Ngành ngân hàng “dễ thở” hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Nền kinh tế còn những khó khăn nhất định, song theo giới chuyên gia, môi trường kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2024 thuận lợi hơn so với năm 2023.
Năm 2024, mảng xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt sẽ là tín hiệu rõ về nền kinh tế khởi sắc hơn Năm 2024, mảng xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt sẽ là tín hiệu rõ về nền kinh tế khởi sắc hơn

Nhiều thuận lợi hơn

Theo bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), môi trường hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023. Cụ thể, thanh khoản hệ thống dồi dào nên mặt bằng lãi suất duy trì thấp, kinh tế dần hồi phục và chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng, tỷ giá được kiểm soát phù hợp... Ngoài ra, còn có một số chính sách hỗ trợ như Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ được gia hạn đến hết năm nay.

Về NIM (biên lãi ròng) của ngành, sau khi đã suy giảm với mức giảm trung bình khoảng 0,5% trong năm 2023, bà Hà kỳ vọng sẽ có sự hồi phục nhẹ với mức tăng 0,2 - 0,3%. Đối với các dịch vụ phi tín dụng, bà Hà dự báo sẽ có sự hồi phục nhất định từ nền thấp của năm ngoái, nhất là mảng phân phối bảo hiểm (bancassuarane).

TS. Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng MB đánh giá, động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2024 bao gồm nhiều yếu tố như sự hồi phục của nền kinh tế. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng và Chính phủ sẽ tận dụng thời cơ này. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng ở mức cao so với GDP (thường ở mức cao hơn gấp đôi), đặc biệt là tín dụng bán lẻ luôn cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Thanh toán số tăng mạnh, bình quân khoảng 30% nhưng giao dịch qua kênh số tăng trưởng mạnh. Cùng với chỉ tiêu tín dụng/GDP của Việt Nam còn thấp hơn các nước như Thái Lan, Singapore… nên đây là những động lực tăng trưởng cho các ngân hàng nói chung, trong đó có MB, đặc biệt là ở mảng bán lẻ cũng như ngân hàng số.

Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, động lực tăng trưởng chính của ngành ngân hàng trong năm 2024 vẫn là triển vọng tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP hơn 5% trong năm 2023 và theo dự báo của IMF, sẽ đạt tăng trưởng 5,8% vào năm 2024. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vượt trên 4.000 USD và quy mô dân số đã vượt qua con số 100 triệu người. Việt Nam đang thuộc nhóm dân số vàng, trong độ tuổi 15 - 59 chiếm 62,2%. Trình độ học vấn gia tăng, mức độ hiểu biết về tài chính của người dân cũng tăng, do đó nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cũng tăng. Những điều này tạo ra tiềm năng lớn trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Theo ông Vũ, có nhiều yếu tố hậu thuẫn cho tăng trưởng biên lãi ròng (NIM) tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Đầu tiên, lãi suất huy động rất thấp. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng đang ở mức dưới 5%/năm và dự báo tiếp tục duy trì ở vùng thấp trong năm 2024. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng có xu hướng tăng lên, chủ yếu do thay đổi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, dẫn đến chi chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng thấp, duy trì tỷ lệ NIM cao trong thời gian tới. Ngân hàng hiện nay cũng có thể gia tăng nhiều nguồn thu như phí tư vấn bảo hiểm, hoa hồng phân phối sản phẩm. Các ngân hàng có thể tài trợ, cấp vốn vào các dự án xanh, dự án ESG. Tỷ suất sinh lời sau điều chỉnh rủi ro của các dự án này cũng nhiều tiềm năng. Tài chính xanh có nhiều tiềm năng cho các ngân hàng theo đuổi.

Đáng chú, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 cũng có nhiều thuận lợi cho ngành ngân hàng như đơn giản hóa thủ tục, giúp xử lý những khoản vay nhỏ; tạo hành lang pháp lý cho ngân hàng số; xử lý nợ xấu...

Nợ xấu vẫn là yếu tố cần chú ý

Động lực tăng trưởng chính của ngành ngân hàng trong năm 2024 vẫn là triển vọng tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP hơn 5% trong năm 2023 và theo dự báo của IMF, sẽ đạt tăng trưởng 5,8% vào năm 2024.

TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM

Dựa trên các phân tích về môi trường kinh doanh ngân hàng, bà Phạm Liên Hà kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục tốt hơn trong năm 2024, so với mức nền thấp của năm 2023. Đồng thời, bà Hà cũng ước tính tăng trưởng lợi nhuận của 14 ngân hàng đầu ngành sẽ đạt mức 20 - 21% trong năm 2024, cao hơn mức 5,5% của năm 2023.

Chuyên gia HSC đánh giá, cầu tín dụng sẽ hồi phục, giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2024, nhưng rủi ro về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng vẫn còn. Về chất lượng tài sản, bà Hà cho rằng, mặc dù có sự cải thiện trong quý IV/2023 khi mà tỷ lệ nợ xấu giảm đi, nhưng đây vẫn là điểm đáng quan ngại.

Theo đó, bà Hà chỉ ra 2 điểm cần lưu ý: Thứ nhất, nợ xấu toàn hệ thống cuối năm 2023 vẫn đang ở mức khá cao, khoảng 4,8 - 4,9% (mặc dù quá nửa nợ xấu của ngành nằm ở các ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt hay thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc, nhưng tỷ lệ nợ xấu cao như vậy sẽ là điểm nghẽn của nền kinh tế nếu không được xử lý); thứ hai, nợ xấu của các ngân hàng đầu ngành, cụ thể hơn ở đây là của 14 ngân hàng nằm trong danh mục theo dõi của HSC ở mức 1,67% vào cuối năm 2023, chỉ tăng nhẹ so với mức 1,5% ở cuối năm 2022. Tuy nhiên, có được điều này là nhờ Thông tư 02, bởi ở thời điểm cuối năm 2023 thì tổng dư nợ được cơ cấu lại theo thông tư này là 183.500 tỷ đồng, tương đương 1,35% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Nếu như cộng tỷ lệ cơ cấu nợ là 1,35% vào tỷ lệ nợ xấu chung của toàn ngành, hay cộng vào tỷ lệ nợ xấu của 14 ngân hàng đầu ngành thì tỷ lệ nợ xấu thực tế tương đối cao.

Ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Doanh nghiệp và định chế tài chính của Techcombank cho rằng, với dự báo lạm phát tăng nhẹ trong năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Hưng kỳ vọng, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm 2023 sẽ phục hồi trong năm 2024, đồng thời, các ngân hàng triển khai rất mạnh mẽ các chương trình chuyển đổi số, qua đó kích cầu tín dụng, tăng lượng thanh toán sẽ giúp bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng khởi sắc hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị OCB cho hay, Ngân hàng kỳ vọng sẽ gia tăng cơ sở khách hàng thông qua việc thay đổi sản phẩm dịch vụ, tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số và tạo ra các sản phẩm số hóa mới trên thị trường. Năm 2024, OCB tiếp tục triển khai chiến lược dài hạn với mục tiêu duy trì sự tăng trưởng, tiếp tục là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ tăng trưởng tài sản bao gồm dư nợ và huy động đều cao hơn so với 2023. OCB cũng đặt mục tiêu kỳ vọng cao hơn về chỉ tiêu chất lượng tài sản và nợ xấu giảm.

Ông Đàm Nhân Đức đưa ra nhận định, năm 2023, động lực tăng trưởng của nền kinh tế chỉ có đầu tư công, nhưng sang năm 2024, mảng xuất nhập khẩu tăng trưởng rất tốt sẽ là tín hiệu rõ về nền kinh tế khởi sắc hơn. Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng dù yếu một chút nhưng vẫn tốt và đây là yếu tố sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng ngành ngân hàng tích cực hơn so với 2023.

Năm 2024, một số chuyên gia vẫn kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trở mình cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, TS. Trần Anh Vũ lưu ý về thách thức đối với ngân hàng năm nay như hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng do thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến nợ xấu tăng và ngân hàng khó xử lý tài sản thu hồi nợ. Kể cả khi Thông tư 02 được gia hạn, ngân hàng và khách hàng vẫn phải đối mặt xử lý nợ. Nợ xấu được phân hóa mạnh mẽ giữa các ngân hàng, trong đó những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có điều kiện xử lý tốt hơn. Bên cạnh nợ xấu có xu hướng gia tăng, việc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng bị ảnh hưởng, nhất là với nhà băng có nguồn thu lớn từ kênh bảo hiểm.

Uyên Linh
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục