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đối với yêu cầu chuyển đổi xanh; công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của ngành ngân hàng góp phần thực hiện tăng trưởng xanh; nghiên cứu, thành lập diễn đàn chung về tài chính xanh của ngành ngân hàng và đẩy mạnh thực hiện mua sắm xanh trong hoạt động mua sắm công.

Tiếp tục thúc đẩy thực hành ESG

Đến 31/3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Qua tổng kết, đánh giá giai đoạn 2014 - 2020 và theo dõi từ năm 2021 đến nay, các TCTD đã có sự thay đổi nhận thức về phát triển bền vững và thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng. Nhiều TCTD, trên cơ sở quy định của NHNN, đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng. Tính đến ngày 31/3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Những kết quả trên cho thấy, các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng; đồng thời, nâng cao nhận thức cũng như năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi, tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.

Có thể thấy, việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp là ngày càng cấp thiết, bên cạnh các cơ hội vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với cả cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các đơn vị thực thi.

Về phía NHNN, để thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, NHNN sẽ:

* Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư 17/2022/TT-NHNN.

* Chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp; đồng thời hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.

* Đẩy mạnh đàm phán, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế và các TCTD trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, tài trợ vốn cho các dự án xanh, có lợi ích về môi trường xã hội, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam.

* Ngoài ra, NHNN sẽ tích cực tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời, thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.

Ths. Hà Thu Giang
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục