Ngành gỗ đón những tín hiệu tích cực đầu năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Với những tín hiệu tích cực đầu năm, các doanh nghiệp trong ngành gỗ và nội thất đang tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng đơn hàng ở cả thị trường truyền thống và các thị trường mới.
Ngành gỗ ghi nhận tín hiệu khả quan đầu năm mới Ngành gỗ ghi nhận tín hiệu khả quan đầu năm mới

Ghi nhận tín hiệu khả quan

Năm 2023 là một năm hết sức khó khăn đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ. Đây là năm đầu tiên ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đứng tốp 5 thế giới ghi nhận tăng trưởng âm sau khi duy trì đà tăng suốt 2 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, đầu tháng 1/2024 tình hình xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tháng 1/2024, xuất khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu tăng mạnh nhờ động lực từ hai nhóm ngành chính là nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến với mức tăng lần lượt gần 97% và 38%. Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong tháng 1/2024 và chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Từ kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ cho thấy tín hiệu phục hồi từ những tháng cuối năm 2023.

Với năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, đây là chỉ tiêu khá cao, đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị đang leo thang và khó đoán định, cả yếu tố đầu ra và đầu vào của xuất khẩu đều khó khăn.

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM), trong bối cảnh đó, một trong những việc cấp thiết mà doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ cần chú trọng đó chính là mở rộng những thị trường mới, tăng cường đa dạng hóa các kênh bán hàng từ truyền thống và phi truyền thống. Do đó, công tác xúc tiến thương mại nói chung và với ngành gỗ nói riêng là hết sức cần thiết.

Xúc tiến thương mại ngay đầu năm mới

Sắp tới, Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ Mỹ Nghệ Xuất Khẩu Việt Nam lần thứ 15 (VIFA EXPO 2024) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI TP.HCM), Hiệp hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VABM) và Công ty cổ phần Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 26-29/2 tại Trung tâm triển lãm Sky Expo Việt Nam, Công viên Phần mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM.

VIFA EXPO 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26-29/2 tại Trung tâm triển lãm Sky Expo Việt Nam.

VIFA EXPO 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26-29/2 tại Trung tâm triển lãm Sky Expo Việt Nam.

Ông Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh thông tin, hội chợ đã thu hút được hơn 600 doanh nghiệp đăng ký với gần 2.000 gian hàng trên tổng diện tích 36.000 m2. Trong đó, doanh nghiệp sản phẩm nội thất chiếm 61%, sản phẩm thủ công mỹ nghệ chiếm 8%, sản phẩm trang trí nhà cửa chiếm 19%, máy móc, phụ kiện, dịch vụ chiếm 12%. Với tỉ lệ 52% doanh nghiệp Việt Nam đến từ TP.HCM và 21 tỉnh thành khắp cả nước và 48% doanh nghiệp nước ngoài đến từ 17 quốc gia như: Mỹ, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Anh, Đức, Úc...

Đến thời điểm hiện tại, tính riêng khách tham quan quốc tế, hội chợ đã nhận được hơn 3.500 lượt đăng ký trước đến từ 83 quốc gia và vùng lãnh thổ là các thị trường lớn và truyền thống như: Mỹ, Canada, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các quốc gia hoàn toàn mới như: Na Uy, Nepal…

Hội chợ VIFA EXPO 2024 sẽ là điểm kết nối cung – cầu, giúp các doanh nghiệp mở rộng vòng kết nối, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Nổi bật là hội chợ có nhiều đoàn khách từ các tỉnh thành Trung Quốc đăng ký tham gia từ sớm để tìm kiếm nguồn hàng tại thị trường Việt Nam. Theo ông Hùng, nếu thị trường này khai thác được thì dư địa tăng trưởng rất cao cho các doanh nghiệp trong nước.

Với thời gian tổ chức hoàn toàn mới, VIFA EXPO 2024 là hội chợ tiên phong trong chuỗi Hội chợ nội thất lớn nhất châu Á năm 2024. Ngay sau sự kiện này, các nhà mua hàng nội thất thế giới sẽ tiếp tục tham quan các hội chợ uy tín trong chuỗi như: IFEX Indonesia (29/2 - 3/3), MIFF Malaysia (1 - 4/03), Malay (4 - 7/3), CIFF China (18- 21/3 và 28 - 31/3).

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nhận định, năm 2022-2023, khi vừa thoát khỏi Covid-19 nhiều doanh nghiệp gỗ nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu nói chung vẫn đang hào hứng. Tuy nhiên, một nghịch lý là trong giai đoạn dịch, doanh nghiệp nỗ lực để được sản xuất thì hiện tại phải nỗ lực để có đơn hàng.

Vì vậy, doanh nghiệp không thể phụ thuộc vào khách hàng cũ, nhà nhập khẩu truyền thống như trước khi đơn hàng nhỏ lẻ ngày một nhiều hơn. Do đó, cần tích cực tham gia hội chợ để tìm khách hàng mới, phát triển các thị trường ngách dù chi phí gia tăng so với trước.

Hoài Sương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục