Quảng Bình thu hút đầu tư ngành kinh tế xanh

0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã khẳng định du lịch là một trong “tứ trụ” của nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Bình cần chú trọng thu hút nhà đầu tư, mở rộng thị trường.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Sở Du lịch Quảng Bình, sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, đến tháng 5/2023, hầu hết các đơn vị du lịch đã từng bước quay trở lại hoạt động bình thường.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 531 cơ sở lưu trú du lịch với 8.475 phòng, hơn 16.000 giường, trong đó 38 cơ sở đã xếp hạng. Cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên có 1.744 phòng (chiếm 20,6%) và hệ thống nhà nghỉ du lịch, homestay, farmstay với 493 cơ sở với 6.093 phòng.

Các cơ sở lưu trú đầu tư tiêu chuẩn hạng 4 sao đã đi vào hoạt động đang hoàn tất thủ tục xếp hạng gồm Khách sạn SAM, Khách sạn REX, Khách sạn Phương Bắc, Khách sạn Cenila Peninsula. Hiện Quảng Bình có 6 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 5 sao.

Bên cạnh đó, tỉnh có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó 8 nhà hàng và 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Riêng về lữ hành, tính đến quý I/2023, trên địa bàn tỉnh có 33 đơn vị lữ hành, trong đó có 21 đơn vị lữ hành quốc tế, 12 đơn vị lữ hành nội địa.

Dù vậy, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành du lịch tỉnh.

Các hạn chế nổi bật được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu ra là việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội của tỉnh; tiến độ triển khai một số dự án du lịch còn chậm; việc kết nối du lịch với các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế còn chưa rõ nét…

“Cơ sở vật chất phục vụ du lịch xuống cấp, đặc biệt sau thời gian dài dừng hoạt động vì đại dịch; hạ tầng du lịch còn thiếu đồng bộ; số khách sạn, nhà hàng đạt chuẩn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thẳng thắn.

Để khắc phục những hạn chế trên, Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, một trong những giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới là hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng tiến hành rà soát các quy hoạch có liên quan đến phát triển du lịch đã phê duyệt để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, các quy hoạch này sẽ tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng du lịch của tỉnh như điểm dừng chân, các khu vui chơi giải trí, chợ đêm, khu dịch vụ, trung tâm thương mại, ẩm thực, khu, tuyến, điểm du lịch, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn, đặc biệt là tại các khu vực như Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũng Chùa - Đảo Yến, khu vực ven biển TP. Đồng Hới, khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong - Suối nước nóng Bang...

Cùng với đó, ông Quý cũng cho hay, tỉnh Quảng Bình đang thu hút các nguồn lực, các dự án đầu tư phát triển du lịch, trong đó chú trọng các dự án hạ tầng như hệ thống giao thông, đầu tư cơ sở lưu trú cao cấp, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án này.

Ngày 12/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 337/QĐ-TTg. Theo quy hoạch được phê duyệt, trong 4 trụ cột phát triển kinh tế, trụ cột được đề cập đến đầu tiên là “tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế; coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình nhận định, nội dung Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã đề ra ưu tiên phát triển của tỉnh để thu hút nhà đầu tư và khách đến du lịch.

Song, ông Kỳ cũng chỉ ra thực trạng, hiện nay Quảng Bình mới có vài nhà đầu tư du lịch đúng nghĩa, vừa có tâm vừa có tầm, có tư duy và hệ ý thức, đầu tư có tâm huyết, năng động, sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng không trùng lắp mang đậm nét du lịch đặc hữu địa phương như sản phẩm du lịch của Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất… Đáng tiếc là những sản phẩm như thế còn quá ít.

Để đón được “đại bàng”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch kiến nghị, tỉnh Quảng Bình cần đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực; quản lý và sử dụng tài nguyên du lịch hợp lý, không nóng vội xé nhỏ tài nguyên, lựa chọn nhà đầu tư nhiệt huyết và có kinh nghiệm.

“Ngoài các nhà đầu tư chuyên môn sâu như lưu trú, khách sạn, ăn uống, ẩm thực, lữ hành và vận chuyển khách đang hoạt động, tất cả các loại hình đầu tư còn lại phải xem xét kỹ năng lực, cược quỹ đầu tư và quy định thời gian hoàn thành, cam kết có sản phẩm du lịch chứa hàm lượng trí tuệ cao”, ông Nguyễn Văn Kỳ đề xuất.

Nguyễn Toàn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục