Ngành kinh tế xanh đón làn sóng mới

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam là điểm đến ngày càng được nhiều du khách yêu thích. Nhưng để đón được những làn sóng mới, giữ du khách ở lại lâu hơn, thôi thúc họ trở lại nhiều hơn, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa.
Năm 2023, Việt Nam đón 12,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Trong ảnh: Khách quốc tế thăm Đền Ngọc Sơn (Hà Nội) Ảnh: Hồ Hạ Năm 2023, Việt Nam đón 12,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Trong ảnh: Khách quốc tế thăm Đền Ngọc Sơn (Hà Nội) Ảnh: Hồ Hạ

Nhiều chính sách đột phá

Với sự phục hồi mạnh mẽ, năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tổng khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt). Khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” lần thứ tư. Tại lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”. Bên cạnh đó, nhiều điểm đến và doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng nhận được các giải thưởng danh giá khác.

Có được kết quả đó là bởi Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi phát triển du lịch, tiêu biểu như: Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam… Doanh nghiệp lữ hành tiếp tục được giảm 80% tiền ký quỹ theo Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong vòng một năm, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 3 hội nghị quan trọng, gồm Hội nghị Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam (tháng 12/2022); Hội nghị Toàn quốc về du lịch (tháng 3/2023) và Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững (tháng 11/2023).

Những làn sóng du lịch mới

Năm 2023, ngành kinh tế xanh Việt Nam chứng kiến những làn sóng du lịch mới đầy hứa hẹn cho tương lai. Một trong số đó là làn sóng du mục kỹ thuật số (du khách đi du lịch kết hợp làm việc từ xa). Chuyên trang du lịch Travel Off Path (Mỹ) nêu 4 “thỏi nam châm” giúp Việt Nam hấp dẫn dòng khách này là: sự thuận tiện về visa, những điểm đến đầy hấp dẫn, chi phí sinh hoạt thấp và sự thân thiện của người dân địa phương.

Theo Travel Off Path, chính sách thị thực mới của Việt Nam được áp dụng từ ngày 15/8/2023 (thị thực điện tử được kéo dài thời hạn lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần) là yếu tố thu hút khách du lịch nước ngoài và dân du mục kỹ thuật số. Chính sách thông thoáng trong việc cấp thị thực trực tuyến và cho phép nhập, xuất cảnh nhiều lần của Việt Nam là điểm cộng lớn để làn sóng du khách du mục kỹ thuật số chọn khám phá đất nước hình chữ S.

“Việc thực thi đúng pháp luật sẽ giúp Việt Nam quản lý các điểm đến và thu hút các nhà đầu tư quốc tế, tạo sức bật cho ngành kinh tế xanh”, Travel Off Path nhận định. Chuyên trang này cho rằng, thị thực điện tử của Việt Nam tiện lợi hơn các nước Đông Nam Á khác. Đơn cử, Thái Lan chỉ cấp thị thực điện tử có thời hạn 30 - 45 ngày, khiến du khách mất nhiều thời gian gia hạn…

Travel Off Path cũng gợi ý những điểm tham quan giàu trải nghiệm tại Việt Nam như Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Sa Pa… Đặc biệt, chuyên trang du lịch nổi tiếng của Mỹ khen chi phí sinh hoạt ở “đất nước hình chữ S” phải chăng và phù hợp với nhu cầu. “Với các căn hộ một phòng ngủ rộng rãi có giá dưới 250 USD và chi phí thực phẩm hàng tháng dao động khoảng 200 USD, thật dễ hiểu tại sao rất nhiều dân du mục kỹ thuật số đổ xô đến Việt Nam”, Travel Off Path chia sẻ.

Cùng với đó, sự thân thiện và hiếu khách là những tính cách tốt đẹp du khách có thể cảm nhận ngay lập tức khi tiếp xúc, trò chuyện hay nhờ người dân địa phương giúp đỡ. Sự sẵn sàng chia sẻ văn hóa và truyền thống của người Việt Nam không chỉ nâng cao trải nghiệm tổng thể, mà còn tạo ra các kết nối mới cho du khách và giúp họ thực sự cảm thấy là một phần của cộng đồng nơi đây.

Bên cạnh làn sóng du mục kỹ thuật số, năm 2023, ngành du lịch Việt Nam còn chứng kiến làn sóng du lịch concert với những buổi biểu diễn cháy vé của các nhóm nhạc nổi tiếng thế giới. Gần đây nhất là sự kiện nhóm nhạc Maroon 5 khuấy động giới mộ điệu âm nhạc tại Phú Quốc vào trung tuần tháng 12/2023. Trước đó, cuối tháng 11 cũng đã diễn ra các sự kiện lớn của ban nhạc Westlife biểu diễn tại TP.HCM, đêm nhạc của huyền thoại saxophone Kenny G tại Hà Nội.

Không chỉ vậy, vài tháng tháng trước, một loạt ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng đã đến Việt Nam như: Blackpink, Charlie Puth, HyunA, BoA… Việc các ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng đến biểu diễn liên tiếp gần đây thể hiện thị hiếu “thẩm thấu” âm nhạc của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trên thị trường âm nhạc thế giới. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của các show diễn là mức thu nhập của người dân gia tăng, kinh tế phát triển, thị hiếu của người nghe nhạc Việt Nam được cập nhật với thế giới. Cùng với đó, các nhà tổ chức cũng nghiên cứu kỹ lưỡng về thị hiếu, thị trường và đầu tư cho công tác tổ chức bài bản hơn.

Các ngôi sao quốc tế đến Việt Nam góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương thông qua kích cầu du lịch và sử dụng dịch vụ. Theo ước tính của Sở Du lịch TP. Hà Nội, chỉ trong 2 ngày diễn ra show của nhóm nhạc Blackpink, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 170.000 lượt với tổng doanh thu du lịch hơn 600 tỷ đồng, lượng vé máy bay đến Hà Nội thời điểm đó tăng gấp 10 lần, số lượng khách đặt phòng tăng mạnh gấp 2 - 3 lần.

Ghi nhận của nền tảng du lịch Traveloka cho thấy, khách đến Hà Nội thời điểm diễn ra 2 show diễn của Blackpink không chỉ từ các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, mà còn từ khắp châu Á. Dữ liệu mới nhất của Traveloka ghi nhận lượng tìm kiếm chuyến bay đến Phú Quốc trong giai đoạn bán vé concert Maroon 5 tăng gấp 10 lần so với tháng 11/2023. Ngoài ra, số lượt check-in khách sạn ở Phú Quốc trong thời gian diễn ra concert tăng hơn 2 lần so với tuần trước đó.

Đẩy mạnh quan hệ hợp tác công - tư

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp biểu diễn không thể tách rời riêng biệt, mà cần liên kết với các đối tác dịch vụ khác để tạo ra sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương, doanh nghiệp tổ chức sự kiện, doanh nghiệp và người dân tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cần hợp tác để tạo ra các sản phẩm du lịch trọn gói. Khách hàng khi lựa chọn đi xem show biểu diễn sẽ kết hợp tham quan, mua sắm tại nhiều địa điểm và khu vui chơi giải trí khác của địa phương, sử dụng các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận chuyển... Tận dụng tối ưu các buổi biểu diễn sẽ mang lại cho địa phương nhiều lợi ích kinh tế.

Các buổi biểu diễn của các ngôi sao quốc tế không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho địa phương, mà còn góp phần quảng bá điểm đến. Để chớp thời cơ này, tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, diễn ra ngày 22/12/2023, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group đề nghị có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án công trình văn hóa như nhà hát, trung tâm thể dục - thể thao, công viên văn hóa… theo hình thức đối tác công - tư. Bởi chỉ khi có những công trình, dịch vụ, sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn, thì mới có thể níu chân du khách ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn.

Để ngành kinh tế xanh tiếp tục bứt phá trong năm 2024, ông Phạm Văn Thủy, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề nghị các sở quản lý du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư du lịch, phát huy vai trò của nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển du lịch hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, nâng cao chất lượng công tác hoạch định chính sách, đổi mới tư duy về quản lý và phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch theo phương châm “Nhà nước - doanh nghiệp - nhân dân đồng hành phát triển du lịch”.

“Thời gian tới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò ‘nhạc trưởng’, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn để hình thành các vùng liên kết, động lực tăng trưởng du lịch; đẩy mạnh quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, ông Thủy nhấn mạnh.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục