Tăng trưởng ấn tượng năm 2021
Thống kê 6 ngân hàng lớn trên thế giới gồm Bank of America, Goldman Sachs, Morgan Stanley, HSBC, JPMorgan và Deutsche Bank trong năm 2020 cho thấy, doanh thu tăng trưởng trung bình 6,6%, nhưng lợi nhuận giảm trung bình 26,6% do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tuy nhiên, bước sang năm 2021, doanh thu trung bình của 6 ngân hàng này tăng trưởng 11,9% và lợi nhuận tăng trưởng 377,8%, tất cả ngân hàng đều có mức lợi nhuận vượt trước khi đại dịch xuất hiện năm 2019. Trong đó, tăng trưởng ấn tượng nhất phải kể tới Deutsche Bank tăng 377,8% từ 495 triệu EUR lên 2.365 triệu EUR; HSBC tăng trưởng 166,2% từ 5.229 triệu USD lên 13.917 triệu USD; Goldman Sachs tăng trưởng 128,7% từ 9.459 triệu USD lên 21.635 triệu USD…
Bức tranh kết quả kinh doanh khả quan của các ngân hàng lớn một phần đóng góp của mảng ngân hàng đầu tư nhờ hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh của thị trường tài chính, đặc biệt là sự bùng nổ của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu. Điều này giúp các ngân hàng hưởng lợi từ các khoản phí tư vấn và nắm giữ các tài sản tài chính tăng giá.
Thêm nữa, việc tăng trích lập dự phòng năm 2020 sau khi đại dịch xuất hiện đã làm giảm lợi nhuận năm 2020 của nhóm ngân hàng lớn trên thế giới. Tuy nhiên, với việc các ngân hàng trung ương liên tục tung gói hỗ trợ, thực hiện giảm lãi suất đã giúp kinh tế hồi phục theo hình chữ V, qua đó giúp các ngân hàng giảm áp lực trích lập và hoàn nhập dự phòng trong năm 2021, làm gia tăng lợi nhuận.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, trong năm 2021, ước tính 7 ngân hàng lớn trên thế giới, trong đó có JPMorgan, Bank of America và một số ngân hàng khác đã giải phóng được khoảng 36 tỷ USD từ dự phòng nợ xấu trong tổng 50 tỷ USD đã trích lập năm trước.
Ngoài ra, sự hồi phục kinh tế theo hình chữ V cũng đã giúp người tiêu dùng, cũng như các doanh nghiệp sẵn sàng chi tiêu và vay vốn, góp phần tạo nên bức tranh khả quan của nhóm ngân hàng trong năm 2021.
Đà tăng chững lại
Sau một năm 2021 thăng hoa nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, 2022 được dự báo là một năm thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng. Hiện tại, một số chuyên gia tài chính đang lo ngại, năm 2021 có thể là năm có “thu nhập đỉnh cao” của nhóm ngân hàng.
Có những lo ngại rằng, 2021 là năm có thu nhập đỉnh cao của nhóm ngân hàng, nên mức độ hấp dẫn của cổ phiếu nhóm này không còn lớn.
Đặc biệt, trước áp lực lạm phát cao trên toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn đồng loạt thay đổi chính sách tiền tệ từ mở rộng sang thắt chặt, khiến thị trường tài chính đồng loạt điều chỉnh mạnh sau khi bùng nổ trong năm 2021.
Thống kê 6 ngân hàng lớn trên thế giới trong quý I/2022, bức tranh tài chính có dấu hiệu đảo chiều. Trong đó, riêng doanh thu trung bình giảm 8% và lợi nhuận giảm trung bình 22,3%.
Cụ thể, trong quý I/2022, lợi nhuận giảm mạnh nhất là Goldman Sachs giảm 42,4% từ 6.836 triệu USD về còn 3.939 triệu USD; JPMorgan giảm 42,1% từ 14.300 triệu USD về còn 8.282 triệu USD; HSBC giảm 24,2% từ 4.341 triệu USD về còn 3.291 triệu USD…
Theo thuyết minh của các ngân hàng, mức lợi nhuận giảm chủ yếu do phí thu được từ dịch vụ ngân hàng đầu tư có dấu hiệu suy giảm mạnh so với cùng kỳ. Ngược lại, lợi nhuận từ hoạt động cho vay, dịch vụ ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng dương.
Tại Goldman Sachs, lĩnh vực ngân hàng đầu tư trong quý I/2022 ghi nhận doanh thu 2,41 tỷ USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng bảo lãnh phát hành ghi nhận mức doanh thu thấp do hoạt động phát hành và huy động vốn có dấu hiệu suy giảm trên diện rộng.
Tại Bank of America, trong quý I/2022, thu nhập ngoài lãi đạt 11,7 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu do phí hoạt động ngân hàng đầu tư duy trì mức thấp so với cùng kỳ năm 2021.
Tại JPMorgan, trong quý I/2022, lợi nhuận gộp từ hoạt động ngân hàng đầu tư ghi nhận 729 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ. Trong kỳ, Ngân hàng cho biết, phí dịch vụ ngân hàng đầu tư thấp, lỗ hoạt động đầu tư cổ phiếu so với cùng kỳ có lãi …
Nhìn chung, bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2022 của các ngân hàng lớn trên thế giới bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều, chủ yếu do giảm phí hoạt động ngân hàng đầu tư, chịu ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động đầu tư vào thị trường cổ phiếu so với năm 2021 có lãi nhờ thị trường tài chính bùng nổ.
Kể từ đầu năm 2022 tới nay, việc các ngân hàng trung ương tập trung vào kiểm soát lạm phát thay vì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ là một thách thức không nhỏ với kinh tế toàn cầu trong giai đoạn sắp tới, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng.
Nhà đầu tư rút khỏi cổ phiếu ngân hàng
Năm 2021, cùng với kết quả kinh doanh khởi sắc và đà tăng chung của thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu của 6 ngân hàng lớn trên thế giới cũng bật tăng mạnh. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, với kết quả kinh doanh đi xuống trong quý I/2022, nhóm cổ phiếu này đã đảo chiều, bị bán mạnh và chưa có dấu hiệu tạo đáy.
Việc lợi nhuận của các nhà băng tạo nền cao trong năm 2021 với mức tăng trưởng cao, ghi nhận mức kỷ lục, đã gây áp lực tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo, từ đó giảm độ hấp dẫn của nhóm cổ phiếu ngân hàng đối với các nhà đầu tư tài chính.
Ngoài ra, việc chính sách tiền tệ đang có xu hướng thắt chặt trên toàn cầu ảnh hưởng, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này tiếp tục được dự báo sẽ gây khó khăn cho hoạt động doanh của nhóm ngân hàng trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cũng như giảm nhu cầu tiêu dùng, vay vốn của người dân và doanh nghiệp trên toàn cầu.
Tóm lại, bức tranh tài chính của ngành ngân hàng đang có dấu hiệu đảo chiều sau một năm tăng trưởng ấn tượng và vượt mức trước đại dịch Covid-19, điều này khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.