Trong “cuộc đua” công nghệ số, người thắng cuộc chính là người làm chủ các nguồn dữ liệu. Bà có nhận định gì về vấn đề này?
Theo Forbes, 90% dữ liệu của thế giới được tạo ra trong 2 năm trở lại đây. Đây là nhận định từ năm 2018 và đến nay, vào năm 2023, vẫn có những chứng minh về tốc độ sản xuất dữ liệu của thế giới năm sau cao hơn 20-50% so với năm trước. Với một nguồn dữ liệu khổng lồ như vậy, việc lưu trữ, phân tích ngày càng đóng vai trò quan trọng cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng các chiến lược sản phẩm, khách hàng, cũng như phát hiện các rủi ro tiềm ẩn cho doanh nghiệp.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Khu vực miền Bắc, Navigos Search |
Bởi vậy, làm chủ các nguồn dữ liệu trở thành “vũ khí” của các doanh nghiệp trong cuộc đua công nghệ số. Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, quảng cáo, vui chơi giải trí trên nền tảng số, công nghệ sinh học… ngày càng ý thức được vai trò của dữ liệu và thực sự bắt tay vào việc xây dựng cơ sở quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu và dự đoán xu hướng. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về cả năng lực, công nghệ và tài chính nên không nhiều doanh nghiệp có thể đầu tư bài bản.
Tuyển dụng nhân sự trong chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt vốn đã khó khăn, thì việc tìm kiếm nhân sự liên quan đến dữ liệu càng khó hơn. Theo bà, nguyên nhân do đâu?
Cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp của Việt Nam đang rất nỗ lực bắt kịp với sự phát triển ngành công nghệ số của thế giới, và ngành ngân hàng gần như tiên phong trong công cuộc công nghệ số này. Khoảng 5 năm trở lại đây, các ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ số, trong đó việc quản trị và phân tích dữ liệu, dự báo xu hướng hết sức được coi trọng. Tuy nhiên, ngành kỹ thuật dữ liệu, khoa học dữ liệu cũng khá mới ở Việt Nam và càng mới mẻ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nên việc tuyển dụng các chuyên gia trong lĩnh vực này không hề dễ dàng.
Đối với kỹ thuật dữ liệu, mặc dù nguồn cung thị trường còn hạn chế nhưng các ngân hàng vẫn có thể tuyển dụng nhóm nhân sự này cho các vị trí như kỹ sư dữ liệu, trưởng nhóm hay trưởng phòng. Chuyên gia phân tích dữ liệu (data analyst), khái niệm này cũng đã được nghe khá nhiều trong những năm gần đây nên các ngân hàng vẫn có thể tuyển được, mặc dù không chính xác từ ngành tài chính - ngân hàng đi ra. Tuy nhiên, khoa học dữ liệu (data science) là ngành rất mới mẻ ở Việt Nam nên việc tìm kiếm nhân sự mảng này hết sức khó khăn.
Nhiệm vụ của các nhà khoa học dữ liệu là xử lý, trích xuất, phân tích và dự đoán dữ liệu thông qua việc xây dựng các mô hình. Các công việc của khoa học dữ liệu liên quan đến máy học (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI), thị giác máy tính (computer vision)... đều là những khái niệm mới tại Việt Nam. Do vậy, việc tìm kiếm đủ số lượng cũng như chất lượng các nhà khoa học dữ liệu cho tham vọng phát triển mảng dữ liệu trong ngành ngân hàng như “mò kim đáy bể”.
Có những phương thức nào để giải quyết khó khăn này?
Để giải quyết bài toán tuyển dụng các chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu, các ngân hàng đang áp dụng các biện pháp sau:
- Tuyển dụng những người có kinh nghiệm tương đương từ các công ty đối thủ, những người có kiến thức chuyên sâu về dữ liệu cũng như am hiểu về các công cụ, phương pháp quản trị, phân tích và dự đoán dữ liệu trong ngành tài chính - ngân hàng. Đây là nguồn trực tiếp có thể đem lại hiệu quả công việc nhanh nhất, nhưng khá hiếm hoi.
- Tuyển dụng từ các công ty trong lĩnh vực công nghệ là những đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực dữ liệu và kết hợp với đào tạo nội bộ.
- Tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài - cho những vị trí đặc biệt khó tuyển tại Việt Nam như kỹ sư khoa học dữ liệu hoặc các vị trí cấp cao trong mảng này, điều mà rất hiếm người Việt đảm nhiệm được - ưu điểm là có thể đem về nguồn nhân lực chất lượng cao từ các công ty hàng đầu thế giới với những kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhất. Họ cũng là những thành viên tích cực trong việc đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhân viên người Việt. Tuy nhiên, rào cản về ngôn ngữ là điều các chuyên gia nước ngoài thường gặp trong việc tiếp cận và làm việc với các lãnh đạo, đồng nghiệp, nhân viên là những người Việt Nam và điều này ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa quản trị và điều hành trong doanh nghiệp sẽ khiến các ứng viên nước ngoài khó thích nghi. Nhiều chuyên gia cũng không xác định làm việc lâu dài tại Việt Nam khiến doanh nghiệp phải nhanh chóng xây dựng đội ngũ kế cận hoặc tính đến bài toán tìm người thay thế từ bên ngoài nếu các chuyên gia này ngừng việc.
- Tuyển dụng các chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài, những người được đào tạo và làm việc tại nước ngoài trong lĩnh vực liên quan. Đây là những nhân sự có thể đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm và kỹ thuật, đồng thời có khả năng thích nghi với môi trường và văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, có khả năng giao tiếp với các cấp lãnh đạo, nhân viên và đồng nghiệp bằng ngôn ngữ tiếng Việt.
- Tập trung xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng để thu hút sự quan tâm của ứng viên tiềm năng. Đặc biệt, có ngân hàng còn tiên phong trong việc tổ chức các roadshow tại nước ngoài để chiêu mộ nhân tài về phát triển ngân hàng trong nước.
- Xây dựng chế độ đãi ngộ cạnh tranh để thu hút nhân sự chất lượng cao.
- Có những ngân hàng cũng đã tiên phong trong việc làm việc với các trường đại học đào tạo về chuyên ngành kỹ thuật và khoa học dữ liệu để xây dựng chương trình thực tập sinh (internship) và các chương trình đào tạo từ sinh viên nhằm chuẩn bị cho nguồn nhân lực dữ liệu trong tương lai.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, tuyển được người đã khó, giữ được người còn khó hơn vì các ngân hàng khác sẵn sàng “câu người”. Ở góc độ của nhà tuyển dụng, bà có lời khuyên nào để ngân hàng giữ được người tài?
Trong cuộc khảo sát năm 2022 do Navigos Search tiến hành với khoảng 7.000 người lao động, những người tham gia khảo sát chia sẻ 5 lý do hàng đầu khiến họ muốn gắn bó với một doanh nghiệp lần lượt là môi trường làm việc, mức lương, văn hóa doanh nghiệp, sự bền vững của doanh nghiệp và chế độ làm việc linh hoạt.
Có thể thấy rằng, mặc dù lương là yếu tố quan trọng, nhưng 4/5 yếu tố giữ chân người lao động lại nằm ngoài lương thưởng. Rõ ràng, người lao động ngày càng quan tâm đến một môi trường làm việc với cơ sở vật chất tốt, môi trường văn minh gắn kết, cơ chế làm việc linh hoạt… cao hơn cả cơ chế về lương thưởng. Tôi cho rằng, đây là những điểm mà các nhà quản trị và chuyên gia nhân sự trong ngành ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung cần quan tâm xây dựng nhằm giữ chân nhân tài.
Theo Glassdoor (một website về việc làm của Mỹ), mức lương trung bình của một nhà phân tích dữ liệu rơi vào khoảng 84.000 USD/năm. Tại Việt Nam, con số này cũng lên tới trên 470 triệu/năm theo thống kê của TopDev - cao hơn nhiều so với mức thu nhập trung bình xã hội, điều này khiến cho nghề phân tích dữ liệu trở thành một ngành nghề vô cùng hấp dẫn, được bầu chọn là ngành nghề “quyến rũ” nhất thế kỷ 21. Để có thể gia nhập vào ngành nghề này, theo bà, các ứng viên nên chuẩn bị hành trang gì?
Để gia nhập ngành phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu, ứng viên nên chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và kinh nghiệm liên quan. Về kiến thức, cần học các môn học cơ bản và nâng cao về toán, thống kê, kinh tế lượng, máy học, lập trình tin học và các cơ sở dữ liệu. Để có kinh nghiệm, ứng viên nên tham gia các dự án nghiên cứu, xây dựng mô hình phân tích, mô hình dự đoán hoặc khai phá dữ liệu, thu thập dữ liệu.
Ngoài ra, ứng viên cũng nên có kiến thức về ngành nghề kinh doanh mà mình muốn tham gia với vai trò một nhà phân tích dữ liệu. Các ngành nghề phổ biến tuyển dụng kỹ sư phân tích dữ liệu bao gồm tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, hậu cần (logistics), sinh học...
Dự báo của bà về nhân sự dữ liệu trong ngành ngân hàng thời gian tới?
Cùng với xu hướng chung của thị trường, các ngân hàng có sự chững lại trong việc tuyển dụng các chuyên gia công nghệ thông tin và các chuyên gia dữ liệu trong năm 2023 do các tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới và sự suy giảm kinh tế trong nước, song xu hướng này không kéo dài. Theo giới chuyên gia, ngành kỹ thuật dữ liệu, khoa học dữ liệu vẫn sẽ là xu hướng phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam trong những năm tới và ngành ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển mạnh mảng này.