Trong khi đại diện Bộ Công thương cho rằng, ngành mía đường cần khẩn trương đổi mới, thay vì phản đối nhập khẩu đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào vào Việt Nam, thì ngành mía đường lại cho rằng, so sánh giữa ngành mía đường trong nước với nước khác là khập khiễng.
Mía đường là một trong những ngành được bảo hộ từ rất sớm và hiện vẫn đang còn bảo hộ. Thế nhưng, nhiều năm nay, ngành này vẫn không thể cạnh tranh ngay tại sân nhà, thường xuyên rơi vào cảnh thua lỗ. Thách thức với ngành mía đường đang lớn dần bởi áp lực từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng tăng.
Theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2015, Việt Nam phải tiến hành cấp hạn ngạch thuế quan khoảng 81.000 tấn đường với mức thuế suất ưu đãi dành cho các thành viên WTO là 25% với đường thô và 40% với đường trắng (thuế ngoài hạn ngạch là 80-85%). Còn theo cam kết hội nhập ASEAN, từ năm 2018, hạn ngạch thuế quan bị xóa bỏ, thuế nhập khẩu đường của Việt Nam với các thành viên trong khu vực sẽ là 5%...
Không thể phủ nhận rằng, những bất cập của ngành mía đường còn quá lớn, chủ yếu do năng suất thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, giá thành cao, hệ thống phân phối yếu, liên kết giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo… Đây là những lý do khiến người dân Việt Nam đang phải mua đường sản xuất trong nước với giá cao gấp rưỡi giá thế giới. Với những bất cập đó, nguy cơ phá sản của ngành mía đường đang dần hiệu hữu, nhất là khi thị trường đường khu vực sẽ mở cửa hoàn toàn sau 3 năm tới.
Việc cho phép nhập khẩu đường giá rẻ của Hoàng Anh Gia Lai được coi như là một “phép thử” để các doanh nghiệp mía đường trong nước nhận rõ được yếu kém của mình, từ đó có biện pháp tái cơ cấu phù hợp. Chắc chắn, với xu thế mở cửa hiện tại, trong tương lai, không chỉ Hoàng Anh Gia Lai, mà sẽ có hàng loạt doanh nghiệp của Lào, Thái Lan… ồ ạt xuất khẩu đường sang Việt Nam.
Đã đến lúc, ngành mía đường phải quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng, đổi mới toàn diện cả về quy mô, phương thức, kỹ thuật canh tác, công nghệ… theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp trong ngành phải khẩn trương sắp xếp lại dưới hình thức mua bán - sáp nhập, hoặc tăng vốn để hình thành những tập đoàn với quy mô sản lượng đủ lớn, có sức hấp dẫn khi gọi vốn đầu tư, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.
Dĩ nhiên, các doanh nghiệp mía đường cũng có lý khi cho rằng, một trong những lý do khiến họ “thua” trên sân nhà là điều kiện sản xuất và môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi của Việt Nam có nhiều điểm khác so với các nước trong khu vực. Trong khi Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại Lào được giao diện tích đất lớn, thuận lợi khi canh tác, với thời hạn trên 90 năm và nhiều ưu đãi khác thì trong nước, doanh nghiệp mía đường vẫn phải thuê đất manh mún, chỉ được cấp quyền sử dụng 20 năm, do vậy sẽ rất rủi ro khi đầu tư vốn áp dụng công nghệ mới.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có thể làm giàu từ nông nghiệp, nhưng phải là nông nghiệp công nghệ cao. Đơn cử, là một tập đoàn lớn, kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhưng năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Riêng mía đường mang lại 34% doanh thu cho tập đoàn này với khoản lãi hàng trăm tỷ đồng.
Rõ ràng, rất cần một cuộc cách mạng trong ngành mía đường và cuộc cách mạng đó phải bắt đầu từ chính các doanh nghiệp. Thế nhưng, cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể đứng ngoài cuộc, mà phải định hướng, giúp doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện về quy hoạch, đất đai, chính sách…